Cà phê có thể sớm trở thành 'hàng xa xỉ' đối với người tiêu dùng Mỹ
Đề xuất áp thuế 50% lên cà phê nhập khẩu từ Brazil của ông Donald Trump có thể khiến giá cà phê tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh, đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp vào tình thế khó khăn…

Đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Brazil đang khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ lo lắng. Brazil hiện là nhà cung cấp lớn nhất các loại hạt cà phê cho Mỹ, chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn cung, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Do điều kiện khí hậu - cà phê chỉ phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ấm áp - nên chỉ có Hawaii và Puerto Rico là hai nơi duy nhất ở Mỹ có thể trồng được cà phê. Trong khi đó, với tư cách là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, nhu cầu của Mỹ là rất lớn. Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, giá trị thị trường cà phê Mỹ trong năm ngoái đạt gần 19,75 tỷ USD.
Đề xuất tăng thuế nhập khẩu sẽ khiến giá cà phê tiêu dùng tăng thêm, trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu đã liên tục leo thang trong vài năm gần đây. Người tiêu dùng đã phải chi trả nhiều hơn cho những ly latte và cold brew do hạn hán và sương giá ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung cà phê toàn cầu, đặc biệt là tại Brazil. Giá cà phê kỳ hạn đã từng đạt mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay.
Dù vậy, phía Brazil vẫn còn thời gian để đàm phán với chính quyền Donald Trump trước khi mức thuế chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 tới. Một số doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống đang kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ cấp miễn trừ đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu không thể sản xuất tại Mỹ - trong đó có cà phê. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Brooke Rollins cho biết hồi cuối tháng 6 rằng Nhà Trắng đang cân nhắc các ngoại lệ này.
Tuy nhiên, nếu miễn trừ không được thực hiện, nhiều công ty như J.M. Smucker, Keurig Dr Pepper, Starbucks hay Dutch Bros sẽ phải đối mặt với chi phí nguyên liệu tăng vọt. Ông Giuseppe Lavazza, chủ tịch công ty cà phê Lavazza nhận định trên Bloomberg TV rằng mức thuế mới sẽ gây ra rất nhiều áp lực lạm phát đối với ngành cà phê.
Dù các công ty rang xay cà phê sẽ tìm cách giảm thiểu tác động từ thuế quan, song việc đó không hề đơn giản. “Các doanh nghiệp luôn nỗ lực tối ưu hóa vận hành và giảm chi phí, nhưng khi áp mức thuế 50% lên một mặt hàng cơ bản không thể sản xuất trong nước như cà phê, họ gần như không có nhiều lựa chọn”, ông Tom Madrecki, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và hậu cần của Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng Mỹ nhấn mạnh.
Một trong những biện pháp được cho là khả thi nhất là chuyển sang nhập khẩu từ quốc gia khác ngoài Brazil. Tuy nhiên, chi phí vẫn sẽ cao hơn.
Các thương hiệu cà phê tiêu dùng tại nhà như Dunkin’ của J.M. Smucker hay Maxwell House của Kraft Heinz đã điều chỉnh giá trong năm nay do chi phí nguyên liệu tăng mạnh. Người tiêu dùng có thể tiếp tục phải trả giá cao hơn, dù các nhà bán lẻ có thể phản đối việc tăng giá quá nhanh.
Giám đốc điều hành Keurig Dr Pepper Tim Cofer lưu ý vào cuối tháng 4 rằng công ty đang cân nhắc việc tăng giá trong nửa cuối năm để bù đắp chi phí do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế mà ông Trump đề xuất.
Trong cuộc họp cổ đông đầu tháng 6, J.M. Smucker cảnh báo rằng mức thuế với cà phê đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của công ty. Cà phê hiện chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu của Smucker.
“Cà phê là nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như không thể trồng ở Mỹ do yêu cầu khí hậu nhiệt đới. Chúng tôi hiện nhập khoảng 500 triệu pound cà phê mỗi năm, chủ yếu từ Brazil và Việt Nam - hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới”, CEO Mark Smucker giải thích. Việt Nam chiếm khoảng 8% lượng cà phê nhập khẩu vào Mỹ mới đây đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với chính quyền Trump, theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, sau nhiều quý doanh số sụt giảm tại Mỹ, CEO Brian Niccol của Starbucks cho biết rằng công ty sẽ không tăng giá trong năm 2025 nhằm thu hút lại khách hàng từng phàn nàn về giá cả. Starbucks có thể sẽ chấp nhận gánh chi phí tăng thêm trong thời gian chờ chiến lược phục hồi phát huy hiệu quả.
Công ty cũng có lợi thế nhờ sự đa dạng trong nguồn cung và danh mục sản phẩm, với những lựa chọn như dòng nước uống “Refreshers” đang rất được ưa chuộng. Starbucks nhập khẩu cà phê từ hơn 30 quốc gia khác nhau, trong đó cà phê chỉ chiếm khoảng 10% chi phí hàng bán tại thị trường Bắc Mỹ.
Theo phân tích của ông Andrew Charles, chuyên gia tại TD Cowen, nếu 22% lượng cà phê Starbucks sử dụng đến từ Brazil, mức thuế mới có thể khiến chi phí hàng bán của hãng tại Bắc Mỹ tăng thêm 0,5%. Riêng các sản phẩm đóng gói của Starbucks do Nestlé phân phối có thể tăng chi phí thêm 3,5%, tương đương mức ảnh hưởng 5 cent trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu trong năm.