Cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
34 tỉnh, thành phố trên cả nước vận hành bộ máy mới, đồng thời triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Ghi nhận tại phường Trấn Biên (tỉnh Đồng Nai), nơi được xem là “siêu phường” với gần 200.000 dân, đông thứ hai cả nước cùng với phường Hạc Thành (Thanh Hóa) – từ sáng sớm ngày 1/7, người dân đã đến trụ sở phường để làm thủ tục hành chính đông hơn thường lệ. Các khu vực giải quyết thủ tục về đất đai, hộ tịch, cấp phép xây dựng… được bố trí khoa học, có bảng hướng dẫn cụ thể nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân.

sieu phuong dong nai 1.JPG
Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên, ông Hồ Văn Nam, cho biết địa phương xác định là phường trung tâm nên từ sớm đã lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm làm việc, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ để ngày càng phục vụ tốt hơn.
Tại Hải Phòng, sáng 1/7, các xã, phường đồng loạt tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND sau hợp nhất để kiện toàn tổ chức sau sáp nhập, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Theo ghi nhận của phóng viên VTC News tại xã Tiên Lãng (TP Hải Phòng), từ 8h sáng đã diễn ra kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân xã Tiên Lãng khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tiên Lãng.
Kỳ họp dự kiến tập trung nhiều nội dung trọng điểm: Công bố số lượng và danh sách đại biểu HĐND sau sắp xếp xã; Thông báo nội dung nghị quyết số 45 của Thường trực HĐND TP về việc chỉ định chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã; Nghị quyết của Thường trực về việc phê chuẩn thành viên các Ban, Phó Ban các ban và thành lập các Tổ đại biểu HĐND xã…
Đồng thời xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Ban của HĐND (Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa – xã hội) và thành lập các phòng chuyên môn của UBND xã kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ trong năm 2025.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tiên Lãng, nhiều người dân có mặt để giải quyết các thủ tục hành chính. Các cán bộ tại Trung tâm nhiệt tình hướng dẫn người dân.
Bà Trần Thị Luyến - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công cho biết: "Trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị để phục vụ người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Từ đầu giờ sáng đến giờ, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 20 lượt công dân đến làm thủ tục. Trong quá trình giải quyết, các cán bộ của trung tâm tận tình hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết, để công dân nhận được kết quả thủ tục hành chính sớm nhất".
Toàn cảnh kỳ họp thứ Nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sáng 1/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ Nhất, cũng là kỳ họp đầu tiên sau khi sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Đây là kỳ họp có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kiện toàn tổ chức, hoàn thiện thể chế để triển khai ngay, kịp thời các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Tại kỳ họp đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban của HĐND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Rah Lan Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026 ra mắt và phát biểu nhận nhiệm vụ.

Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026 phát biểu nhận nhiệm vụ.

Tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh cần khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách. Đồng thời, đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai mới tiếp tục phát huy truyền thống Hội đồng Nhân dân hai tỉnh trước đây, thể hiện đúng vai trò là người đại biểu của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Người dân đến công an xã đăng ký xe ngày đầu
Sáng nay, Công an xã Thường Tín (Hà Nội) tiếp công dân đầu tiên đến thực hiện thủ tục đăng ký xe theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Trung tá Tạ Quốc Khánh, Trưởng Công an xã Thường Tín cho biết: “Hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi chính thức tiếp nhận công dân đến làm thủ tục đăng ký xe trong mô hình tổ chức mới. Cả cán bộ lẫn người dân đều vui vẻ, phấn khởi vì sự chuyển mình mạnh mẽ của chính quyền trong thời kỳ mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lực lượng công an xã luôn sẵn sàng hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, đảm bảo việc kê khai và tiếp nhận hồ sơ diễn ra thuận tiện, nhanh chóng, đúng theo địa giới hành chính xã mới”.

