Cà Mau: Khẩn trương ứng phó tình trạng sạt lở ven sông
Vào mùa mưa hằng năm, tình trạng sạt lở đất ven sông lại trở nên 'nóng' tại nhiều địa phương vùng sông nước Cà Mau, gây bất an cho người dân, đe dọa đời sống, sản xuất và làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng. Từ năm 2020 đến nay, các địa phương thuộc huyện Năm Căn cũ ghi nhận 157 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển, làm thiệt hại 126 căn nhà (52 căn bị cuốn trôi hoàn toàn), hơn 5,1km đường giao thông và nhiều công trình hạ tầng khác.
Diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường
Tỉnh Cà Mau là địa phương có mạng lưới sông ngòi chằng chịt nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, khiến tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong 10 năm qua, đã có hơn 28km đường giao thông và hàng trăm căn nhà bị hư hỏng, sụp đổ do sạt lở, tổng thiệt hại hơn 1.120 tỷ đồng.
Theo một số cán bộ Chi cục Thủy lợi Cà Mau (cũ), việc xây nhà sát bờ sông vốn là tập quán lâu đời, hình thành từ thời chưa có đường bộ phát triển. Tuy nhiên, do địa chất yếu, dòng chảy mạnh, cộng với việc người dân xây dựng, cơi nới nhà cửa nhiều khiến tình trạng sạt lở ngày càng nặng nề. Việc xử lý sạt lở ven sông đòi hỏi kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách địa phương, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống dân sinh, hạ tầng giao thông, rừng phòng hộ và cả các di tích lịch sử - văn hóa. Tại địa bàn Cà Mau, nhiều vị trí ven sông, ven biển đang bị bào mòn dữ dội. Đơn cử như khóm Sa Phô (xã Đất Mới), khoảng 700m ven sông Cửa Lớn đang có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang) đã bị sạt lở 200m, làm hư hỏng đường giao thông và đe dọa khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân, tổng chiều dài khu vực nguy hiểm lên đến 750m.

Ngành chức năng hỗ trợ người dân khắc phục sự cố sạt lở đất
Đặc biệt, đoạn từ cửa biển ấp Hạp đến cửa biển Giá Cao (xã Tân Thuận) đang có hiện tượng xói lở lan sâu vào rừng phòng hộ từ 30m - 40m, kéo dài trên phạm vi 5km. Ngay cả những khu vực văn hóa tâm linh như sân miếu Bà Thủy Long cũng bị sạt lở ăn sâu 60m, tiềm ẩn rủi ro lớn.
Ở địa bàn Bạc Liêu (cũ - nay thuộc tỉnh Cà Mau), nguy cơ sạt lở hiện hữu ở nhiều vị trí trọng yếu. Đoạn bờ kênh phía Tây hạ lưu cống Nhà Mát (P.Nhà Mát) và phía Đông cống Cây Gừa (xã Phong Thạnh) đều có dấu hiệu mất ổn định nghiêm trọng. Đáng chú ý, đoạn sông Gành Hào giáp kênh Xáng Tắc Vân (xã Định Thành), nơi có 650m bờ sông đang bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến 68 hộ dân. Tuyến lộ Vịnh Gió Ngược (xã Định Thành) đã sụt lún 30m, để lại vết hằn về sự xuống cấp của nền địa chất khu vực.
Không chỉ đối mặt với hiện trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau còn phải giải quyết khối lượng lớn các dự án kè chống sạt lở còn dang dở hoặc chưa được đầu tư. Tại khu vực Bạc Liêu (cũ), hàng loạt công trình như kè G6 (xã Long Điền Tây), kè sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy), kè hai bên bờ kênh 30/4 (từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen) hay dự án chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông và Nhà Mát đều đang trong tình trạng xếp hàng chờ vốn.
Rạng sáng 13/7, tại Khóm 3, phường Giá Rai, tỉnh Cà Mau xảy ra vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản của 5 hộ dân trôi sông. Ghi nhận tại hiện trường, cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở, đồng thời hỗ trợ người dân di dời tài sản ở những căn nhà có nguy cơ sạt lở đến địa điểm an toàn. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn tiếp tục xuất hiện các vết nứt đe dọa những căn nhà kế bên.

Nhà sụp xuống sông
Theo một số hộ dân sinh sống ở khu vực này, thời điểm diễn ra sạt lở vào lúc 1 giờ 30 sáng cùng ngày. Trước đó, khu vực này đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ông Nguyễn Văn Đồng (SN 1965) là 1 trong 5 hộ dân có nhà bị sạt lở cho biết: "Khi mọi người đang ngủ bỗng nghe tiếng rắc rắc lớn từ các căn nhà ở cạnh mé sông. Chỉ ít phút sau, những căn nhà này bị sụp hoàn toàn xuống sông khiến mọi người rất hoang mang. Vụ sạt lở làm căn nhà 80m2 phía sau trôi tuột xuống sông, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng".
