Cà Mau thực hiện 3 đột phá chiến lược nâng cao lợi thế hút đầu tư
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Là một trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương hiện đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả. Trong đó, địa phương ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng mới.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho biết ngoài 2 tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 63 đã đầu tư, trên địa bàn tỉnh đã hình thành thêm 3 tuyến mới, là đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi và đường Hành lang ven biển phía Nam.
Hiện nay 100% xã ở Cà Mau đã có đường ôtô đến trung tâm; 50/82 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Các tuyến đường đô thị, đường đến các cụm kinh tế, khu du lịch, khu di tích được ưu tiên đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, cho biết Cà Mau cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, như tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, khu đô thị sân bay Cà Mau, cảng Hòn Khoai và tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển)… Song song đó là tập trung triển khai đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
"Trong quá trình triển khai các dự án, Cà Mau luôn đồng hành, tạo mọi thuận lợi, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư. Đặc biệt là đối với công tác đào tạo nghề và giới thiệu lao động; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ pháp lý; xúc tiến thương mại, tín dụng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tìm tiếng nói chung," ông Nguyễn Đức Thánh khẳng định.
Năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau thu hút được 37 dự án đầu tư. Từ đầu năm 2022 đến nay, Cà Mau thu hút mới 7 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 1.055 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 433 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 141.290 tỷ đồng, tập trung ở những lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, năng lượng sạch, chế biến gỗ, du lịch sinh thái…
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, trung tâm đã hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp với số lượng lên tới hơn 250 hồ sơ, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả theo từng nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện những chỉ số thành phần trung bình, yếu và củng cố, nâng cao chất lượng những chỉ số thành phần đạt khá.
Bên cạnh đó, Cà Mau tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; thực hiện tích hợp công khai dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tỷ lệ 100%. Tỉnh cũng thực hiện số hóa quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thánh cho biết mục tiêu tỉnh đặt ra là làm thế nào để rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Với các giải pháp căn cơ trong chiến lược phát triển, nhất là trong việc huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…, Cà Mau sẽ trở thành điểm đến đáng tin tưởng cho các nhà đầu tư," ông Nguyễn Đức Thánh chia sẻ.
Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế và xã hộ số, thu hút và sử dụng nguồn vốn vay, vốn tư nhân thông qua các hình thức đối tác công-tư để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…/.