Cà Mau: Nghịch cảnh người dân gần hồ lớn vẫn thiếu nước sạch

Hồ nước ngọt rộng 102ha ở huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) được đưa vào sử dụng gần 1 năm nhưng chưa có trạm cấp nước, khiến người dân sống ngay cạnh hồ không có nước sạch sinh hoạt.

Dân "khát" nước sạch

Dù hồ nước ngọt đã hoàn thành gần năm nay, những hộ dân sống ngay cạnh vẫn phải sống trong cảnh "chạy" nước sạch từng ngày. Cách họ tìm kiếm, trữ nước sạch khá truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Dũng lấy nước nhiễm phèn dưới ao sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Dũng lấy nước nhiễm phèn dưới ao sử dụng.

Mấy tháng nay, cứ nghe dự báo thời tiết có mưa bất thường, ông Thạch Văn Thiệt (60 tuổi, ngụ ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) lại dặn mấy con chuẩn bị lu, khạp chứa nước. 20 hộ dân với 100 nhân khẩu trong xóm nhỏ, nơi ông Thiệt sinh sống, cũng xôn xao khi mưa... sắp về. Vườn tược khô héo vì thiếu nước, đất đai cằn cỗi như sa mạc, người dân mòn mỏi chờ mưa.

Chờ đợi không được, người dân góp tiền khoan nước giếng ngầm. Nhà góp nhiều, hộ góp ít (có gia đình góp 50.000 đồng) đồng lòng, quyết tâm khoan giếng. Theo tính toán của người dân, việc khoan giếng sẽ tiết kiệm tiền hơn mua nước ngọt với giá 40.000 - 50.000 đồng/khối.

Những tưởng việc khoan giếng thuận lợi, nhưng sau giây phút hồi hộp dõi theo mũi khoan là nỗi thất vọng tràn trề của người dân xóm nghèo.

"Giếng khoan hàng trăm mét chỉ có nước mặn nhiễm phèn pha lẫn cát. Đơn vị khoan giếng lắc đầu, người dân buồn bã quay về nhà", ông Lê Phú Yên kể lại.

Bà Lý Thị Xuyên bơm nước dưới ao vào lu để gia đình sử dụng hàng ngày.

Bà Lý Thị Xuyên bơm nước dưới ao vào lu để gia đình sử dụng hàng ngày.

Không riêng xóm nhỏ ở huyện Trần Văn Thời, người dân sống cạnh hồ nước lớn tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cũng khốn khổ vì thiếu nước sạch. Nam bộ vào cao điểm mùa khô, người dân càng khổ hơn vì thiếu nước sinh hoạt.

Ba tháng nay, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) ra phía sau nhà lấy nước ao tắm giặt. Gọi là ao nhưng nước vàng nhiễm phèn. Trong khi đó, gia đình bà Lý Thị Xuyên, ngoài tắm rửa, còn bơm luôn nước ao vào lu, đợi nước lắng phèn, lấy để sinh hoạt.

Chính quyền xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời lý giải, nguyên nhân tình trạng "khát" nước sạch của người dân địa phương là xã chưa có tiền lắp đường ống từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Cà Mau.

"Trung tâm cách khu dân cư khoảng 1 km, nhưng kinh phí lắp đường ống vài trăm triệu đồng, vượt khả năng của xã", ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch xã Khánh Bình Tây nói.

Theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, huyện có hơn 500 hộ dân chưa được dùng nước sạch.

"Hồ nước ngọt trên địa bàn huyện vận hành gần một năm nhưng chưa cung cấp nước cho người dân, việc này ngoài trách nhiệm của huyện. Chúng tôi cũng mong người dân khó tiếp cận nguồn nước ngọt sớm nhận được nước từ hồ này", ông Nguyên nói.

Hồ làm xong phải chờ quy hoạch… nhà máy nước

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ chứa nước ngọt vận hành từ tháng 6/2024. Hồ rộng 102ha, kinh phí 248 tỷ đồng (tại khu B3, B4 tái định cư - định canh xã Khánh An, huyện U Minh) tiếp giáp huyện Trần Văn Thời, Thới Bình.

Hồ nước ngọt được vận hành gần 1 năm nhưng chưa cung cấp nước cho người dân vì không có nhà máy nước.

Hồ nước ngọt được vận hành gần 1 năm nhưng chưa cung cấp nước cho người dân vì không có nhà máy nước.

Hồ chứa nước ngọt là hạng mục công trình thuộc Tiểu dự án 8 "Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau" của Dự án chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án ICRSL).

Công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới do Sở Nông nghiệp - Môi trường làm chủ đầu tư.

Theo thông tin từ dự án, hồ hoàn thành cung cấp 3,85 triệu m3 nước sinh hoạt cho khoảng 113.000 người dân ở huyện U Minh; trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân.

Hồ còn dẫn nước ngọt từ sông Hậu về phục vụ người dân huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An.

Theo lý giải của Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, dự án hồ nước ngọt hoàn thành nhưng không có nhà máy xử lý nước nên không thể cung cấp cho người dân.

Khi hồ được bàn giao, nhiều nhà đầu tư có văn bản đề nghị khai thác về du lịch, cung cấp xử lý nước sạch… Tuy nhiên, việc này bị vướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Tỉnh đang lập lại quy hoạch mới để kêu gọi đầu tư.

Video Hồ nước ngọt vốn đầu tư 248 tỷ đồng tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau thực hiện Tiểu dự án 8 với tên gọi Dự án "Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ vùng nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau.

Dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau được phê duyệt có tổng mức đầu tư hơn 790 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới khoảng 657 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh... Hồ nước ngọt là dự án trong Tiểu dự án 8.

Đào Văn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ca-mau-nghich-canh-nguoi-dan-gan-ho-lon-van-thieu-nuoc-sach-192250505133942816.htm