Cả nước ghi nhận 3.595 ca Covid-19 mới, đã điều trị khỏi 90% bệnh nhân
Bộ Y tế cho biết, ngày 26/10, cả nước phát hiện 3.595 ca Covid-19, giảm 28 bệnh nhân so với ngày 25/10. Số khỏi bệnh hiện là 810.290 trường hợp, đạt tỷ lệ 90% tổng ca nhiễm.
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 từ 17h ngày 25/10 đến 17h ngày 26/10 có thêm 3.595 trường hợp tại 49 tỉnh, thành phố, gồm 3 ca nhập cảnh và 3.592 bệnh nhân lây nhiễm trong nước (1.431 ca trong cộng đồng). So với hôm qua, tổng số mắc giảm 28 ca.
TP.HCM là địa phương ghi nhận số bệnh nhân cao nhất cả nước ngày 26/10 với 783 trường hợp, đã giảm 186 ca so với ngày 25/10.
Bình Dương đứng thứ hai với 528 bệnh nhân, tăng 11 ca. Đồng Nai đứng thứ ba với 481 trường hợp, tăng 23 ca. Xếp thứ tư là tỉnh An Giang với 290 bệnh nhân, tăng 58 ca. Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 162 ca bệnh, xếp thứ 5 toàn quốc.
Một số tỉnh thành khác có số ca dương tính cao trong ngày 26/10 (theo thống kê trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19) gồm: Tiền Giang (121), Tây Ninh (120), Kiên Giang (118), Trà Vinh (108), Bạc Liêu (106), Long An (66), Nghệ An (59), Cần Thơ (57), Thanh Hóa (50), Gia Lai (46), Khánh Hòa (45), Bình Thuận (40), Bà Rịa - Vũng Tàu (33), Phú Thọ (33), Cà Mau (32), Quảng Nam (28), Hà Giang (28), Hậu Giang (27), Nam Định (26), Bình Định (23), Bình Phước (23), Bến Tre (19), Vĩnh Long (18), Hà Nội (18), Đồng Tháp (17),...
Như vậy đến nay, nước ta đã phát hiện tổng số 896.174 bệnh nhân Covid-19, xếp thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.099 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), Việt Nam có thêm 891.389 ca do lây nhiễm trong nước. 7 ngày gần đây, cả nước ghi nhận trung bình 3.690 bệnh nhân Covid-19/ngày.
Có 13 tỉnh, thành phố không xuất hiện ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao nhất đợt dịch này: TP.HCM (426.873), Bình Dương (229.885), Đồng Nai (62.471), Long An (34.367), Tiền Giang (15.858).
Về tình hình điều trị, ngày 26/10 có 2.989 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số đã chữa khỏi lên 810.290 trường hợp, chiếm 90,4% số ca nhiễm, còn 9,6% đang điều trị. Trong số này, có 2.722 bệnh nhân nặng.
Tổng hợp số liệu do các Sở Y tế công bố trong ngày, toàn quốc ghi nhận 64 bệnh nhân tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Cụ thể: TP.HCM (27), Bình Dương (14), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Long An (3), Bạc Liêu (3), Tây Ninh (3), An Giang (3), Ninh Thuận (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1).
Như vậy tới nay, Việt Nam đã có 21.802 người mắc Covid-19 tử vong, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng ca nhiễm (cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trung bình trên thế giới).
Về tình hình xét nghiệm, số xét nghiệm thực hiện từ 27/4 đến nay là 21.714.085 mẫu cho 59.313.892 lượt người.
Về công tác tiêm chủng, hôm qua (25/10), thêm 920.398 liều vắc xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, cả nước đã thực hiện tiêm tổng cộng 74.950.393 liều vắc xin. Trong đó, có 53.125.886 mũi 1 và 21.824.507 mũi 2.
Bộ Y tế ngày 26/10 cho biết từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em sẽ được tổ chức trên toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất (vắc xin Pfizer). Đây là vắc xin Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em, đảm bảo an toàn và được nhiều nước sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ theo độ tuổi đã hướng dẫn trong văn bản 8688 ngày 14/10 của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện trước với trẻ em từ 16-17 tuổi, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm cho trẻ.
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em triển khai tương tự chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian qua. Các điểm tiêm đặt tại trạm y tế xã/phường, các trường học, trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Việc tiêm chủng được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các tỉnh thành có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định
Nguyễn Liên