Cả một đời với tình yêu hát Then
Hát Then xưa nay vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Thái trắng ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Nhưng để điệu hát Then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những con người đã gìn giữ, thổi hồn vào từng điệu hát.
Trong dịp về xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tôi có dịp tiếp xúc với Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, người được dân bản nơi đây yêu mến gọi với cái tên "Người giữ hồn Then".
Thanh âm của cuộc đời
Trong đời sống của đồng bào Thái trắng, hát Then luôn xuất hiện trong những sự kiện quan trọng như: Lễ mừng cơm mới, cốm mới, giải hạn, gọi hồn... Ông Then, bà Then là người đại diện cho cộng đồng, giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Hát Then không những để giải họa, cầu phúc, cầu con, se duyên, mà còn hát để tiễn linh hồn người đã khuất về với tổ tiên. Và từ đây, những điệu hát then cứ ngân vang mãi từ đời này qua đời khác với tất cả những gì vốn có của nó.
Theo quan niệm dân gian, Then được ví là "điệu hát thần tiên", điệu hát của "Trời". Nghệ thuật diễn xướng dân gian này ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Hát Then ở Quỳnh Nhai được "ứng truyền" từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người được "ứng truyền" thường không được biết trước, có người không biết chữ, có người chưa bao giờ biết hát, được chọn làm Then là ngoài ý muốn.
Bản Nghe Toỏng, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nằm nép mình bên dòng Đà giang thơ mộng bốn mùa xanh ngát. Mùa này Đà giang xanh màu ngọc bích, hòa với sắc xanh của trời và những dãy núi ẩn hiện. Đón khách trên cây cầu Pá Uốn sừng sững bắc qua Đà giang, nghệ nhân Điêu Văn Minh mời tôi sang lớp dạy hát Then của mình trong căn nhà cổ. Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, ông Minh được mẹ, được bà của mình hát Then cho nghe. Năm 20 tuổi, theo ông ngoại học hát Then, hát Xao sên, hát Loong té, cáo sứ... và hát trong nghi lễ của dân tộc. Hơn 70 năm tuổi đời, nhưng ông đã có hơn 40 năm sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, và nắm giữ nhiều tác phẩm hát Then của dân tộc Thái nói chung, dân tộc Thái trắng nói riêng.
Ông Minh cho biết: Hát Then có nhiều loại, như hát Xao sên, hát Loong té, hát cúng, hát giao duyên, cáo sứ, hát trong các lễ nghi của dân tộc Thái trắng. Theo ông Minh, hát Then là điệu hát dùng trong các nghi thức cúng tế, mừng xuân mới, mừng tuổi, mừng nhà mới, hát trong lễ Kin Pang Then cầu khấn cho con người những điều tốt lành, cho đất nước bình yên (hát điệu này và hát điệu Loong té không cần phải có đàn tính tẩu). Hát Loong té là hát về tình yêu lao động, tăng gia sản xuất, yêu quê hương, đất nước, dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải, biết làm ăn, đoàn kết, chống tệ nạn xã hội... còn hát Xao sên là hát mừng tuổi, mừng nhà mới, cầu khấn các đấng thần linh phù hộ cho con người, bản mường đất nước phát triển (điệu này bắt buộc phải có đàn tính tẩu). Điệu hát Then có 6 loại giọng cổ, tùy theo từng điệu mà có âm điệu giọng khác nhau, lúc thì giọng đều, lúc thì lên xuống trầm bổng, nhẹ nhàng tình cảm.
