Cả nước thiếu hơn 113 nghìn giáo viên, thầy cô áp lực dạy tăng giờ
Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương. Tình trạng này đang gây áp lực lớn cho nhiều thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục do Bộ GDĐT tổ chức sáng nay (19/8), một số địa phương đã chia sẻ khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ năm học khi đội ngũ giáo viên thiếu khá nhiều so với định mức quy định.
Đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều so với định mức
Tới thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ và sách giáo khoa mới, sẵn sàng tổ chức cho học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Có thể kể đến như: Đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi.
Theo ông Bằng, thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.
Năm học 2023-2024, quy mô giáo dục Hà Nội tăng 39 trường và tăng 48.000 học sinh. Đến thời điểm này, Hà Nội có quy mô giáo dục rất lớn với 2.913 trường mầm non, phổ thông với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên.
Với quy mô giáo dục hàng năm tiếp tục tăng, so với yêu cầu nhiệm vụ và so với biên chế thì còn thiếu giáo viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT và các bộ rà soát để đánh giá lại định mức biên chế giáo dục, đặc biệt là cơ cấu về các môn học, một số môn học đặc thù để phù hợp với công tác giảng dạy hiện nay ở các địa phương.
Cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT nhìn nhận, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GDĐT.
Nguyên nhân chủ yếu theo Bộ GDDT là do sức hút vào ngành còn hạn chế. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao, nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu.
Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật;…
Trước những hạn chế còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024-2025. Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng.