Cả nước có 70 ca tử vong do sốt xuất huyết
Hiện cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 70 ca tử vong. TP. Hồ Chí Minh là địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tử vong cao nhất.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, hiện đã có hơn 46.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; 18 trường hợp tử vong. Trong đó có 947 ca nặng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Với những con số biết nói này, các chuyên gia nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục leo thang đến tháng 10-2022.
Bộ Y tế dự báo, số mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục gia tăng; cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Số mắc bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5, chủ yếu là các ca tản phát, có một số ổ dịch quy mô nhỏ, không có ổ dịch lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa-Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý một số vấn đề để nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong do mắc sốt xuất huyết: Người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường; uống đủ nước: (> 5 cốc đối với người lớn hoặc tính theo trẻ em), sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm. Uống nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải; uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo trẻ em); chườm ấm; tìm nơi muỗi đẻ trong và ở quanh nhà để diệt...
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người bệnh không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen, các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sĩ; không cần thiết uống kháng sinh.
Đối với các cơ sở y tế, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về bù dịch. Không truyền dịch khi không có chỉ định. Một số trường hợp vào cơ sở y tế tư nhân truyền dịch vượt quá quy định, dễ diễn biến nặng với bệnh nhân.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 nếu thấy diễn biến bất thường thì nên vào viện, vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh đến hẹn lại lên mỗi năm, vì thế người dân có tâm lý chủ quan khi mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt-Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh-cho biết, hiện tại tình hình bệnh nhi nhập viện nặng vẫn còn nhiều. Khi bệnh nhi bị nặng thường ảnh hưởng đến các cơ quan trọng yếu, tim, gan, thận, não… khiến việc điều trị hồi sức tích cực gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có trường hợp tử vong vì sốc sốt xuất huyết.
Cũng theo bác sĩ Châu Việt, ngoài nhập viện trễ thì xuất hiện các trường hợp bệnh nhân sốt có nhầm lẫn với triệu chứng của Covid-19. Khi thấy có các triệu chứng sốt trên 3 ngày liên tục, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi sức khỏe. Bởi sau đại dịch Covid-19, hệ miễn dịch của cơ thể có thể bị ảnh hưởng làm con người yếu hơn.
Trung tá, bác sĩ chuyên khoa I Phan Bá Hiếu-Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân Y 175-cho biết, đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt từ từ, cảm giác bứt rứt và khó chịu, có rất nhiều trường hợp vẫn có thể đi lại được nhưng khi đến bệnh viện đo huyết áp lại bằng 0 (tức không đo được huyết áp). Lúc này khả năng bệnh đã chuyển nặng rất cao.
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục.
L.H (tổng hợp)