Để điệu Then mãi ngân vang
Với ông Điêu Văn Minh, Then như hơi thở, là cuộc đời và chính ông cũng không biết tự bao giờ những làn điệu Then đã ngấm vào máu như một chữ "duyên". Ông hát Then như ăn cơm, uống nước hàng ngày… Qua tiếng đàn và những lời hát, nó như người bạn tâm giao cùng ông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Những nỗi niềm khắc khoải trong người nghệ nhân ấy được cất lên với lời Then, ngân nga hòa quyện với trời, với bản, với mường…
Say mê với Then như vậy, nghệ nhân Điêu Văn Minh cũng trăn trở với điệu hát này, và trăn trở nhất là làm thế nào để Then, đặc biệt là Then cổ không rơi vào quên lãng theo thời gian. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên nhân là thế hệ trẻ ngày nay đã và đang ít chú ý đến bản sắc văn hóa đó, khi người trẻ chỉ đam mê với những dòng nhạc theo thị trường mà lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi…
Nhiều năm qua, ông đã tích cực mở các lớp dạy hát Then tại chính ngôi nhà ông đang ở, vận động, thành lập các câu lạc bộ hát Then - đàn tính. Nỗ lực "truyền lửa" cho lớp trẻ, cho bà con của ông Điêu Văn Minh và các nghệ nhân dân gian cũng mang lại những "quả ngọt" nhất định. Ông vui mừng khi ngày càng có nhiều người chú ý đến Then, cả người già lẫn bạn trẻ. Lớp học đã đông thành viên hơn, các nghi lễ Then thu hút nhiều người xem hơn…
Tuy nhiên, niềm mong mỏi nhất của ông là Then được chính quyền, ngành quan tâm hơn nữa, mà phải được trở thành một chương trình cụ thể, rõ ràng, nhất quán, có đầu tư, bởi nếu chỉ chạy theo phong trào thì rất khó bền vững. Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng, vào năm 2020, Chi hội Văn học nghệ thuật Quỳnh Nhai mở lớp tập huấn các làn điệu tính tẩu, múa hát của dân tộc Thái trắng Quỳnh Nhai để đưa hát Then vào trong các nghi thức lễ Kin Pang Then, Lễ gội đầu và Lễ hội đua thuyền truyền thống…
Là một trong 10 học trò xuất sắc được nghệ nhân Điêu Văn Minh truyền dạy, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn 3, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai cho biết: Nghệ nhân Điêu Văn Minh là người thầy có vốn sống, am hiểu chuyên sâu về văn hóa dân tộc Thái trắng, ông luôn được bà con ở bản và các xã yêu mến kính trọng.
Ông Chiêm đã theo học thầy từ năm 1976 đến nay, vinh dự được cùng nghệ nhân Điêu Văn Minh tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần lưu giữ, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nói chung và dân tộc Thái trắng tại Quỳnh Nhai nói riêng đến bạn bè trong nước và quốc tế. Để từ đây những điệu hát Then được ngân vang bằng cả niềm tự hào và tình yêu của những người nghệ nhân dành cho nó.
Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Trong tháng 1/2023, huyện Quỳnh Nhai vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân cho 6 người, trong đó, ông Điêu Văn Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Đây không chỉ là niềm tự hào của chính bản thân ông, mà đó còn là niềm tự hào của cả dân tộc Thái trắng. Các nghệ nhân chính là hạt nhân, là những "cây đa", "cây đề" truyền dạy văn hóa phi vật thể của huyện Quỳnh Nhai trong thời gian tới.
Trên hành trình đem Then đến gần với khán giả, cả cuộc đời của Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh đã ghi dấu nhiều tác phẩm đặc sắc. Ông đã đoạt giải A tiết mục "Qua sông qua đò" (hát then cổ) tại Liên hoan hát Then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018, tại tỉnh Hà Giang; giải A tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V, tại Tuyên Quang năm 2015. Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, để những điệu Then, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trường tồn với thời gian.
Cả một đời hát Then và "truyền" vào từng câu hát những ánh lửa lung linh và ấm áp, nghệ nhân Điêu Văn Minh có một lối hát rất đặc biệt, tuy không náo nhiệt, tưng bừng như các dòng Then khác nhưng rất êm ả, nhẹ nhàng, thong dong đầy chất trữ tình. Ai một lần được nghe nghệ nhân Điêu Văn Minh hát, đều cảm nhận được tiếng ca của ông được cất lên từ tận sâu thẳm tâm hồn, bằng tình yêu và nỗi niềm khắc khoải với đời. Hôm nay được nghe ông hát, tôi mới nhận ra rằng tôi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc của cuộc đời, những thứ dung dị và đầy xúc cảm. Thật trân quý!
Chia tay Nghe Toỏng, chia tay nghệ nhân Điêu Văn Minh trong ngày Xuân ấm áp, ông tiễn tôi đến cầu Pá Uôn. Cây cầu hôm nay như một nhịp đàn nối đôi bờ Đà giang, cũng là mạch nối giao thông đưa nhiều học viên tới lớp đào tạo của ông. Chia tay, tôi vẫn nhớ lời trăn trở của ông, mong muốn làm sao có sự quan tâm hơn nữa để việc đào tạo hát Then rộng rãi, hiệu quả hơn, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để từ đây, điệu Then mãi ngân vang!
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ca-mot-doi-voi-tinh-yeu-hat-then-i688697/