Người dân đến trụ sở Công an xã Thường Tín để đăng ký xe. (Ảnh: Đăng Chung)
Anh Nguyễn Văn Thành đến trụ sở công an xã mới để đăng ký xe, chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng có phần bỡ ngỡ do thay đổi địa giới và cách thức thực hiện. Tuy nhiên, nhờ được các cán bộ công an xã tận tình hướng dẫn, tôi kê khai thành công theo đúng quy trình mới, nhanh chóng và thuận tiện”.
Tại tỉnh Quảng Trị (mới), sáng 1/7, rất đông người dân có mặt tại Trung tâm hành chính công tỉnh đặt tại tỉnh Quảng Bình (cũ) để giải quyết các thủ tục hành chính. Các cán bộ tại Trung tâm nhiệt tình hướng dẫn người dân.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị (mới) chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh: Trần Anh)

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị đang hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Trần Anh)

Người dân lấy số thứ tự và chờ xử lý các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị.
Sáng 1/7, HĐND tỉnh Quảng Trị (mới) tổ chức kỳ họp thứ nhất sau hợp nhất để kiện toàn tổ chức sau sáp nhập, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Kỳ họp dự kiến tập trung nhiều nội dung trọng điểm: công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định các chức danh lãnh đạo HĐND tỉnh (mới), gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban HĐND; quyết định thành lập các Ban của HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Trị (mới).
HĐND tỉnh cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc UBND tỉnh (mới), công bố danh sách Ủy viên UBND tỉnh và quyết định các kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ trong năm 2025.
Từ ngày 1/7, tại Hải Phòng sau hợp nhất, khoảng 2.600 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Hải Dương cũ di chuyển sang Hải Phòng làm việc. Để hỗ trợ việc đi lại cho cán bộ, công chức, Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai dịch vụ xe buýt.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu 20 xe buýt sẽ vận chuyển cán bộ từ trung tâm tỉnh Hải Dương đến khu đô thị bắc sông Cấm của Hải Phòng, tổng chi phí dự kiến 1,5-1,7 tỷ đồng mỗi tháng. Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty Cổ phần Đường bộ Hải Phòng sẽ đảm nhận dịch vụ này.
TP Hải Phòng sẽ tổ chức 6 tuyến buýt điện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Các tuyến xe được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế, giao cho các ngành chức năng xác định quỹ đất để đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt. Các chuyến tàu khách từ ga Hải Dương đến ga Hải Phòng sẽ được tăng cường.

Trung tâm Chính trị - Hành chính TP Hải Phòng - Trung tâm hành chính hiện đại nhất khu vực các tỉnh Duyên Hải phía Bắc.
Đôi bạn trẻ chọn ngày 1/7 làm ngày đăng ký kết hôn
Tại phường Tân Sơn Nhất (TP.HCM), không khí làm việc diễn ra khẩn trương ngay từ sáng sớm 1/7 - ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Cán bộ, công chức phường đã có mặt từ rất sớm để bố trí khu vực tiếp dân, bàn hướng dẫn, đảm bảo người dân đến liên hệ công việc được phục vụ chu đáo. Các khu vực chức năng như tiếp nhận hồ sơ địa chính – xây dựng, văn hóa – xã hội, trả kết quả và kinh tế – tài chính được bố trí khoa học, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch.
Ông Lưu Thái Minh - người dân ngụ tại phường đến làm thủ tục hộ tịch, cho biết: “Tôi thấy không khí làm việc rất khẩn trương, mọi người đều nhiệt tình hỗ trợ. Hy vọng phường mới sẽ có thêm nhiều sáng kiến để xử lý hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện hơn cho người dân”, ông Minh chia sẻ.

Các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn cho người dân.
Trả lời Báo Điện tử VTC News, ông Lâm Việt Thảo – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhất, phụ trách công tác hành chính công cho biết, ngay sau khi có chủ trương triển khai mô hình mới, địa phương đã khẩn trương tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời thử nghiệm vận hành các phần mềm mới nhằm đảm bảo thông suốt quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
“Về các quy trình, cũng như việc sử dụng hệ thống phần mềm, cán bộ công chức tại phường Tân Sơn Nhất đã nắm bắt và thao tác thành thạo”, ông Thảo khẳng định.

