Mỹ thuật ứng dụng trong xu thế hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mỹ thuật ứng dụng ngày càng đáng chú ý. Sự kết nối không biên giới giữa các quốc gia mang đến những cơ hội mới cho sự sáng tạo và trao đổi văn hóa, làm phong phú thêm các xu hướng mỹ thuật.

Xu thế không thể đảo ngược

Toàn cầu hóa đã tạo nên sân chơi rộng lớn cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và chuyên gia mỹ thuật. Những ý tưởng và phong cách từ khắp nơi trên thế giới được hòa quyện, tạo nên những tác phẩm độc đáo và phong phú. Các nghệ sĩ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn cảm hứng và kiến thức từ các nền văn hóa khác nhau, đồng thời tác phẩm của họ cũng có cơ hội được giới thiệu và công nhận trên trường quốc tế.

 Hội thảo khoa học quốc tế “Mỹ thuật ứng dụng trong xu thế hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức sáng 2.11

Hội thảo khoa học quốc tế “Mỹ thuật ứng dụng trong xu thế hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức sáng 2.11

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Mỹ thuật ứng dụng trong xu thế hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức sáng 2.11, các đại biểu nhận định đây là xu thế không thể đảo ngược của ngành mỹ thuật nói chung, mỹ thuật ứng dụng nói riêng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, TS. Phạm Hùng Cường chỉ ra xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và giáo dục, mang đến cho cơ hội cũng như thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, đào tạo mỹ thuật ứng dụng đang trải qua những biến đổi quan trọng, với sự đổi mới và sáng tạo trong chương trình và phương pháp giảng dạy. Sự kết nối và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong và ngoài nước đã thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo cơ hội học hỏi kiến thức và kỹ năng mới, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững cho mỹ thuật ứng dụng.

Ngành mỹ thuật ứng dụng giữ vai trò quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại, bao gồm thiết kế đồ họa, nội thất, thời trang và các lĩnh vực thiết kế khác. Với đặc trưng là kết hợp giữa hai yếu tố công năng và thẩm mỹ, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hiện nay đòi hỏi phải cùng lúc đáp ứng nhiều tiêu chí liên quan đến chất lượng, hình thức, giá thành và mối quan tâm về môi trường, xã hội…

 Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, giảng viên và học viên tại các cơ sở giáo dục, trung tâm nghệ thuật trong và ngoài nước

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, giảng viên và học viên tại các cơ sở giáo dục, trung tâm nghệ thuật trong và ngoài nước

“Khác với mỹ thuật giá vẽ tập trung vào sự thể hiện cá nhân và biểu cảm của ngôn ngữ nghệ thuật, mỹ thuật ứng dụng hướng đến giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống thông qua hoạt động thiết kế và sáng tạo. Thời đại mới cũng mang tới nhiều cơ hội hợp tác quy mô lớn cho các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng như tham gia các dự án thiết kế khu vực và thế giới. Điều này đặt ra một số lưu ý cho các nhà thiết kế cần tìm kiếm cách thức để tạo ra tác phẩm hợp thời đại mà vẫn mang bản sắc dân tộc”, TS. Phạm Hùng Cường nói.

Kế thừa và phát triển

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập, mỹ thuật ứng dụng không chỉ dừng lại ở kế thừa các giá trị truyền thống mà còn là kết hợp với các yếu tố hiện đại. Điều này giúp tạo ra những tác phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng thế hệ mới. Tuy nhiên, để làm tốt điều này không đơn giản.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, đời sống mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam phong phú, đa dạng, đứng trước nhu cầu phục vụ tốt cho quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đào tạo chạy theo số lượng, chưa gắn kết kịp thời với xu hướng phát triển của xã hội và những biến chuyển của khoa học, công nghệ…

 Đời sống mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam phong phú, đa dạng, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của đất nước. Nguồn: TLMT

Đời sống mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam phong phú, đa dạng, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của đất nước. Nguồn: TLMT

“Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, cần đổi mới tư duy giáo dục, cụ thể là đào tạo mỹ thuật ứng dụng gắn với nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, khu vực và thế giới; đề cao tính mở, chủ động, đi trước, đón đầu, tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới trong xu thế toàn cầu hóa và đề cao tính dân tộc trong quá trình sáng tạo nghệ thuật…”, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập, sáng tạo không giới hạn, sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại sẽ tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo và đa dạng. Tương lai, mỹ thuật ứng dụng sẽ không chỉ là sự kết nối giữa các nền văn hóa mà còn là sự kết hợp giữa con người và công nghệ, mang đến trải nghiệm thẩm mỹ mới lạ và thú vị…

Theo GS.TS. Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện nay, mỹ thuật ứng dụng là ngành có tiềm năng lớn, thu hút nhân lực trẻ với ngày càng nhiều loại hình, vị trí việc làm, hình thành đội ngũ “nghệ sĩ số” hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật và văn hóa. Bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy tối đa năng lực sáng tạo này là cách góp phần quan trọng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/my-thuat-ung-dung-trong-xu-the-hoi-nhap-quoc-te-post395181.html