Cả nước thi đua làm giàu: Lãnh đạo phải tiên phong, dẫn đầu

Nhiều đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp đều chung nhận định, người lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp phải đi tiên phong trong làm giàu chính đáng.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị), bày tỏ sự đồng tình với ý tưởng của Thủ tướng. Ông cho rằng phong trào “cả nước thi đua làm giàu” sẽ là động thái đầu tiên nhằm thực thi các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần giúp đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Người dân, doanh nghiệp càng giàu thì đất nước càng phát triển, mỗi thành viên có thu nhập tốt sẽ đóng góp chung vào tổng thu nhập quốc gia.

Tuy nhiên, ông Đồng nhấn mạnh, để phong trào do Thủ tướng phát động đạt hiệu quả cao nhất thì vai trò nêu gương của lãnh đạo - từ cán bộ công quyền cho đến người đứng đầu doanh nghiệp - trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Họ phải đi tiên phong, trở thành tấm gương sáng về nỗ lực làm giàu chính đáng và truyền động lực cho cán bộ, nhân viên cấp dưới đi theo.

Người lãnh đạo bắt buộc phải đi tiên phong trong làm giàu chính đáng, phải coi đây là trách nhiệm của mình.

ĐBQH Hà Sĩ Đồng

Quyết tâm làm giàu của họ sẽ tạo nguồn lực để phát triển doanh nghiệp, từ đó mới có thể làm giàu cho đất nước.

“Với những ý nghĩa trên, người lãnh đạo bắt buộc phải đi tiên phong trong làm giàu chính đáng, phải coi đây là trách nhiệm của mình”, ông Đồng nhấn mạnh.

Theo ông Đồng, làm giàu chính đáng ngày nay không còn là câu chuyện riêng của mỗi cá nhân mà liên quan đến cả sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế khi một lãnh đạo, đảng viên dám đi đầu trong hành trình làm giàu - không dựa vào đặc quyền đặc lợi mà bằng sự đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng tối đa cơ hội thị trường - thì chính là họ đang thực hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đó mới là sự cống hiến có giá trị và bền vững.

Bày tỏ quan điểm về câu chuyện này dưới góc độ lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Như Uy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cho biết không có lãnh đạo nào lại không muốn địa phương, tổ chức hay doanh nghiệp mà mình phụ trách ngày càng phát triển, giàu mạnh. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Thủ tướng sẽ càng đốc thúc họ nhiều hơn và chính bản thân ông đã coi đó là mục tiêu cần phải thực hiện rốt ráo.

Lãnh đạo nỗ lực làm giàu, mỗi doanh nghiệp sẽ có thêm điểm tựa để phát triển. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo nỗ lực làm giàu, mỗi doanh nghiệp sẽ có thêm điểm tựa để phát triển. (Ảnh minh họa)

“Trước kia, khi chưa có phát động của Thủ tướng về phong trào toàn dân làm giàu, lãnh đạo thị xã Duy Tiên cũng đã triển khai mọi công việc, phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút được vốn đổ về các khu công nghiệp Đồng Văn 1-2-3 và khu công nghiệp Hòa Mạc.

Hiện nay 4 khu công nghiệp của chúng tôi đang rất phát triển, thu hút hơn 50.000 lao động, trong đó nhiều lao động là người từ các tỉnh, thành phố khác về làm việc.

Đến nay, trước sự cởi mở của Nghị quyết 68 và lời hiệu triệu của Thủ tướng thì cùng với cơ hội, động lực, chúng tôi còn nhận thấy trách nhiệm rất lớn trong việc làm gương để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp cùng tham gia làm giàu cho địa phương mình.

Để thực hiện vai trò này, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chúng tôi đã dự tính sẽ bàn luận để thống nhất những quyết sách mạnh mẽ hơn nhằm thu hút nhiều hơn nguồn vốn và các doanh nghiệp đến địa phương.

Cùng với đó, để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển, chúng tôi cũng sẽ dành tất cả những điều kiện tốt đẹp nhất cho doanh nghiệp, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng sản xuất được thuận lợi nhất”, ông Uy nói.