Thống kê ban đầu, khu vực sạt lở có chiều dài khoảng hơn 30m, ăn sâu vào đất liền 10m. Hiện sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng, nhiều vết nứt tiếp tục xuất hiện và mở rộng. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, ông Trần Tam Trung, Chủ tịch UBND phường Giá Rai đã có mặt chỉ đạo các lực lượng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn...
Lùi nhà, né sạt lở
Trước đó, để hạn chế sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại, tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông trên địa bàn thị xã Giá Rai (đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm, Phường 1). Ngoài khu vực sạt lở đoạn từ cầu Giá Rai đến cầu Trần Văn Sớm, trên địa bàn còn xảy ra các đoạn sạt lở khác, như: Đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến cầu Sư Son; đoạn hạ lưu bờ Đông và bờ Tây cống Hộ Phòng (chiều dài 2.400 mét; 333 hộ dân; khu vực này có trường học và nhiều công trình hạ tầng); đoạn hạ lưu bờ Đông và bờ Tây cống Sư Son chiều dài 720 mét...
Trước đó, ngày 28/6, lãnh đạo UBND xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi cũ, tỉnh Cà Mau) thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất làm nhiều nhà dân bị hư hỏng và sụp một đoạn lộ giao thông nông thôn. Khoảng 22 giờ ngày 27/6, trên địa bàn ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân xảy ra sạt lở đất đã làm sụp đoạn lộ giao thông nông thôn dài khoảng 30m, ngang 3,5m, ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, vụ sạt lở đất còn làm 8 căn nhà của người dân bị sụp và rơi xuống sông hoàn toàn; đồng thời ảnh hưởng mặt trước nhà của 3 hộ. Ước tổng thiệt hại vụ sạt lở đất trên 2,1 tỷ đồng. Dự báo của ngành chức năng, thời gian tới khu vực này tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần bờ sông.
Cùng ngày, tại xã Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi) cũng xảy ra sạt lở đất đã làm căn nhà của bà Nguyễn Thị Bích (SN 1973) bị hư hỏng hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Bà Bích là đối tượng khuyết tật, đang hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngành chức năng địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để hỗ trợ người dân di dời tài sản, khắc phục sự cố. Lãnh đạo địa phương cũng đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người dân sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Hiện trường sạt lở khiến miếu Bà Thủy Long trôi xuống sông
Sáng 16/6, người dân đến thắp hương tại di tích Miếu Bà Thủy Long (ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi - cũ) thì phát hiện phần lớn bờ kè bằng bê-tông phía giáp sông bị sạt lở nghiêm trọng. Qua khảo sát hiện trường, ngành chức năng ghi nhận đoạn bờ kè dài 55m, ngang 15m đã bị cuốn trôi; gạch sân giáp bờ kè và Miếu Ông Hổ trong khuôn viên cũng bị sụp xuống sông; ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 750 triệu đồng.
Đáng nói, đây là di tích văn hóa cấp tỉnh, vừa được đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để trùng tu và đưa vào sử dụng chỉ khoảng 3 tháng qua. Theo người dân, đây là vụ sạt lở đất thứ 26 trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay, gây thiệt hại hoàn toàn 3 nhà dân, hơn 540m đường giao thông bị cuốn xuống sông. "Địa phương rất mong cấp trên có giải pháp căn cơ để ứng phó, vì công trình di tích lớn như Miếu Bà Thủy Long rất khó di dời", một cán bộ địa phương cho biết.
Sạt lở tại Cà Mau thường xảy ra cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, nhất là ở những nơi dòng chảy xiết, giao nhau của nhiều nhánh sông. Hệ lụy không chỉ là mất mát tài sản mà còn là nỗi ám ảnh thường trực. Từ đó đến nay, gia đình bà Định đã bốn lần lùi nhà vào sâu trong đất liền để né sạt lở, trong đó có hai lần bà chứng kiến cả căn nhà cùng tài sản bị dòng sông "nuốt chửng". Con lộ bê-tông trước nhà cũng đã bị mất, nay chỉ còn cây cầu tạm bằng gỗ làm lối đi chung.
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, toàn tỉnh có hơn 425km chiều dài sông, rạch có nguy cơ sạt lở đất, trong đó có 120km ở mức đặc biệt nguy hiểm, chủ yếu tại các địa phương thuộc huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển (cũ)... Các điểm sạt lở đều được cắm biển cảnh báo, vận động người dân di dời. Tuy nhiên, không ít hộ vẫn cố bám trụ do lo ngại sinh kế và nơi ở mới.
Trong 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư hơn 391 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm cấp bách với tổng chiều dài hơn 9km. Tuy nhiên, tính bình quân hằng năm, nguồn vốn này vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế.