Cà Mau: Khai mạc hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL
Ngày 10.12, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (thuộc Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau khai mạc hội thi 'Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2023'.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival tôm và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 13.12 tại Cà Mau.
Đối tượng dự thi là các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng được UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ra quyết định công nhận đạt hạng 4 sao hoặc tiềm năng 5 sao chưa được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL của các năm trước. Mỗi tỉnh, thành sẽ lựa chọn và đăng ký từ 3 – 5 sản phẩm tham gia hội thi.
Về tiêu chí đánh giá, các sản phẩm dự thi được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm đạt 50/100 điểm. Tính đặc trưng, tiêu biểu của sản phẩm, yếu tố cộng đồng và câu chuyện sản phẩm đối với các địa phương vùng ĐBSCL được chấm đạt 25/100 điểm. Còn lại 25/100 điểm là chất lượng bao bì, mẫu mã sản phẩm như: tính sáng tạo, thân thiện môi trường, thông tin đáp ứng yêu cầu… sản phẩm được xem xét trao giải khi đạt tối thiểu 80/100 điểm.
Ông Phương Đình Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương – Trưởng ban Hội thi, cho biết: “Hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2023” có 54 sản phẩm OCOP được 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giới thiệu với ban tổ chức. Tất cả sản phẩm OCOP lần này điều là sản phẩm tiêu biểu được các tỉnh, thành phố lựa chọn rất kỹ”.
Ông Đình Anh cho biết, sau khi kiểm tra gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, các loại sản phẩm dự thi rất đa dạng, đó là dư địa để chúng ta phát triển các sản phẩm OCOP có nhiều tiềm năng. Các sản phẩm đều rất chất lượng nên Ban giám khảo phải cân nhắc, đánh giá kỹ để chọn ra 25 sản phẩm OCOP tiêu biểu năm nay.
“Một vấn đề rất được Ban giám khảo hội thi quan tâm trong quá trình chấm điểm, đánh giá là các mẫu mã bao bì sản phẩm phải đảm bảo được các yếu tố như: sạng trọng, thân thiện với môi trường, sáng tạo… Chính các yếu đó này sẽ góp phần nâng tầm, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng trong nước và thúc đẩy thị trường xuất khẩu”, ông Đình Anh nhận định.
Bà Võ Thị Phương Trang, đại diện cơ sở sản xuất rượu Truyền Út Tây (đơn vị tỉnh Hậu Giang) cho biết, cơ sở kinh danh của bà đã tham gia nhiều cuộc thi bình chọn sản phẩm OCOP. Cơ sở Truyền Út Tây hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao do tỉnh Hậu Giang đánh giá và 1 sản phẩm là rượu lão tửu – Đông Trùng hạ thảo tiêu biểu vùng ĐBSCL vào năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.
“Không khí festival tôm và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL được tỉnh Cà Mau tổ chức chỉn chu. Đến với hội thi lần này các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia dự thi, trưng bày rất chất lượng. Các sản phẩm được cải tiến về chất lượng cũng như bao bì sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm”, bà Trang cho hay.
Dự kiến, hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2023” sẽ được Ban tổ chức công bố kết quả vào ngày 13.12.