Ca mổ xuyên trưa cứu bàn tay của nữ sinh vụ lật xe khiến 21 người cấp cứu
Để cứu bàn tay cho nữ sinh lớp 9 trong vụ tai nạn lật xe khiến 21 người đi cấp cứu, bệnh viện đã huy động ê-kíp 10 nhân viên y tế giỏi thực hiện ca phẫu thuật hơn 4 tiếng.
Vụ tai nạn xảy ra vào sáng 22/4 tại xã Bình Giáo (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) khiến 20 học sinh và tài xế nhập viện cấp cứu. Trong số 20 học sinh bị thương, có em P.N.Q (sinh năm 2010, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu) bị nghiêm trọng nhất.

Vụ tai nạn lật xe khiến nữ sinh Q. bị thương tích nghiêm trọng. Ảnh: Trần Hoàn
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai cho biết, bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng có vết thương lớn ở khuỷu tay và bàn tay bên phải. Đây là vết thương phức tạp vì dập nát cả mặt trước và mặt sau bàn tay, ngón cái và ngón giữa gần bị đứt lìa.
Theo bác sĩ Tuấn, ca bệnh này khá đặc biệt, em Q. mới 15 tuổi, tay chấn thương là tay thuận của bệnh nhân. Do đó, Ban giám đốc đã huy động những bác sĩ có kinh nghiệm nhất, yêu cầu bằng mọi cách phải cứu lấy bàn tay cho cho nữ sinh.
“Khi bệnh nhân vào viện, vết thương rất bẩn, dính nhiều đất cát, các bác sĩ đã vệ sinh, cắt lọc, lấy dị vật sạch sẽ. Ngón cái và ngón giữa gần đứt lìa, phải cố định xương gãy bằng đinh kirschner và nối gân ở các ngón. Vị trí bị đứt ở cuối ngón tay, mạch máu quá nhỏ, việc nối các mạch máu rất phức tạp và khó, độ hoàn thiện cũng như thành công xác suất thấp đòi hỏi tay nghề cũng như kinh nghiệm của ê-kíp phải chuyên sâu”, bác sĩ Tuấn thông tin.

Để giữ lại bàn tay lành lặn cho nữ sinh, bệnh viện đã huy động 10 bác sĩ và kỹ thuật viên tham gia phẫu thuật trong khoảng thời gian 4,5 tiếng. Ảnh: Trần Hoàn
Về lý do không chuyển ca bệnh nghiêm trọng như vậy lên tuyến trên, bác sĩ Tuấn cho rằng, theo đánh giá thực trạng, chuyển tuyến vào lúc đó sẽ không an toàn. Bệnh nhân đang sốc, mất máu, nguy cơ quá lớn mà di chuyển một quãng đường dài sẽ không phù hợp nên bệnh viện quyết định giữ lại để xử lý.
Bệnh viện đã huy động ê-kíp 10 người tham gia gồm 4 phẫu thuật viên, 1 bác sĩ gây mê, 5 điều dưỡng và kỹ thuật viên. Ca phẫu thuật diễn ra từ 9h30 đến 14h ngày 22/4 và phải truyền 6 đơn vị máu.
Theo bác sĩ Tuấn, đến thời điểm này, ca phẫu thuật bước đầu đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Hai ngón tay gần bị đứt lìa, tím tái sau khi nối mạch máu đã hồng trở lại. "Với điều kiện y học ở Tây Nguyên, việc thực hiện ca mổ như vậy cho thấy nỗ lực rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao trong 72 tiếng sau mổ", bác sĩ Tuấn chia sẻ.