Còn dưới góc độ doanh nhân, ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) cho biết, là người đứng đầu một doanh nghiệp bất động sản, ông luôn nghĩ đến chuyện làm giàu vì sự phát triển của doanh nghiệp.

“Nhưng từ khi biết Thủ tướng phát động phong trào toàn dân làm giàu, tôi xác định đây phải được coi là trách nhiệm, không chỉ “muốn thì làm” nữa. Ngoài ra còn thêm trách nhiệm nữa là phải dẫn dắt được đội ngũ cán bộ và người lao động cùng làm theo, từ đó thúc đẩy người dưới quyền cùng tham gia và nuôi khát vọng làm giàu”, ông nói.

Ông Kiểm cho biết, mục tiêu làm giàu của bản thân ông chính là khát vọng mở rộng và phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào thu ngân sách địa phương, ngân sách quốc gia.

“Tôi đã nhận thức được bản thân mình phải là người truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho anh em cấp dưới. Khi người đứng đầu doanh nghiệp nỗ lực làm giàu thì mới dẫn dắt, định hướng cán bộ, nhân viên của mình đi theo”, ông Kiểm chia sẻ.

Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần thi đua làm giàu để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. (Ảnh minh họa)

Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần thi đua làm giàu để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo không biết làm giàu, doanh nghiệp sẽ trì trệ

Bày tỏ quan điểm của mình về việc những lãnh đạo chọn cách né tránh con đường làm giàu chính đáng, ông Đồng cho rằng điều này đồng nghĩa với tự đóng khung trong tư duy an phận, bảo thủ, trì trệ; điều này chẳng khác nào đi ngược lại tinh thần cải cách, đổi mới mà Đảng đang khát khao vun đắp cho đất nước.

“Làm giàu bằng sự liêm chính và minh bạch không chỉ là mục tiêu cá nhân, mà còn là sự thể hiện sâu sắc trách nhiệm đối với dân tộc, là minh chứng cho tinh thần cống hiến vì lợi ích chung của đất nước. Đó mới chính là cách làm giàu chân chính, đậm chất đạo đức và ý nghĩa nhất”, ông Đồng nhấn mạnh.

Ở một tầm vóc rộng lớn hơn, nền kinh tế sẽ đối mặt với nguy cơ mất động lực tăng trưởng nếu các nhà lãnh đạo tổ chức không chủ động trong việc làm giàu, không tạo ra những mô hình kinh doanh tiên phong để thúc đẩy đổi mới.

Điều này không chỉ dẫn đến tụt hậu mà còn tạo ra nghịch lý: xã hội kêu gọi toàn dân thi đua làm giàu, nhưng lại không thấy sự hiện diện của những hình mẫu lãnh đạo tiên phong, những người dẫn dắt bằng chính sự dấn thân và tầm nhìn của mình. Điều đó làm suy yếu niềm tin và sự đồng thuận trong hành trình phát triển chung của đất nước.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, nếu người lãnh đạo không sở hữu tư duy làm giàu hoặc bước vì sợ rủi ro, sợ sai lầm, hoặc giữ tâm lý né tránh trách nhiệm, thì con đường phát triển của doanh nghiệp sẽ sớm chật vật, tôi không muốn nói là đi đến bế tắc.

“Đó chính là tiền đề cho sự trì trệ, sự thiếu sáng tạo và tinh thần dấn thân bị kìm hãm, cuối cùng là đánh mất những cơ hội quý giá trong cuộc đua cạnh tranh”, ông Đồng nói.

Còn ông Đặng Phúc Nguyên - nguyên lãnh đạo Tổng Công ty rau quả Việt Nam - nhấn mạnh: “Người ta hay nói dân giàu nước mạnh, thì doanh nghiệp giàu nền kinh tế sẽ mạnh. Khi chủ doanh nghiệp giàu có thì họ sẽ kéo theo cả một tập thể giàu có theo. Ngược lại doanh nghiệp không phát triển được nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có tư duy, khát vọng làm giàu”.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ca-nuoc-thi-dua-lam-giau-lanh-dao-phai-tien-phong-dan-dau-ar944344.html