Cả nước có 39.536 công trình, cơ sở hiện hữu còn tồn tại vi phạm quy định PCCC ở mức khó hoặc không thể khắc phục được

Đó là số liệu đưa ra tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tình trạng lịch sử để lại đối với vấn đề này là rất phức tạp...

Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) trăn trở vì khi Quốc hội đang làm luật về phòng cháy chữa cháy thì cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra (Ảnh: M.Minh)

Đại biểu Quản Minh Cường (đoàn Đồng Nai) trăn trở vì khi Quốc hội đang làm luật về phòng cháy chữa cháy thì cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra (Ảnh: M.Minh)

Chưa thể kiểm soát được tình trạng cháy nổ

Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Luật PCCC và CNCH). Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) bày tỏ trăn trở vì trong khi Quốc hội làm luật về PCCC thì cháy nổ vẫn liên tiếp xảy ra không kiểm soát được.

Vụ cháy chung cư mini ở Phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân) hồi tháng 9/2023 làm chết 56 người và làm bị thương 35 người tưởng là vụ cuối cùng nhưng hai tuần vừa rồi vẫn xảy ra liên tiếp một số vụ khác, chỉ trong ngày 16/6 đã có 7 người dân bị chết vì cháy nhà.

Điều đáng nói, theo vị đại biểu, Dự án Luật này quy định rõ từ quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông… cái gì cũng phải thực hiện yêu cầu phòng cháy, nhưng đó là ở thì tương lai, còn những vấn đề hiện hữu thì chưa có giải pháp triệt để.

Ở những nơi đô thị mới, khu vực kinh tế phát triển thì không có cháy hoặc cháy thì cũng cứu được người. Ngược lại, đa số các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề xảy ra ở chung cư cũ, các căn hộ được cơi nới.

Điều này có lý do của cả một thời tư duy và điều kiện kinh tế xã hội hạn chế trước đó. An ninh trật tự không đảm bảo nên người dân phải làm lồng sắt, "chuồng cọp” để bảo vệ tài sản, đến khi có cháy thì kìm sắt không tháo dỡ được. Các nước khác làm cửa kính, khi cháy đập nhẹ là ra. Chúng ta biết vậy nhưng không thể thay đổi được nếp sống của người dân.

Rồi quy hoạch đô thị lộn xộn, ngõ nhỏ, phố nhỏ nên hậu quả bây giờ là gây ra cháy lớn vì thiếu lối thoát hiểm, xe chữa cháy không tiếp cận tận nơi được. Mà cứ cháy là có người chết, thậm chí chết nhiều người.

Nông thôn làm quy hoạch không duyệt giấy phép xây dựng. Thực tế giữa nông thôn và đô thị rất khó phân biệt, nhất là những vùng ven đô mới đô thị hóa. Ví dụ những thành phố tập trung đông dân cư như thành phố Biên Hòa của Đồng Nai (thành phố thuộc tỉnh nhưng có tới 1,3 triệu dân, đông hơn rất nhiều tỉnh). Có những con đường dài hàng km nhưng chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy, ô tô con còn không vào được chứ chưa nói đến xe cứu hỏa.

Rồi nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã thiếu nước sinh hoạt, nếu để xảy ra cháy thì lấy nước đâu ra mà chữa cháy?...

Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, chúng ta đã rà soát phát hiện hàng chục nghìn công trình xây không phép, không đảm bảo yêu cầu PCCC nhưng chúng ta cũng chưa tháo dỡ được chung cư mini vi phạm PCCC nào. Chúng ta phát biểu thì "kiên quyết, dứt khoát tháo dỡ" nhưng bài toán sau đó là chỗ an cư của hàng triệu người thì chúng ta không giải quyết được.

"Những vấn đề nói trên không được đề cập trong dự án Luật PCCC và CNCH. Tôi tin rằng Luật này có ra đời thì cháy nổ vẫn xảy ra", ông Cường nói và nhấn mạnh, Luật PCCC và CNCH không giải quyết được bài toán này vì nó liên quan đến cả Luật Đô thị, Luật Nhà ở, Luật Giao thông Vận tải và các chính sách xã hội khác.

Vị đại biểu đoàn Đồng Nai bày tỏ trăn trở và đề nghị làm thế nào tìm ra giải pháp triệt để, tránh tình trạng đại biểu ấn nút thông qua Luật nhưng vẫn nơm nớp lo sợ cháy nổ.

