Cà Mau: Chuyển đổi số giúp sản phẩm ngành nông nghiệp tạo uy tín trên thị trường

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau Phan Hoàng Vũ chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về những khó khăn, thách thức và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số ngày càng tốt hơn.

Một trong những đột phá của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau trong năm 2024 là công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực với 7/7 nhiệm vụ hoàn thành theo tiến độ. Các nhiệm vụ bao gồm: hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2024; rà soát các văn bản quy định về chuyển đổi số; số hóa hồ sơ giải quyết TTHC; 90% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến; 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử và ký chữ ký số; triển khai các văn bản quy định về chuyển đổi số; tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số.

- Thưa ông, tỉnh Cà Mau đã triển khai những công nghệ số nào trong giám sát và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản?

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ

- Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, xây dựng thí điểm hệ thống, phần mềm áp dụng công nghệ IoT và blockchain vào trong giám sát và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản như phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm sinh thái (do dự án GFD tài trợ), phần mềm giúp truy xuất sản phẩm tôm nuôi được chứng nhận sinh thái, hiện phần mềm đang trong giai đoạn đánh giá tính hiệu quả, khả thi trước khi đưa vào hoạt động chính thức; phần mềm truy xuất nguồn gốc các mặt hàng ngư – nông – lâm (do VNPT Cà Mau thực hiện), phần mềm đang được triển khai thí điểm các nhóm sản phẩm OCOP, các vùng nuôi, nhà máy chế biến... trong đó, các đơn vị tham gia công khai quá trình sản xuất, ghi chép nhật ký trực tiếp trên phần mềm… từ đó giúp quá trình sản xuất được công khai, minh bạch trước khi đến với người tiêu dùng.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau - một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau - một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số

Bên cạnh đó, các sản phẩm của ngành nông nghiệp được cập nhật trên cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau tại địa chỉ https://txng.camau.gov.vn/home. Từ đó, giúp sản phẩm của ngành tạo được uy tín trên thị trường.

- Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp của Cà Mau, đặc biệt ở các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ?

- Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…), chuyển đổi cách thức quản lý từ truyền thống sang hiện đại, thông minh. Đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, trình độ nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý ngành nông nghiệp… Do đó, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, trước hết là về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ không đáp ứng điều kiện về cở sở vật chất, hệ thống vận hành, máy móc chưa được trang bị phù hợp cho chuyển đổi số, không có các thiết bị, đầu dò, cảm biến thông minh để thu thập dữ liệu…

Về trình độ, nhận thức, hầu hết các vùng nuôi quy mô nhỏ sử dụng lực lượng lao động tại chỗ, trình độ kỹ thuật không cao, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ, việc vận hành các thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi được đào tạo bài bản và có tính chuyên môn cao, do đó, việc áp dụng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp nói chung và cho các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ là một thách thức lớn cho ngành, như bên cạnh sử dụng hiệu quả các dữ liệu thu thập được, hệ thống bảo mật cần được trang bị và kiểm tra hệ thống lỗ hỏng phần mềm một cách thường xuyên, liên tục.

Hệ thống phần mềm quản lý: Chi phí để đầu tư, vận hành, duy trì phần mềm hệ thống, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cũng là vấn đề đối với cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hơn nữa, để áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, việc có kết nối internet và hạ tầng mạng là rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một số khu vực nông thôn, vùng biên giới biển, các khu vực rừng phòng hộ, các đảo, việc tiếp cận internet và hạ tầng mạng vẫn còn hạn chế, làm cho việc triển khai chuyển đổi số trở nên khó khăn hơn nhiều.

 Việc áp dụng chuyển đổi số cho các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ là một thách thức lớn cho ngành

Việc áp dụng chuyển đổi số cho các vùng nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ là một thách thức lớn cho ngành

- Vậy, các giải pháp số hóa nào đang được áp dụng để tăng năng suất và quản lý dịch bệnh trong ngành tôm của Cà Mau, thưa ông? Với tôm là sản phẩm chủ lực, tỉnh đã sử dụng các hệ thống giám sát và quản lý nào để tăng năng suất và giảm thiểu dịch bệnh?

- Nhận thức được tầm quan trọng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong tình hình mới, bắt kịp xu hướng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Ngành nông nghiệp Cà Mau đề ra một số giải pháp số hóa để tăng năng suất và quản lý dịch bệnh trong ngành tôm tỉnh nhà cụ thể như sau:

Về phát triển hạ tầng số như tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy chủ của ngành từ bước hoàn thiện, đồng bộ với cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị của các vùng nuôi khi đủ điều kiện, từ đó giúp các vùng nuôi quản lý, bảo mật hệ thống một cách an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với phát triển Chính quyền số: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2024, năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động các phần mềm quản lý chuyên ngành, từ đó giúp nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, kịp thời có những chỉ đạo, định hướng chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn nắm sát tình hình sản xuất người dân, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp giúp ngành tôm phát triển hiệu quả.

Về phát triển kinh tế số, xã hội số: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hàng năm, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ cho vùng nuôi trong công tác quan trắc môi trường nước tự động, kiểm soát dịch bệnh trên tôm, từ đó đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời giúp người dân chủ động trong sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2025, ngành nông nghiệp đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn kinh phí, theo đó, dự kiến đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, đưa ra những dự báo, cảnh báo về tình hình giá cả thị trường, tình hình môi trường, thời tiết, dịch bệnh để chủ động thông báo cho người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Xin ông cho biết, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh Cà Mau đã có những chương trình đào tạo, hỗ trợ nào để nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho nông dân?

- Triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030..., ngày 6.9.2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu chung đối với người dân là phổ cập kỹ năng số giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện, riêng trong năm 2025 tỷ lệ 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng. Đến nay, đã tổ chức tập huấn kỹ năng cho tổ công nghệ số cộng đồng; đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; nâng cao kỹ năng số trong các giao dịch dịch vụ công, sử dụng kho dữ liệu điện tử cho công chức, viên chức bộ phận một cửa các cấp.

- Tỉnh Cà Mau có kế hoạch mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hoặc tổ chức quốc tế để đẩy mạnh số hóa nông nghiệp không, thưa ông?

- Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí cho năm 2025, sau khi có chủ trương, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoặc tổ chức quốc tế có đủ nguồn lực, trình độ, công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh để đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Tất nhiên, tùy vào nguồn lực, tài chính được phê duyệt và điều kiện phát triển của địa phương, giải pháp đưa ra từ các doanh nghiệp, khi phù hợp, đúng theo định hướng, chủ trương phát triển của ngành thì khả năng hợp tác cao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Châu thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ca-mau-chuyen-doi-so-giup-san-pham-nganh-nong-nghiep-tao-uy-tin-tren-thi-truong-post395895.html