Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốcBài 1: Cà Mau xưa - Ðôi nét phác họa
Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hòa vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.
Phía khác, Cà Mau vẫn giữ cho mình vẹn nguyên những niềm tự hào rất riêng về vùng đất của “rừng vàng, biển bạc” được thiên nhiên ưu ái ban tặng; là niềm tự hào về miền đất mới chỉ hơn 300 năm nhưng mang theo hào khí, truyền thống, bản sắc văn hóa của 4 ngàn năm đất nước; là cốt cách, phẩm chất của con người Cà Mau với lớp lớp thế hệ con người nối tiếp nhau đã mở mang, gìn giữ và vun đắp dựng xây nên hình hài và hồn cốt quê hương.
Tương lai đang vẫy gọi vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc với những vận hội lớn lao, một cuộc chuyển mình mạnh mẽ để bay thật cao, vươn thật xa trong hành trình phát triển.
Bài 1: Cà Mau xưa - Ðôi nét phác họa
Trong loạt ghi chép về đất và người Cà Mau này, chúng tôi tham khảo và sử dụng các thông tin, tư liệu từ quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” (xuất bản 1972) của tác giả Nghê Văn Lương và các nguồn thông tin chính thống, tin cậy khác từ các đầu sách, bài báo, tham luận khoa học và văn hóa dân gian.
Nói thêm về tác giả Nghê Văn Lương, ông còn một công trình sưu khảo giá trị khác cũng viết về Cà Mau với nhan đề “Cà Mau xưa”, biên soạn cùng tác giả Huỳnh Minh. Có thể khẳng định, đây là những đầu sách địa chí về Cà Mau sớm nhất, hệ thống nhất và tương đối đầy đủ các dữ kiện để định danh, định hình và giúp chúng ta có một nhận thức, phác họa tổng quan tương đối chính xác về con người, vùng đất Cà Mau thời kỳ hình thành đầu tiên.
Bức tranh thiên nhiên kỳ thú
Trong lời mở đầu quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” có đoạn viết: “Ta cần biết thêm Cà Mau là đầu mũi tên Nam tiến của dân Việt, là chồi non của một cội thọ vĩ đại đang vươn ra bể cả, là nơi cô đọng một sức mạnh tiềm tàng của bao thế hệ từng lướt khỏi dãy Trường Sơn” và “phải biết rõ từng mảnh đất thân yêu đã kết thành dãy giang sơn gấm vóc có hình thể độc đáo, một vị trí tiền đồn, một tài nguyên vô cùng phong phú và một dân tộc thông minh, bất khuất này, chúng ta mới thấy rộn lên và hãnh diện là con Hồng, cháu Lạc”.
Và tên gọi Cà Mau cũng lột tả được đặc điểm thiên nhiên thời mở đất ở Cà Mau. “Thật vậy, trong rừng U Minh nước ngập quanh năm, chảy ngang qua rừng cấm đầy lá mục như: dừa nước, tràm, gừa, ráng, lát, sậy, năn... nên màu vàng như nước trà đậm, nhiều khi đen, hôi và chua vì có phèn”, tác giả Nghê Văn Lương lý giải thêm trong phần tên gọi Cà Mau.
Bối cảnh thiên nhiên hoang sơ, nê địa ấy còn được mô tả qua ca dao rằng: “Cà Mau là xứ quê mùa/Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu” hoặc “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/Dưới sông sấu lội, trong rừng cọp um”...

Với thế đất 3 mặt giáp biển, rừng trầm thủy và hệ thống sông ngòi dày đặc, đã tạo nên vùng đất Cà Mau trù phú. (Trong ảnh: Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao). Ảnh: NHẬT MINH
Nhìn sâu thêm vào lịch sử, vùng đất Cà Mau xa xưa tồn tại với quá trình Nam tiến của các đời chúa Nguyễn, toàn bộ vùng đất được nước ta xác lập chủ quyền khi Mạc Cửu dâng phần đất này cho chúa Nguyễn vào năm 1714. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XIX, dưới thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn, hành chính cương thổ của nước ta mới thống nhất một dãy từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Lúc này, Cà Mau được biết đến với vùng đất thuộc huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên, với vị trí địa lý quan trọng và nguồn tài nguyên sản vật vô cùng dồi dào.
Tác giả Nghê Văn Lương tập trung mô tả về địa thế Cà Mau. Ðó là “cái bánh lái ghe” có “chót phía Tây, đất lồi ra thành Mũi Cà Mau, nhô ra vịnh Thái Lan, và phía Nam teo lên, dọc biển Nam Hải (biển Ðông - PV). Bản đồ của Cà Mau vô cùng ấn tượng khi cả 3 mặt giáp biển và nổi bật lên bởi những cửa sông, cửa biển lớn như: cửa sông Ông Ðốc, vàm sông Ðồng Cùng, vàm sông Bảy Háp, vàm sông Gành Hào, cửa Bồ Ðề...".
Nói về Mũi Cà Mau, tác giả Nghê Văn Lương đã có những kiến giải khá am tường về cơ chế bồi tụ phù sa, đất lấn biển, thêm rừng ở đây: “Phần chót bánh lái (Mũi Cà Mau) tuy nhô ra ngoài biển cả, nhưng không còn nhọn như chúng ta thường thấy trên bản đồ nhiều sách địa - dư, vì đất phù sa bồi lấp một ngày một ít”. Tác giả Nghê Văn Lương cũng mô tả về cơ chế bên bồi (phía Mũi Cà Mau) và bên lở (phía Gành Hào và cửa Bồ Ðề).
Nói về chiều dài bờ biển, tác giả Nghê Văn Lương dùng chữ “gành bãi”, và ước lượng “dài trên 320 c.s (cây số, tức km - PV)”, nếu so với con số ngày nay chúng ta thống nhất là 254 km thì không có sự chênh lệch quá lớn.
Rừng ở Cà Mau được quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” mô tả: “Từ ranh giới tỉnh đến vàm sông Ðồng Cùng là tràm, cây tạp, bần sẻ, mắm, giá. Từ đó (vàm Ðồng Cùng - PV) trở xuống Mũi Cà Mau toàn là vẹt, đước, chà là có lẫn lộn chút ít cây dừa nước”. Tràm và đước là 2 loại cây được nhắc tới mang tính đại diện cho vùng đất Cà Mau.
Ðúng với tính chất một quyển khảo cứu địa chí, tác giả Nghê Văn Lương khái lược về khí hậu, thổ nhưỡng và dành nhiều công sức cho hệ thống sông - rạch - kênh ở Cà Mau. Trong đó, 2 hệ thống sông chính ở Cà Mau gồm các sông chảy ra vịnh Thái Lan (biển Tây): sông Trèm Trẹm, sông Cái Tàu, sông Ông Ðốc, sông Ðồng Cùng, sông Bảy Háp, sông Cửa Lớn, sông Ðầm Dơi, sông Vàm Ðầm... và hệ thống sông chảy ra biển Ðông: rạch Ðường Kéo, sông Bồ Ðề, sông Gành Hào.
Khi Pháp xâm lược và tiến hành khai thác thuộc địa, Cà Mau bắt đầu có hệ thống kênh xáng, và ở Cà Mau cũng lưu rõ dấu tích này. Tác giả Nghê Văn Lương cũng rất chú ý đề cập tới như kênh xáng Cà Mau - Giá Rai - Bạc Liêu dài 64 cây số; kênh xáng Ðội Cường (nối Gành Hào và Bảy Háp) dài 9 cây số; kênh xáng Gành Hào - Hộ Phòng dài 18 cây số; kênh xáng Tắc Vân - Gành Hào dài 10 cây số...
Cây cối, muôn thú, chim muông... cũng được quyển “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” đề cập với nhiều thông tin bổ ích, lý thú, cho thấy một vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu ái ban tặng sự trù phú, kỳ thú hiếm nơi nào có được.
Buổi đầu của tiền nhân
Việc hình dung đầy đủ về cách ăn ở, sinh hoạt, đi lại, giao thương hay tập tục văn hóa, đời sống tín ngưỡng tinh thần của tiền nhân thời khẩn hoang, mở đất cách đây hàng trăm năm không phải là điều dễ dàng. Nỗ lực của chúng tôi, cũng như những tác giả đi trước khi viết về Cà Mau xưa là tái hiện lại được những nét cơ bản nhất về bối cảnh lịch sử - thiên nhiên, tâm thế và ứng xử của con người với thiên nhiên, với các mối quan hệ xã hội trong buổi đầu ấy.
