Cà phê, gỗ và cao su muốn vào EU phải tuân thủ quy định chống phá rừng

Để được phép lưu thông các mặt hàng cà phê, gỗ và cao su vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Âu cần đảm bảo sản phẩm là hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng (mất rừng), với thời điểm mất rừng tính từ 30/12/2020 trở về sau.

Mặt hàng cà phê, gỗ và cao su muốn nhập khẩu vào EU phải tuân thủ quy định chống phá rừng

Mặt hàng cà phê, gỗ và cao su muốn nhập khẩu vào EU phải tuân thủ quy định chống phá rừng

Cà phê, gỗ và cao su của Việt Nam chịu sự điều chỉnh của EUDR

Tại cuộc gặp gỡ bàn tròn cập nhật tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 về Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR), do Tổ chức Forest Trends tổ chức chiều 2/11 tại Hà Nội, TS. Tô Xuân Phúc - Giám đốc Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Forest Trends) cho biết, quy định EUDR bắt đầu có hiệu lực từ 29/6/2023.

Hiện tại có 7 nhóm mặt hàng chịu sự điều chỉnh của EUDR. Việt Nam hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu vào EU, bao gồm cà phê, gỗ và cao su. Như vậy, những quy định của EUDR tác động trực tiếp đối với ngành gỗ, cao su, cà phê của Việt Nam.

Để được phép lưu thông các mặt hàng này tại EU, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu từ EU cần đảm bảo sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng tính từ 30/12/2020 trở về sau. DN có 18 tháng (DN lớn) hoặc 24 tháng (DN vừa và nhỏ) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng với các yêu cầu của EUDR.

Do các DN Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung ba mặt hàng này cho EU, nhiều yêu cầu của EUDR sẽ được nhà nhập khẩu EU chuyển tải tới các DN xuất khẩu Việt Nam (DN Việt Nam) và các bên liên quan khác tham gia chuỗi cung.

Châu Âu đã ban hành EUDR với mục tiêu giảm thiểu sự đóng góp của khối này vào quá trình mất rừng toàn cầu, đồng thời hạn chế phát thải khí nhà kính và suy thoái đa dạng sinh học, thông qua việc cấm nhập khẩu các mặt hàng nông – lâm sản có liên quan tới mất rừng vào châu Âu.

Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 3 tỷ USD giá trị nguyên liệu và sản phẩm làm từ ba mặt hàng này, bao gồm cà phê (hơn 1,5 tỷ USD), cao su (khoảng 582,2 triệu USD), và gỗ (gần 672 triệu USD).

Đặc điểm chung của cả ba ngành hàng này của Việt Nam là diện tích sản xuất ổn định từ lâu, các diện tích mới mở rộng nhỏ nên mức độ rủi ro về mất rừng sau ngày 30/12/2020 tương đối thấp.

Tuy nhiên, chuỗi cung của cả ba ngành này đều có sự tham gia của hàng triệu nông hộ (hộ tiểu điền) tham gia vào khâu sản xuất. Chuỗi cung thường dài, phức tạp với đội ngũ tư thương đông đảo phụ trách khâu thu mua nguyên liệu từ các hộ, cơ chế kiểm tra giám sát các giao dịch giữa hộ và tư thương chưa chặt chẽ.

"Những điều này làm cho việc truy xuất nguồn gốc khó khăn. Ngoài ra, do một số hộ hiện còn thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất minh chứng hộ là chủ thể hợp pháp của thửa đất canh tác của mình và do vậy, tạo ra rủi ro về pháp lý cho hàng" - ông Phúc nhấn mạnh.

TS.Tô Xuân Phúc chia sẻ thông tin Quy định chống phá rừng tại bàn tròn.

TS.Tô Xuân Phúc chia sẻ thông tin Quy định chống phá rừng tại bàn tròn.

Doanh nghiệp cần rà soát chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro

Để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của EU, Tổ chức Forest Trends khuyến nghị các DN cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình, xác định các rủi ro và từ đó đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro này.

Đối với chuỗi cung của mình, các DN cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ, những người cung nguyên liệu đầu vào cho DN, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về vị trí của thửa đất sản xuất.

Các DN xuất khẩu cần chủ động hợp tác với các DN nhập khẩu của EU, nhằm nắm bắt đầy đủ các yêu cầu về EUDR, tìm kiếm nguồn lực từ các DN nhập khẩu này nhằm thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình nhằm đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR. Các DN nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững. Chuỗi cung này giúp DN đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các hiệp hội cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tập huấn, tuyên truyền thông tin về các yêu cầu EUDR đến các DN, tới đội ngũ thương lái và nông hộ sản xuất tham gia chuỗi.

EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm các sản phẩm nông – lâm nghiệp. Từ nguồn số liệu thống kê của cơ quan hải quan Việt Nam, Forest Trends đã tính toán và cho thấy năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU gần 3 tỷ USD giá trị nguyên liệu và sản phẩm làm từ cà phê, gỗ và cao su.

Cụ thể, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang EU năm 2022 đạt 1,53 tỷ USD, xuất khẩu cao su đạt 582,2 triệu USD, và gỗ đạt gần 672 triệu USD. Với quy mô xuất khẩu này, thực thi EUDR có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với 3 ngành hàng này của Việt Nam trong thời gian tới.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-phe-go-va-cao-su-muon-vao-eu-phai-tuan-thu-quy-dinh-chong-pha-rung-138773.html