Cả nước đồng lòng chống đại dịch

Những ngày này, miền Nam thân yêu đang oằn mình trong cuộc chiến chống 'giặc COVID-19'. Với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', 'chia lửa' với đồng bào các tỉnh, thành phố phía Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chi viện nhân lực, vật tư y tế cho các tỉnh miền Nam có nhiều ca lây nhiễm.

Thật xúc động hình ảnh những đoàn cán bộ, y, bác sĩ miền Bắc, miền Trung chia tay gia đình, người thân lên đường chi viện cho các địa phương phía Nam phòng, chống dịch COVID-19, dẫu biết rằng sẽ đối mặt với muôn vàn gian khổ và nguy cơ lây bệnh luôn cận kề.

Hàng ngàn người dân các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên đã rủ nhau từng đoàn rời thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam tỏa về quê tránh dịch bằng xe máy. Lực lượng Công an tỉnh mà các đoàn đi qua bất kể ngày hay đêm, mưa gió hay nắng lửa, luôn túc trực để hỗ trợ xăng, nước uống, bánh, sữa… để đoàn người ăn uống, nghỉ ngơi lấy lại sức rồi tiếp tục hành trình về quê. Đồng bào ta ở khắp các tỉnh, thành, người góp gạo, góp lợn, bí, khoai, ngô... để giúp các địa phương phía Nam vượt qua đợt khó khăn…

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng các y, bác sĩ lên đường vào Nam chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh dập dịch.

Những hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng tới những năm tháng chiến tranh ác liệt đã có hàng triệu thanh niên cả nước hăng hái lên đường, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hàng triệu người dân ở thành thị tản cư về nông thôn để tránh những trận không kích của địch đánh phá miền Bắc. Trong các nhà máy, trên cánh đồng, người công nhân, nông dân hăng say lao động sản xuất ra của cải, vật chất để chi viện cho chiến trường miền Nam…

Hôm nay đây, chúng ta thấy những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, lại đang được phát huy mạnh mẽ trong thiên tai, dịch bệnh.

Những ngày qua, chúng ta cảm động khi chứng kiến tình yêu thương được lan tỏa khắp mọi nơi với bao việc làm tình nghĩa thể hiện đạo lý nhân văn “yêu nước thương nòi”, "thương người như thể thương thân" của người dân Việt Nam. Trong lúc gặp khó khăn thì những hành động đẹp như thế thật không gì bằng.

Đội ngũ cán bộ y tế căng mình trong tâm dịch. Rồi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an, Biên phòng suốt ngày đêm tham gia chốt chặn ở những khu vực nghi có dịch hoặc tâm dịch, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang mầm dịch vào Việt Nam. Quân đội sẵn sàng nhường doanh trại, đồng thời dựng hàng chục lều bạt dã chiến tiếp nhận người cách ly. Trong số những chiến sĩ ấy, có người bố, mẹ mất, vợ ốm, con đau, vậy mà mấy tháng liền chưa được về thăm mà không một tiếng than vãn... Hãy ghi nhận cái đẹp đẽ trong lòng, trong đôi mắt, trong sự lạc quan tin tưởng của người dân trong cuộc chiến cam go để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong trận chiến này, những người lính nơi tuyến đầu chống dịch không phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, rừng thiêng, nước độc, những nơi hành quân gian khổ. Người dân không phải hứng chịu với những trận bom rơi, đạn nổ… mà là một kẻ thù vô hình đang lặng lẽ hoành hành, đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân.

Những ngày tới đây sẽ là giai đoạn cao điểm, cam go nhất của cuộc chiến chống COVID-19, đòi hỏi phát huy cao nhất trí tuệ, nghị lực, ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Mỗi người dân hãy chung sức, đồng lòng tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, thực hiện thật tốt Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021 mới đây: “Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Nhân dân tiếp tục ủng hộ, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, cùng chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn hơn để có thể ổn định, phát triển bền vững; đồng thời phát huy cao nhất nghĩa tình, nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, san sẻ, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thực tế đã chứng minh, càng rèn luyện qua khó khăn, dân tộc Việt Nam lại càng trưởng thành, vững hơn, mạnh hơn, tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sự bình an, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ca-nuoc-dong-long-chong-dai-dich-i622966/