Cà Mau: Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý
Chiều 30/1, Sở Tư pháp Cà Mau tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá lại hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác trợ giúp pháp lý năm 2024.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Văn phòng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau,…
Góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2023, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý... công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác có trọng tâm, trọng điểm, chặt chẽ, sâu sát và có kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Qua đó, kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo và văn bản liên quan đến công tác TGPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Cụ thể, trong năm 2023 số vụ việc TGPL so với năm 2022 tăng 389 vụ và vụ việc TGPL tham gia tố tụng hoàn thành tăng 164 vụ việc. Đồng thời, chủ động phối hợp triển khai các hoạt động TGPL đáp ứng 100% yêu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của người được TGPL trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ; Công tác truyền thông pháp luật về TGPL được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư thực hiện TGPL có ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tranh tụng. Qua đó, chất lượng tham gia tố tụng được đánh giá đạt chất lượng tốt, khá đạt 98,31%, không còn vụ việc bị đánh giá không đạt chất lượng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn số ít Trợ giúp viên pháp lý chưa chủ động trong công tác phối hợp trên địa bàn được phân công phụ trách; kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa hạn chế; các đối tượng được TGPL khi được mời ít tham gia công tác truyền thông TGPL và chưa thực hiện tốt quyền được TGPL,..
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá ưu điểm và hạn chế trong cơ chế phối hợp phiên tòa trực tuyến về trợ giúp pháp lý; Công tác phối hợp thực hiện Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và UBND các huyện về công tác tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; Đánh giá hiệu quả cơ chế phối hợp trong thực hiện công tác điều tra khi có trợ giúp pháp lý tham gia,...
Đề ra nhiều giải pháp công tác TGPL
Để đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trợ giúp pháp lý năm 2024, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình công tác trợ giúp pháp lý đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp trên; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chỉ đạo kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, Ban Giám đốc Trung tâm tranh thủ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các phòng Tư pháp các huyện, thành phố; các ngành hữu quan; các Cơ quan tiến hành tố tụng; UBND cấp xã để tăng cường khai thác nhu cầu TGPL và hoạt động TGPL trên địa bàn một cách có hiệu quả; Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa với cấp ủy chi bộ và thủ trưởng đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ TGPL cho các Trợ giúp viên pháp lý, phát huy tính năng động sáng tạo, ý thức trách nhiệm của viên chức gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm Quy tắc nghề nghiệp TGPL và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và Luật sư tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác TGPL. Cùng với đó, tham mưu xây dựng Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Chủ động phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh về quy trình thủ tục hành chính, quy trình tiến hành tố tụng để tư vấn, hướng dẫn cho người được TGPL.
Thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện nội dung TGPL của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với thực hiện các nhiệm vụ được giao, tạo không khí thi đua sôi nổi, động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2024; Kịp thời xem xét, đề nghị khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác TGPL.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề nghị viên chức, người lao động Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cần xây dựng sự đoàn kết nội bộ; có giải pháp phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác phối hợp với cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức phụ trách địa bàn cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tiếp cận vụ việc; viên chức phụ trách địa bàn phải gắn nhiệm vụ chính trị của địa phương với công việc của mình hàng ngày, tạo được hình ảnh của người trợ giúp viên pháp lý ở cơ sở…
Nhân dịp này, 08 cá nhân và 01 tập thể được Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác trợ giúp pháp lý và 22 cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm 2023.