Đề nghị Chính phủ có báo cáo đầy đủ và đề ra giải pháp

Phát biểu đáp lời đại biểu Quản Minh Cường, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)nói rằng, vấn đề đại biểu Cường nêu là xác đáng nhưng đây là vấn đề rất khó giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận tại họp tổ chiều 19/6

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thảo luận tại họp tổ chiều 19/6

Về nguyên tắc, Luật chỉ điều chỉnh từ ngày có hiệu lực về sau; còn giải quyết các bài toán trước đó thì phải có các quy định riêng và đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự án Luật PCCC và CNCH thông tin, dự thảo Luật tại Điều 65 có quy định về xử lý chuyển tiếp với 3 nội dung: những công trình, cơ sở hiện hữu vi phạm các quy định về PCCC được quy định tại Luật này trước thời điểm Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 có hiệu lực thì tiếp tục xử lý theo lộ trình mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Đối với công trình hiện hữu vi phạm quy chuẩn PCCC tại thời điểm công trình được xây dựng thì xử lý theo quy định của các bộ, ngành.

Các công trình vi phạm đã bị đình chỉ, tạm đình chỉ hiện nay tính đến thời điểm Luật này có hiệu lực thì xử lý theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng khẳng định, thực tế đây là vấn đề rất khó. "Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với dự thảo Luật PCCC và CNCH, chúng tôi cũng đã nêu vấn đề này. Bởi vì nếu xử lý theo mấy điều khoản chuyển tiếp quy định tại Điều 65 thì không giải quyết vấn đề gì. Thay vào đó, bây giờ chúng ta phải nhìn trực diện vấn đề để giải quyết", ông Tùng nói.

Vấn đề này Chính phủ cũng đã đánh giá. Cuối năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về PCCC và báo cáo Quốc hội sau đó Quốc hội ban hành Nghị quyết 99 quy định, đối với những công trình vi phạm PCCC do lịch sử để lại, Quốc hội giao Hội đồng nhân dân các tỉnh ban hành lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương để xử lý vấn đề này.

Thế nhưng, ông Tùng nhìn nhận, từ năm 2019 Quốc hội giao nhiệm vụ đến nay, các địa phương cũng chưa thể xử lý được một cách thấu đáo. Cuối năm 2023, khi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 99, Chính phủ đánh giá rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Tính đến giữa năm 2023, cả nước có 39.536 công trình, cơ sở hiện hữu còn tồn tại vi phạm quy định PCCC ở mức khó hoặc không thể khắc phục được. Trong đó có 8.114 công trình tại 51 tỉnh thành phố chưa được nghiệm thu về PCCC đã được đưa vào sử dụng.

"Tình trạng lịch sử để lại đối với vấn đề này là rất phức tạp. Giải pháp đưa ra trong dự thảo Luật này chắc chắn không giải quyết được vấn đề; 5 năm, 10 năm nữa nhìn lại vấn đề vẫn như thế này và còn đẻ thêm số liệu", ông Tùng nói và đề nghị, từ nay đến kỳ họp sau (để thông qua dự thảo Luật này), Chính phủ cần có báo cáo đánh giá đầy đủ thực tiễn hiện nay, những khó khăn vướng mắc, sau đó có giải pháp.

Ví dụ, đối với những nhà nhỏ, phố nhỏ chen lấn không đảm bảo yêu cầu về thoát hiểm, PCCC theo yêu cầu hiện nay, xe chữa cháy không vào được thì giải pháp thế nào, tiền đâu ra để cải tạo hoặc giải tỏa? Những công trình của Nhà nước thì Nhà nước phải bố trí kinh phí...

"Chính phủ phải có báo cáo cụ thể chi tiết để đưa vào Luật này các giải pháp hoặc ban hành nghị quyết kèm theo thì mới khả thi. Nếu chỉ giao địa phương quy định, có lộ trình thì rất khó giải quyết vì nguồn lực địa phương hạn chế hoặc có những vấn đề vượt quá thẩm quyền khiến địa phương không quyết được", đại biểu phân tích.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ca-nuoc-co-39536-cong-trinh-co-so-hien-huu-con-ton-tai-vi-pham-quy-dinh-pccc-o-muc-kho-hoac-khong-the-khac-phuc-duoc-post347810.html