Cá nhân hóa trách nhiệm

Theo số liệu thống kê, 10 tháng năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt 46,44% kế hoạch. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân cả nước chỉ đạt 51,34%.

Lý do dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt thấp được cho là do giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 nên thời gian thực hiện dự án kéo dài. Bên cạnh đó, còn do việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, còn có các lý do như giải phóng mặt bằng, tái định cư; do chủ đầu tư, nhà thầu yếu về năng lực; tình trạng bộ, ngành thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương…

Có thể thấy với tiến độ này, chắc chắn kế hoạch giải ngân năm 2022 sẽ bị "vỡ". Cho nên, trong vòng hơn một tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các nghị quyết, chỉ thị để thúc đẩy tiến độ. Mới đây nhất, ngày 10.11, Thủ tướng lại có Công điện số 1076/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo đó, Công điện yêu cầu các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, góp phần phát huy hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022.

Đặc biệt, Công điện nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của hầu hết dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương. Chỉ số giá xây dựng tại các địa phương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, khá kịp thời; những khó khăn về thời tiết, tình hình dịch bệnh... không còn là nguyên nhân chính gây cản trở đến giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, cần tập trung, phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công, không chỉ trong năm nay mà trong những năm qua đã được nêu rõ. Giải pháp cũng đã được đề ra. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là câu hỏi tại sao một số dự án cùng cơ chế, chính sách và khó khăn như nhau, nhưng có địa phương, có dự án giải ngân đạt kết quả cao? Có địa phương, có dự án lại đạt kết quả thấp, thậm chí nghịch lý là không giải ngân được? Vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương như thế nào?

Thực tế, trách nhiệm của người đứng đầu dù đã được đề cập đến từ lâu nhưng chưa được cụ thể hóa một cách chặt chẽ. Bởi vậy, trong Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chắc chắn, khi nguyên nhân được chỉ rõ, có giải pháp cụ thể và việc cá thể hóa trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện và thực hiện nghiêm sẽ loại bỏ được cách nghĩ, cách làm hời hợt, né tránh, lơ là. Từ đó, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/ca-nhan-hoa-trach-nhiem-i308632/