Cà Mau phát huy hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Cà Mau tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để vươn lên. Trong đó, có nhiều đồng bào dân tộc Khmer.

Gia đình anh Danh Kim, đồng bào dân tộc Khmer (ở ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau) có rất ít đất sản xuất. Gia đình phải thuê thêm đất phía sau nhà để trồng dưa hấu nhưng nhiều năm qua chưa thoát được nghèo. Vào đầu năm 2023, gia đình được hỗ trợ vay 20 triệu đồng và hỗ trợ kỹ thuật phát triển trồng dưa hấu Vietgap. Sau 1 năm trồng, gia đình có nguồn thu khoảng 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn đó, gia đình anh phát triển thêm mô hình nuôi dê. Với bản tính cần cù, chịu khó nên cả 2 mô hình anh Danh Kim thực hiện đều thành công và gia đình đã thoát được nghèo.

Anh Danh Kim chia sẻ: "Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ 20 triệu để làm ăn, trồng dưa, chăn nuôi cũng thoát nghèo, giờ cũng phát triển lên rồi. Nhà có 1 công đất, còn mướn khoảng 6 công để trồng dưa. Một năm trồng được 2 - 3 vụ".

Gia đình anh Danh Kim được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để trồng dưa hấu VietGap

Gia đình anh Danh Kim được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để trồng dưa hấu VietGap

Số tiền gia đình anh Danh Kim được cho vay đến từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2023, trên địa bàn xã Lý Văn Lâm được phân bổ hơn 400 triệu đồng, hỗ trợ 12 hộ nghèo, cận nghèo để triển khai mô hình trồng rau màu, chăn nuôi.

Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết, từ nguồn vốn giảm nghèo đã giúp địa phương hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Trong năm nay, hướng tới xóa hết hộ nghèo. Riêng mô hình nuôi gà thương phẩm, do người dân thiếu nguồn đối ứng để mua thức ăn nên hiệu quả chưa cao, mặc dù vẫn đảm bảo thu hồi vốn vay nhưng tỷ lệ sinh lời cho bà con thấp. Còn các mô hình khác đều đạt hiệu quả.

"Đến thời điểm này, các mô hình khá đạt hiệu quả. Về trồng rau màu, dưa hấu thì bà con quay vòng được, các hộ nghèo từ đó có điều kiện phát triển lên. Đối với những hộ nuôi heo thì cũng đảm bảo, hiệu quả rất là tốt" - bà Cẩm cho biết.

Anh Danh Kim dùng lãi từ trồng dưa đầu tư thêm mô hình nuôi dê và gia đình hiện đã thoát nghèo

Anh Danh Kim dùng lãi từ trồng dưa đầu tư thêm mô hình nuôi dê và gia đình hiện đã thoát nghèo

Trong công tác triển khai nguồn vốn giảm nghèo bền vững, cơ quan chức năng TP. Cà Mau thời gian qua đã quan tâm, tạo điều kiện để các hộ đồng bào dân tộc Khmer vay vốn.

Ông Vương Văn Sáng, Trưởng Phòng dân tộc TP.Cà Mau cho biết, từ việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, với chủ trương là "bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển". Thời gian qua, đơn vị đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để tạo điều kiện giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên. Trong đó, nguồn vốn giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn giàm nghèo để làm kinh tế

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn giàm nghèo để làm kinh tế

Ông Sáng chia sẻ: "Trong thời gian qua, đối với đời sống đồng bào dân tộc luôn được quan tâm, từng hộ luôn có sự phát triển rõ rệt. Các hộ gia đình đã cố gắng làm như thế nào vươn lên thoát nghèo, bà con đã cố gắng làm ăn để làm giàu chính đáng cho mình, góp phần cho TP ngày càng giàu đẹp".

TP. Cà Mau đặt mục thiểu đến năm 2029 phấn đấu không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc. Thực hiện lồng ghép các chương trình dự án, chính sách, nhất là việc tập trung tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho con em trong đồng bào dân tộc; hướng tới thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ca-mau-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-giam-ngheo-post1111049.vov