Người dân chờ làm thủ tục tại phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Trước ngày chuyển từ phường cũ sang phường mới, toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên phường đã làm việc xuyên đêm để tổng vệ sinh, dọn dẹp, sắp xếp và trang trí lại trụ sở, đảm bảo kịp thời vận hành theo kế hoạch.
Trong ngày đầu tiên, khu vực hành chính công của phường chính thức tiếp nhận và xử lý nhiều thủ tục hành chính mới theo mô hình chính quyền đô thị. Theo ông Thảo, việc vận hành mô hình mới không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính mà còn hướng đến mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.
“Thực hiện theo chủ trương, chắc chắn mô hình phường mới sẽ gần dân, sát dân hơn. Những nội dung người dân cần sẽ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương”, ông Thảo nói.
Tương tự tại phường Tân Sơn, TP.HCM, từ sáng sớm đông người dân có mặt để làm các thủ tục hành chính như hộ tịch, đăng ký kinh doanh...

Người dân phường Tân Sơn chờ làm thủ tục hành chính.

Người dân được hướng dẫn tận tình làm các thủ tục hành chính.

Người dân hài lòng khi đến làm thủ tục hành chính tại phường Tân Sơn.
“Các cán bộ làm việc rất tận tâm, thuận lợi cho người dân khi đến đây. Tôi đến để khai sinh cho con có bố là người nước ngoài, được hướng dẫn rất kỹ càng”, chị Tuyết Nhi - ngụ phường Tân Sơn nói.
Tại phường Sài Gòn, từ sáng sớm người dân đã có mặt để làm thủ tục hành chính. Dù lượng người đến làm hồ sơ khá đông nhưng công việc diễn ra thuận lợi, phường bố trí tối đa nhân sự hướng dẫn
Người dân phấn khởi khi thủ tục được xử lý nhanh chóng trong ngày đầu vận hành mô hình 2 cấp. Thậm chí, một cặp đôi còn đến đăng ký kết hôn vì "ngày đẹp".

Đôi bạn trẻ chọn ngày 1/7 làm ngày đăng ký kết hôn.
Với mục tiêu xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phường Sài Gòn (TP.HCM) cam kết phục vụ người dân và doanh nghiệp theo phương châm “lấy người dân làm trung tâm”.
Ông Bùi Trường Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công phường Sài Gòn cho biết, khi đi vào vận hành, trung tâm xác định rõ phương châm hoạt động là đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong mọi quy trình phục vụ. Tất cả thủ tục hành chính đều được thực hiện đúng quy định pháp luật, đồng thời đảm bảo giải quyết nhanh chóng, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần.
“Chúng tôi tiếp nhận hồ sơ tại trung tâm và chuyển đến các phòng, ban chuyên môn xử lý theo quy trình khép kín. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ sẽ hướng dẫn người dân bổ sung một lần duy nhất trong thời gian cụ thể, đúng theo quy định của pháp luật”, ông Giang thông tin.
Sau khi hoàn tất quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, Trung tâm Hành chính công sẽ thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp để kịp thời ghi nhận ý kiến đóng góp, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ.
TP Huế: Sáng 1/7, Trung tâm phục vụ hành chính tại 40 xã, phường ở TP Huế chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Một người dân TP Huế cho biết: “Sau khi sáp nhập và kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi thấy rằng thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, giảm phiền hà. Thực tế, trước đây, người dân phải đi lại nhiều lần để hoàn thành hồ sơ đất đai. Việc thiếu đồng bộ, nhân lực thiếu chuyên môn tại xã khiến quá trình xử lý hồ sơ bị chậm trễ. Bây giờ đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, được tăng cường từ thành phố, huyện (cũ) về phường, xã nên nhiều việc được cải thiện, tiến độ nhanh chóng hơn.”

Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, ngay từ sớm Trung tâm hành chính công phường Thuận Hóa (TP Huế) có khá đông người dân đến xử lý, đăng ký các thủ tục hành chính.
"Chính quyến địa phương 2 cấp rút ngắn các khâu xử lý hành chính để thủ tục được nhanh gọn, rõ ràng, tiết kiệm thời gian. Với người dân có trình độ dân trí chưa cao, sự đơn giản hóa thủ tục sẽ giúp họ dễ tiếp cận hơn với các chính sách, đặc biệt các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất...”, anh Hồ Văn Chương (xã A Lưới 2, TP Huế) nói.

Các cán bộ phường Thuận Hóa tích cực làm việc, hỗ trợ giải quyết công việc cho người dân một cách nhanh nhất.

Các cán bộ luôn trao đổi, hỗ trợ nhau để đảm bảo công việc được trơn thu, thuận lợi mang lại hiệu quả cao nhất.

Đa số người dân đến phường Thuận Hóa giải quyết thủ tục hành chính đều có phản hồi tích cực trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Huế nhấn mạnh, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn, nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp phường khi vận hành hiệu quả sẽ giúp rút ngắn quy trình, giảm thời gian xử lý, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Chuyển đổi mô hình không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức mà còn là thay đổi cách phục vụ. Chính quyền phải gần dân hơn, hiểu dân hơn và lắng nghe người dân nhiều hơn. Đặc biệt, không được để xảy ra gián đoạn trong phục vụ người dân khi thực hiện thủ tục hành chính”, Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp tại UBND phường An Cựu. (Ảnh: Ngọc Minh)
Lễ chào cờ đầu tiên của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND phường Ba Đình trong ngày đầu thực hiện chính quyền 2 cấp.


Cũng trong ngày đầu làm việc, phường Ba Đình tổ chức Kỳ họp thứ nhất khóa I nhiệm kỳ 2021-2026.

Là "vị khách" đầu tiên đến trụ sở phường Ba Đình để làm thủ tục, chị Phan Như Ngọc (32 tuổi) cho biết, quá trình giải quyết diễn ra nhanh chóng, nhờ có bảng hướng dẫn rõ ràng nên chị gần như không cần hỏi thêm gì. Hồ sơ sau khi được kiểm tra đầy đủ đã được cán bộ tiếp nhận ngay, không phải mất thời gian đi lại nhiều nơi.
"Tôi thấy khác rõ đấy. Trước đây tôi phải đi lên quận để làm giấy xác nhận, mất nửa buổi rồi chen chúc. Hôm nay làm luôn ở phường, cán bộ tiếp nhận nhanh gọn, hướng dẫn cụ thể nên tôi thấy rất thoải mái. Chờ chưa đầy 15 phút đã xong", chị Ngọc chia sẻ.
Tại UBND phường Nghĩa Đô, các cán bộ có mặt từ sớm để hoàn tất các khâu chuẩn bị phục vụ những công dân Thủ đô đầu tiên đến làm việc. Đến 7h45, bộ phận một cửa sẵn sàng hoạt động tiếp đón người dân.
Bà Nguyễn Thi Dung, công dân đầu tiên đến làm việc tại phường Nghĩa Đô cho biết: "Tôi đến rất sớm, dù chưa đến giờ làm việc nhưng được cán bộ bộ phận một cửa tiếp đón rất chú đáo và ân cần".

Bà Nguyễn Thi Dung được cán bộ UBND phường Nghĩa Đô hướng dẫn các thủ tục hành chính.
Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, sáng nay, bộ phận một cửa UBND phường Cửa Nam hoạt động nhịp nhàng, không xảy ra tình trạng ùn ứ hay quá tải. Nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính bày tỏ sự hài lòng khi được giải quyết hồ sơ ngay tại phường, thay vì phải lên quận như trước.
Cán bộ phường được bố trí đầy đủ ở các vị trí, chủ động hỗ trợ người dân trong khâu kê khai, chuẩn bị hồ sơ. Việc phân cấp thẩm quyền cho cấp phường giúp rút ngắn quy trình giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân ngay từ những ngày đầu vận hành mô hình mới.

Cán bộ phường Cửa Nam sẵn sàng phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính.


Phường Cửa Nam lắp đặt 2 màn hình cảm ứng cỡ lớn để giúp người dân, cán bộ truy cập cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thủ tục hành chính.

“Tôi tưởng ngày đầu thay đổi mô hình sẽ rối, ai ngờ đến nơi thấy mọi thứ đều rõ ràng, trật tự. Cán bộ tiếp nhận nhiệt tình, hồ sơ hợp lệ là xử lý luôn, không phải lên quận nữa, tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức", chị Phạm Thị Hạnh chia sẻ khi đến làm thủ tục tại phường Cửa Nam.
Từ 1/7, TP Hải Phòng cùng với cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thay thế cho mô hình chính quyền địa phương 3 cấp.
Là địa phương có lợi thế về hạ tầng và công nghệ số hóa, Hải Phòng đã thiết lập và vận hành thử nghiệm hệ thống hội nghị trực tuyến từ thành phố đến từng xã, phường; hệ thống quản lý văn bản điện tử và phần mềm tác nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức cùng hệ thống cung cấp thông tin thủ tục hành chính cho người dân theo mô hình 2 cấp.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An (Hải Phòng) được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đi vào hoạt động từ 1/7.
Nhu cầu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý và giảm phiền hà là nguyện vọng của nhiều người dân. Chị Vũ Thị Hương Giang (thôn 10, xã Việt Khê, Hải Phòng) cho biết, khi nghe tin về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gia đình chị lo lắng không biết có phải làm lại giấy tờ theo tên xã mới hay không, cấp xã hoạt động có chuyên nghiệp không.
“Sau khi được tuyên truyền, tôi nhận thấy mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thuận tiện hơn cho chúng tôi. Trước đây, nhiều hồ sơ thủ tục phải liên hệ với UBND huyện cách rất xa. Bây giờ, giấy tờ được giải quyết từ cấp xã. Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống số hóa nhanh chóng”, chị Giang chia sẻ.

Chị Vũ Thị Hương Giang kỳ vọng chính quyền cấp xã hoạt động chuyên nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng hơn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàn (phường An Biên, Hải Phòng) kỳ vọng: “Việc sáp nhập và tinh giản sẽ ảnh hưởng đến một số người, nhưng người dân chúng tôi nhìn thấy những lợi ích lâu dài nên rất phấn khởi. Đây là cơ hội để đất nước phát triển lên một tầm cao mới.
Trước đây, mỗi khi phải làm thủ tục, tôi đi lại mất nhiều thời gian, không biết ở phường hay quận sẽ giải quyết. Vì thế tôi rất ủng hộ chủ trương thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Việc nào phường giải quyết được thì giao cho phường, để người dân đỡ phải đi lại phiền phức”.
Nhiều người dân tin tưởng, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành thì dịch vụ công sẽ gần dân hơn. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số, khai thông tin trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Sáng 1/7, tiếng chuông trống Bát Nhã từ chùa Quán Sứ – trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – vang vọng khắp không gian, hòa quyện trong không khí trang nghiêm và xúc động của một sự kiện mang dấu ấn đặc biệt: ngày đầu tiên toàn bộ các địa phương trong cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
X

Đúng 6h, dưới mái chùa cổ kính hơn trăm năm tuổi, ba hồi chuông trống được cử hành trang nghiêm, như lời khẩn nguyện linh thiêng gửi vào đất trời, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho vận nước hưng thịnh, cho nhân dân an cư lạc nghiệp.

Chuông trống bát nhã có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh Phật giáo.


Chư tôn đức Tăng Ni cùng hàng trăm Phật tử, người dân đã có mặt từ sớm, thành kính tụng thời kinh cầu an, đồng lòng hướng tâm thiện lành đến ngày khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

"Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử hành ba hồi chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh và nghi lễ tâm linh cầu an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam", Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.

Trong chùa, chuông lớn nhất được gọi là đại hồng chung, thường đặt bên trái. Trống lớn nhất gọi là trống bát nhã, đặt bên phải của chùa. Theo quan niệm đạo Phật, tiếng chuông ngân lên có thể vang xa tất cả pháp giới, người tu hành gửi lời nguyện vào tiếng chuông, đem sự bình an và hạnh phúc đến muôn loài.

"Tôi đi từ 5h sáng để kịp có mặt trước giờ cử chuông. Nghe chuông trống sáng nay, lòng tôi thấy rưng rưng. Cả đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một buổi lễ mà cảm xúc lại đầy đặn đến thế. Đất nước mình đang bước sang một trang mới, tôi mong điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người”, chị Vũ Thị Hằng (32 tuổi, ở phường Cửa Nam, Hà Nội), một Phật tử thường xuyên lễ bái tại chùa Quán Sứ, xúc động nói.

Không riêng chị Hằng, anh Nguyễn Trọng Nam (43 tuổi, làm việc tại phố Quán Sứ) cũng có mặt từ sớm. “Tôi thấy đây là nghi thức vừa mang tính tâm linh, vừa thể hiện tinh thần dân tộc. Ba hồi chuông trống như đánh thức trong lòng mỗi người niềm tin vào sự đổi thay tích cực. Nghe xong, tôi thật sự thấy nhẹ lòng và lạc quan hơn”, anh Nam cho biết.


Theo chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đúng 6h ngày 1/7, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trên toàn quốc đã đồng loạt cử ba hồi chuông, trống Bát Nhã, tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an.



Đây là hoạt động mang tính nghi lễ thiêng liêng, được tổ chức trong những dịp đặc biệt của đất nước – như các ngày lễ trọng, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, và lần này là ngày đánh dấu sự chuyển mình trong tổ chức bộ máy hành chính.
Sau sáp nhập, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ phường Phủ Lý (tỉnh Hà Nam cũ), phường Nam Định (tỉnh Nam Định cũ) đến phường Hoa Lư (Ninh Bình) làm việc sẽ được bố trí xe đưa đón.
Lúc 5h50 ngày 1/7, những chuyến xe đưa đón cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bắt đầu lăn bánh từ trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định (cũ) sang trụ sở cơ quan hành chính tại phường Hoa Lư.
Theo kế hoạch, từ 1/8-31/12, cán bộ ở phường Phủ Lý và phường Nam Định đi phường Hoa Lư được bố trí 15 xe sáng đi đón và 15 xe chiều đưa về theo 3 khung giờ.

Chuyến xe đưa đón cán bộ từ phường Nam Định đến phường Hoa Lư trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Từ sáng sớm, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đứng chờ ở điểm đón để đợi xe.

Xe đưa đón chở cán bộ từ Nam Định (cũ) sang phường Hoa Lư (Ninh Bình) làm việc.
Bộ Nội vụ đã ra mắt chuyên mục “Hỏi đáp về hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền” tại địa chỉ: moha.gov.vn.
Đồng thời, Bộ Nội vụ công bố số điện thoại 0968.218.126 để trực tiếp tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cán bộ, công chức và người dân về các nội dung liên quan.

Bộ Nội vụ ra mắt chuyên mục “Hỏi đáp về hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền” tại địa chỉ: moha.gov.vn và số hotline 0968.218.126. (Ảnh chụp màn hình)
Đây được xem như một diễn đàn mở, mang tính tương tác cao, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, cán bộ, công chức tiếp cận thông tin chính xác, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền – đặc biệt là trong bối cảnh từ ngày 1/7, cả nước sẽ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định mới.
Thông qua chuyên mục, Bộ Nội vụ sẽ thường xuyên cập nhật các câu hỏi – đáp cụ thể, thực tế, dễ hiểu liên quan đến việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; giữa cấp tỉnh và cấp xã; giữa cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; cũng như các vấn đề phát sinh trong tổ chức bộ máy chính quyền, hoạt động của HĐND, UBND các cấp.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã phát hành "Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã" bằng cả 2 hình thức là bản giấy và điện tử, được coi là "hướng dẫn sử dụng" thực tiễn cho bộ máy cấp xã triển khai mô hình mới hiệu quả.
Ngày 1/7, cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp - cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường/đặc khu.
Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế hoạt động, vận hành của Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An, thành phố Hải Phòng, trưa 30/6. (Ảnh: VGP)
Việc loại bỏ cấp trung gian là cấp huyện, tinh gọn bộ máy hành chính vừa thể hiện quyết tâm chính trị cao, vừa phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử, không chỉ sắp xếp về tổ chức bộ máy, cán bộ và còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực, tạo không gian phát triển.
Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra một cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là trong 100 năm tới.
Hôm qua, 30/6, cả nước đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu, để hôm nay 1/7 vận hành chính thức mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại phường Xuân Hòa, TP.HCM chiều 29/6
Trực tiếp đi khảo sát thực tế mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của bộ máy mới là vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước của thành phố và chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
"Chúng ta phải xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyển từ hình thức quản lý thụ động sang quản trị thông minh phục vụ nhân dân, chính quyền vì dân, phục vụ nhân dân kiến tạo cho sự phát triển và đủ năng lực để có thể triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống vì sự phát triển chung của đất nước", Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ca-nuoc-van-hanh-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-ar951982.html