Cà Mau có gần 50 doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' và '1 cung đường, 2 điểm đến'
Nhằm thực hiện có hiệu quả 'mục tiêu kép' trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đến thời điểm hiện nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã áp dụng phương án sản xuất '3 tại chỗ', '1 cung đường, 2 điểm đến' để duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện nay đã có gần 50 doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất trên với tổng số khoảng 10.300 lao động. Trong số đó, phần lớn là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Trước khi bố trí thực hiện, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc và tiêm vaccine cho công nhân.
Thực hiện phương án này, người lao động sẽ sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ hoặc bố trí ăn, ở và sản xuất tại 2 địa điểm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sẽ đưa đón công nhân trên 1 cung đường.
Để thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã quyết định thuê nhiều khách sạn lớn ở thành phố Cà Mau cho công nhân lưu trú. Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có tổng số trên 6.700 công nhân đang hoạt động.
Bên cạnh thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", công ty này thuê 7 khách sạn cho hơn 1.600 công nhân lưu trú để thực hiện phương án "1 cung đường, 2 điểm đến"…
Ngoài ra, để phương án của các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Ông Trần Hoàng Em, Tổng Thư ký Hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất được hiệu quả, hiệp hội đã làm đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, hướng dẫn các đơn vị lập phương án để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận động công nhân, người lao động phối hợp thực hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiến hành vận động, hỗ trợ để công nhân, người lao động thực hiện theo.
"Việc lựa chọn thực hiện phương án đảm bảo an toàn trong sản xuất cũng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng công ty, doanh nghiệp. Có doanh nghiệp chọn phương án “3 tại chỗ” hoặc chọn phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, cũng có doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả 2 phương án. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Nhìn chung, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã hoàn thành và đi vào thực hiện một cách nghiêm túc. Qua đó, góp phần duy trì ổn định sản xuất và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch”, ông Trần Hoàng Em, đánh giá.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, các đơn vị, công ty, xí nghiệp chưa được phê duyệt phương án “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” sẽ tạm ngưng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch. Khi nào phương án của doanh nghiệp được thẩm định đủ điều kiện thì sẽ hoạt động trở lại.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm là một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng, hàng năm đều đem về cho địa phương khoảng 1 tỷ USD. Do đó, để thực hiện được “mục tiêu kép” trong hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản, tránh nguy cơ bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất, việc thực hiện các giải pháp này là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Những nhà máy, xí nghiệp và kể cả người lao động khi quyết định tham gia đều ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện các phương án này. Từ đó, tuân thủ quy định đề ra, góp phần giúp doanh nghiệp, công nhân lao động an tâm, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp…