Cà Mau khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch
* Bình Thuận giải quyết ô nhiễm rác thải đại dương
* Bình Thuận giải quyết ô nhiễm rác thải đại dương
Tỉnh Cà Mau chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch; bảo vệ cảnh quan môi trường, thể hiện văn minh trong ứng xử, giao tiếp với khách du lịch. Các cấp, ngành và cộng đồng dân cư được xem là nhân tố quan trọng góp phần gìn giữ, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Tỉnh đề cao nét văn hóa địa phương và khuyến khích sự sáng tạo trong nhân dân để tạo ra những giá trị văn hóa mới, sản phẩm du lịch hấp dẫn từ đời sống, hoạt động sản xuất, trò chơi dân gian, tập quán sinh hoạt trên bến dưới thuyền, lễ hội vùng sông nước, các sinh hoạt trải nghiệm... Tỉnh tập trung gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như: Chuyện kể bác Ba Phi, lễ hội Nghinh Ông, nghệ thuật Đờn ca tài tử, nghề truyền thống Gác kèo ong, nghề truyền thống Muối ba khía, lễ hội Đền thờ Vua Hùng, lễ vía Bà Thủy Long, các làng nghề truyền thống của cư dân vùng biển Cà Mau. Các di sản văn hóa vật thể như di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển và hệ thống Đền thờ Bác Hồ được chăm lo tu bổ, hướng tới sản phẩm du lịch lịch sử.
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có 13 điểm du lịch cộng đồng, 12 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Tỉnh có hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi nhận, gồm các loại hình ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, thu hút nhiều khách du lịch.
* Nhằm nâng cao nhận thức, cách thức ứng xử, thói quen phân loại rác tại nguồn cho cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng, từng bước chung tay góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải đại dương và rác thải nhựa, tỉnh Bình Thuận đã triển khai Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương”. Dự án được tiến hành từ năm 2020 đến năm 2022, tại các địa bàn là TP Phan Thiết, huyện Tuy Phong và huyện Phú Quý, tập trung ở các địa điểm phát sinh nhiều rác thải nhựa như: Cảng cá Phan Thiết, tuyến đường du lịch Nguyễn Đình Chiểu (TP Phan Thiết), Cảng cá Liên Hương, tuyến tàu du lịch từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra Hòn Cau (huyện Tuy Phong), các xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải (huyện Phú Quý)... Ngoài ra, Bình Thuận chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý tổng hợp đối với chất thải rắn như: Mô hình tàu cá và tàu du lịch không xả rác thải đại dương; mô hình khu dân cư tham gia thu gom rác thải và giảm rác thải nhựa. Tỉnh tích cực tuyên truyền về phân loại, thu gom, tái chế rác, tái chế chất thải đúng cách; vận động người dân hạn chế sử dụng chất nhựa, túi ni-lông và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường…