Cà Mau dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm
Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới, với kim ngach hàng năm 3,6-4,3 tỷ USD. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đóng góp khoảng 1-1,2 tỷ USD, chiếm 28% và luôn duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 3 năm gần đây…
Lần đầu tiên, tỉnh Cà Mau tổ chức Festival Tôm. Sự kiện diễn ra từ ngày 10 – 13/12/2023.
Trong khuôn khổ các chuỗi hoạt động của sự kiện Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, sáng 11/12/2023 đã diễn ra đồng thời hai hội nghị do UBND tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Đó là “Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023” và “Hội nghị Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”.
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM LỢI THẾ
Tại Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, cả nước đã có 10.811 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể OCOP. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, chỉ đạo triển khai, bằng chứng là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, là tỉnh có tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú, đa dạng, đã tạo nên nhiều đặc sản địa phương, góp phần thúc đẩy chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Qua 4 năm, từ khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Cà Mau có 145 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao.
Tuy nhiên, các chủ thể OCOP của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh, thành trên cả nước nói chung hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ nên năng lực tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế. Vì vậy, các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các chủ thể OCOP đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu khó tính trên thế giới; quy mô nhỏ, sản phẩm chưa hoàn thiện, năng lực của chủ thể còn hạn chế cả về nguồn lực, tổ chức sản xuất và thương mại...
Để tháo gỡ khó khăn, thời gian tới rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp phân phối và cả người tiêu dùng. Cần có sự xem xét, đánh giá, dự báo tình hình thị trường; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm về mọi mặt; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm; ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ trong phát triển chất lượng, quảng bá sản phẩm, cần xem đây là nguồn lực quan trọng, có vai trò quyết định trong hình thành và phát triển.
XUẤT KHẨU TÔM CỦA CÀ MAU LUÔN ĐẠT TRÊN 1 TỶ USD
Trước đó, tối 10/12/2023, tỉnh Cà Mau tổ chức khai mạc Festival tôm Cà Mau năm 2023 và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. Ban tổ chức cho biết Festival Tôm Cà Mau với nhiều hoạt động tập trung giới thiệu thành tựu, tiềm năng của ngành tôm cùng các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện cũng là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường.
"Riêng sản lượng tôm thu hoạch của Cà Mau hàng năm đạt trên 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỉ USD vào năm 2022, dự kiến năm 2023 sẽ vẫn trên 1 tỷ USD. Sản phẩm tôm Cà Mau có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc".
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư. Hằng năm, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 600.000 tấn.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cam kết sẽ tạo điều kiện tốt để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau. Từ đó góp phần đưa thương hiệu tôm Cà Mau và các sản vật của tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu long vươn xa.
Tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, doanh nghiệp để tổ chức Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng ghi nhận với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 2023 GRDP tỉnh Cà Mau tăng 7,83% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt hơn 53 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,6 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu tới khoảng 100 quốc gia. Riêng tỉnh Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm, chiếm 28% cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 3 năm gần đây.
Theo Phó Thủ tướng ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, Phó Thủ tướng cho rằng ngành Nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp. Trong đó, có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Không gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện Festival Tôm Cà Mau 2023 và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.
Không gian trưng bày sản phẩm OCOP Việt Nam có diện tích trên 400 m2 sàn trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu trên toàn quốc được đánh giá 3 sao trở lên, tôn vinh các sản phẩm tham gia và đạt giải Hội thi Sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 20 tỉnh thành và hơn ba mươi đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Hà Giang, Ninh Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Gia Lai, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, An Giang, Đắk Lắk, Long An, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh…
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ca-mau-dan-dau-ca-nuoc-ve-xuat-khau-tom.htm