Cà phê học thuật nhân văn: Kịch nói phía Nam, dấu ấn các thế hệ
Chiều 27-12, Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã tổ chức chương trình Cà phê học thuật nhân văn: Kịch nói phía Nam, dấu ấn các thế hệ thu hút đông khán giả trẻ là học sinh, sinh viên.
Lần đầu tiên NSND Kim Cương và NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ cảm nhận của bản thân về quá trình mở lối đi cho bộ môn kịch nói phía Nam. NSND Kim Cương kể lại vở kịch "Tôi là mẹ" do bà viết với sự tham gia của Lam Phương, Túy Hồng, Kim Vui, Xuân Phát... là vở kịch dài đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn năm 1962, khởi đầu cho khuynh hướng đưa kịch nói ra rạp sau thời gian tồn tại của nhiều ban kịch chỉ diễn trên màn ảnh nhỏ. Bà đã vay mượn vàng, tư trang của mẹ là bà Bảy Nam để đặt cọc tiền rạp. Lần đầu tiên có một ban kịch ra rạp và khán giả đón nhận.
NSƯT Thành Lộc khẳng định chính sự phong phú của các ban kịch thời đó đã góp phần hình thành gu thưởng thức của công chúng mê kịch ở Sài Gòn, để sau ngày đất nước thống nhất (1975), sân khấu kịch phát triển rực rỡ. "Dấu ấn của 2 thế hệ giữa tôi và chị Kim Cương chính là điểm giao thoa theo bước tiền bối. Thế hệ chị có vở "Lá sầu riêng", nói về thân phận người phụ nữ. Thế hệ của tôi với dòng kịch đương đại có vở kịch "Dạ cổ hoài lang", nói về số phận của người đàn ông. Tôi đã tiếp nhận và mang ơn người đi trước để lĩnh hội và làm nghề" - NSƯT Thành Lộc nhìn nhận.
NSND Kim Cương cảm ơn những thử thách và áp lực đã buộc bà phải tìm tòi, học hỏi. Sau 3 năm du học tại Pháp, bà đã cách tân mạnh mẽ từ kịch bản, trang trí sân khấu, những chuyến đi so sánh với quá khứ để thúc đẩy mình và trọng nghề trước khi muốn khán giả trọng mình.
Hai nghệ sĩ là những người luôn thích ứng với cái mới để đem trải nghiệm bản thân mà làm cho sân khấu phát triển. Các bạn sinh viên đã hỏi những câu chuyện về thông điệp của kịch mà 2 nghệ sĩ đã xem là sứ mệnh. Từ không gian ấm cúng của buổi giao lưu này đã gieo vào tâm hồn khán giả trẻ sự ngưỡng mộ, để cùng nâng niu giá trị nghệ thuật của bộ môn kịch nói phía Nam. Từ những chủ đề thiết thực này, giới trẻ đã hiểu hơn về tính học thuật và nghĩa nhân văn trong những tác phẩm sân khấu để đời. Bạn Lê Hiếu Minh - sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM - nói: "Tôi càng yêu sân khấu kịch hơn sau buổi giao lưu này. Các nghệ sĩ quá tuyệt, truyền đến chúng tôi thông điệp về đạo hát, gửi gắm đến người xem để sống tốt đẹp hơn, có ích cho đời".