Nhà Nam Bộ học Sơn Nam thì quả quyết rằng, muốn hiểu về Nam Bộ, trong đó có vùng đất Cà Mau thì không cách nào khác phải nói cho được thành tựu khẩn hoang, mở đất về phương Nam của tiền nhân. Ðó là một quá trình đầy gian lao, vất vả, công đức vô lượng của tiền nhân với “phát dọn, cày bừa, lập vườn, bảo vệ và tô điểm thiên nhiên”. Con người về vùng đất mới không đặt nặng tâm thế chinh phục, làm chủ thiên nhiên mà nương tựa, hài hòa với thiên nhiên bằng cách “tri hành”, ứng biến linh hoạt.
Một số liệu có thể mang tính ước lệ rằng, Cà Mau có khoảng 10.000 km sông ngòi, kênh rạch. Sông ngòi đã kiến trúc nên cách lập đất, lập làng của cư dân Cà Mau thời kỳ đầu với nếp nhà, nếp chợ quần tụ bên sông. Tất cả những điều ấy vẫn còn hiện hữu trong diện mạo Cà Mau hôm nay. Cứ nhìn vào những dòng sông chảy trong lòng phố ở Cà Mau để rõ thêm về điều ấy. Không chỉ vậy, biển rừng, những dòng sông cũng là cách ứng xử của con người với điều kiện tự nhiên, cũng hình thành nên tính ăn, nết ở, cách thức đi lại, cung cách lao động sản xuất của người dân.
Với thế đất 3 mặt giáp biển, rừng trầm thủy và hệ thống sông ngòi đã tạo nên một Cà Mau với thiên nhiên trù phú, kỳ thú nhưng cũng đầy nguy hiểm rình rập cho những thế hệ đầu tiên đến đây khẩn hoang, mở đất.
Nghề khởi thủy của cư dân Cà Mau gắn chặt với những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho Cà Mau, đó là “nhất phá sơn lâm” phía rừng và “nhì đâm hà bá” phía biển. Với xứ sở được mệnh danh là rừng vàng, biển bạc, Cà Mau trở thành một miền đất đầy hứa hẹn với những lưu dân đi tìm một cuộc sống mới. Sản vật từ biển, từ rừng với nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, lâm sản giá trị đều đã trở thành niềm tự hào của người dân ở Cà Mau ngay từ buổi đầu đặt chân đến đất này. Và điều ấy vẫn được trao truyền lại cho hậu thế hôm nay. Trong hành trình tương lai, Cà Mau vẫn tựa rừng, hướng biển để khơi mở tương lai phát triển.
Sách Ðại Nam nhất thống chí, triều Nguyễn đã có những mô tả sinh động về đất và người Cà Mau xưa, rằng: “Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá. Ở gần rừng thì bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng năng việc công. Kẻ bình dân thì an thường, thủ phận, không gian tham trộm cướp... Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo... Tang chế, lễ nghi theo Nho và cũng theo Phật”.
Sách “Cà Mau xưa và An Xuyên nay” nói về cuộc sống người dân Cà Mau như sau: “Trong mấy vùng ruộng nương, đồng bào chuyên nghề cày cấy và trồng trọt hoa quả quanh năm. Nơi miền rừng cấm và nước mặn, thì họ đốn củi, cưa cây, chằm lá, dệt chiếu, bắt cua, ba khía, đóng đáy, xây nò bắt tôm cá trong sông rạch, giăng câu ống, giăng lưới, đẩy xiệp, đi trễ, đánh cá gộc và cá mè đường ngoài khơi. Chẳng những họ sinh sống đầy đủ nhiều khi còn được mua đồ ngoại quốc với giá rẻ...". Tác giả Nghê Văn Lương đúc kết: “Tóm lại, dân cư trong tỉnh đều siêng năng theo dõi nghề nghiệp của mình với nếp sống mộc mạc và yên tĩnh, vui tươi và hạnh phúc”.
Con người, chủ thể vùng đất mới Cà Mau, sẽ là chủ đề vô cùng thú vị mà chúng tôi cùng với quý vị độc giả chia sẻ, thảo luận ở kỳ tiếp theo./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ca-mau-dia-dau-cuc-nam-thieng-lieng-cua-to-quoc-a38642.html