Cà Mau quyết liệt chống khai thác IUU
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển của tỉnh; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của Cà Mau khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; góp phần tháo gỡ cảnh báo 'Thẻ vàng' của EC, thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm… góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế.
Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, hiện trên địa bàn huyện Trần Văn Thời chưa thực hiện đạt yêu cầu đối với hồ sơ số hóa của những tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên; vẫn còn tình trạng tàu cá ra biển hoạt động khi hết hạn giấy phép khai thác. Xuất hiện tình trạng mua bán tàu cá nhưng không thực hiện các thủ tục sang tên, đổi chủ. Việc thống kê, khai báo sản lượng thủy sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công tác thực thi pháp luật còn thấp so với số vụ vi phạm, nhất là xử phạt liên quan đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (kể cả phát hiện vượt ranh giới trên biển), tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi từ 10 ngày trở lên do đây là nội dung Ủy ban châu Âu quan tâm nhất để khắc phục tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Cà Mau chỉ có 2 cảng cá được công bố, trong khi có rất nhiều cửa biển. Việc quy định phải lên hàng hóa sau khai thác tại cảng cá chỉ định gặp rất nhiều khó khăn, tăng thêm chi phí”, ông Triều cho biết.
Thực hiện chống khai thác IUU, đến nay Cà Mau cập nhật dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá đảm bảo trùng khớp 100% với số liệu tàu cá thực tế được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác.
Phần mềm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tính năng thống kê tàu cá, hiển thị đầy đủ các thông tin tàu cá xuất, nhập bến và hoạt động trên biển; số liệu người, phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn được thống kê, truy xuất nhanh chóng, chính xác.
Tại cuộc họp, các đại biểu nêu lên những khó khăn, những sự việc mới xuất hiện trong quá trình thực hiện chống khai thác IUU; nêu những giải pháp, kiến nghị cần có hướng dẫn thực hiện sát tình hình thực tế. Nói về sang bán tàu, ông Phạm Quốc Sử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, đây là hoạt động có điều kiện. Hiện, hoạt động này là khá phổ biến, nên Sở chỉ đạo Phòng Tư pháp các địa phương, các phòng công chứng tạm dừng thực hiện các thủ tục mua bán...
“Dù đây là hoạt động giao dịch bình thường nhưng phải có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền bởi trái quy định pháp luật, thực tiễn, nên phải dừng”, ông Phạm Quốc Sử khẳng định. Chỉ rõ nhiều khó khăn trong quá trình chống khai thác IUU trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung vào việc đăng kiểm, đăng ký tàu cá nhằm tăng cường sự giám sát, quản lý chặt hoạt động tàu cá. Tăng cường xử phạt nghiêm minh nhằm tạo tính răn đe đối với trường hợp tàu mất kết nối ngoài khơi, vi phạm vùng biển nước ngoài; tiếp tục nâng cấp phần mềm, tăng tính hiệu quả trong kiểm soát hoạt động tàu cá.
Trước đó, ngày 26/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đến kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại tỉnh Cà Mau. Báo cáo với Phó Thủ tướng trong chuyến khảo sát, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có 4.148 tàu cá, trong đó có 1.515 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định, đạt tỉ lệ 100%.
Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm khoảng 230.000 tấn; có 5 cảng cá do Nhà nước đầu tư, quản lý và đang hoạt động, trong đó có 2 cảng cá loại II (Sông Đốc và Rạch Gốc) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố thuộc danh sách cảng cá chỉ định phục vụ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản và tàu từ 15 m trở lên cập, rời cảng theo quy định.
Tỉ lệ cập nhật dữ liệu tàu cá vào phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá đạt 100%; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng và Văn phòng IUU đặt tại 2 cảng cá chỉ định (Sông Đốc và Rạch Gốc); theo dõi, giám sát 24/7 tại Hệ thống giám sát tàu cá. Tình hình tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2022, tỉnh có 7 tàu/50 thuyền viên khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử phạt 262 vụ vi phạm về khai thác thủy sản, với số tiền hơn 9 tỷ đồng (vi phạm về khai thác IUU 147 vụ/7,306 tỷ đồng). Ngoài ra, tỉnh đang điều tra, xử lý một số trường hợp tàu cá che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình…
Tỉnh cũng tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh thông qua 2 phần mềm là quản lý liên thông kiểm soát tàu cá và ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets. Phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá để đảm bảo khi tàu cá ra, vào cửa biển phải có sự kiểm soát của cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng.
Phần mềm này sẽ liên thông tất cả cảng cá, Văn phòng IUU và Trạm kiểm soát Biên phòng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng chức năng kiểm soát tàu cá, thống kê, báo cáo. Ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets để các địa phương báo cáo, lưu trữ thông tin các tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá mất tín hiệu kết nối từ 10 ngày trở lên, tàu cá nằm bờ,…
Qua đó tạo cơ sở dữ liệu để Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, huyện kiểm tra, chỉ đạo khắc phục kịp thời các hạn chế trong công tác chống khai thác IUU.
Qua khảo sát thực tế, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng IUU, đạt được những kết quả rất tích cực.
Cà Mau có tiềm năng thủy sản rất lớn, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm hơn 1/4 cả nước, chủ yếu xuất sang thị trường EU, vì thế tỉnh càng cần nỗ lực hơn trong bảo vệ và khai thác thủy sản bền vững bởi nếu không gỡ được thẻ vàng, Cà Mau sẽ là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Bộ NN&PTNT và tỉnh Cà Mau về sự cần thiết phải tăng cường thông tin về những việc làm được, những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong chống khai thác bất hợp pháp.
Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thẩm quyền được giao còn hạn chế, nhất là trong công tác xử phạt, đồng thời trang thiết bị chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Với quyết tâm chống khai thác IUU, Cà Mau tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cửa biển; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo trạng thái hoạt động và được niêm phong với thân tàu trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển.
Cùng với đó, tiến tới thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương phù hợp với tình hình thực tế. Xác định vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện IUU, hướng tới giao người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm ra biển hoạt động bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt...
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ca-mau-quyet-liet-chong-khai-thac-iuu-i701403/