Cà phê Mường Ảng - Điện Biên nỗ lực tìm chỗ đứng
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-2023, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội khá bất ngờ khi được thưởng thức cà phê Arabica Mường Ảng (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) tại hành lang Quốc hội. Hình ảnh các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống pha cà phê mời đại biểu khiến ai cũng ấn tượng.
Bí thư huyện không ngại “bán hàng”
Phần lớn mọi người đều rất bất ngờ về sự xuất hiện của loại cà phê này vì nó gần như chưa có thương hiệu và rất ít được biết đến. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đã bị thuyết phục bởi hương vị đặc biệt của nó, chua dịu và hương thơm đặc trưng, nếu pha loãng thì uống như một loại nước hoa quả.
Từ cơ duyên biết đến cà phê Mường Ảng ở hành lang Quốc hội, chúng tôi tìm về Mường Ảng vào những ngày cuối tháng 4 khi đến Điện Biên tác nghiệp dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bí thư huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt, người rất gắn bó và tâm huyết với cây cà phê, cũng là “tác giả” đưa cà phê Mường Ảng vào Quốc hội cho biết, cà phê được trồng ở Mường Ảng là Arabica dòng Catimor - một loại cà phê có giá trị kinh tế cao không phải nơi nào cũng trồng được, vì vậy, giá trị xuất khẩu luôn cao hơn Robusta, có thời điểm cao gấp đôi.
Cây cà phê Arabica Mường Ảng được trồng tại thung lũng Mường Khoe - nơi có sương mù quanh năm bao phủ. Do vậy, cây cà phê hấp thụ một lượng sương muối vừa đủ để tạo nên thứ hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được, đó là có đủ vị và độ ngọt sâu. Cây cà phê do người Pháp mang đến thử nghiệm trồng tại Mường Ảng. Sau giải phóng Điện Biên, nông trường Mường Ảng được thành lập và đã từng trồng được cà phê có chất lượng tốt, hương vị đặc biệt, có thể xuất khẩu, nhưng do cơ chế bao cấp nên bị phá sản. Tiếc hương vị cà phê Mường Ảng, người dân ở đây vẫn tiếp tục duy trì nhưng vì không được đầu tư bài bản, sản xuất manh mún nên năng suất thấp, đầu ra chưa có.
Từ năm 1996, huyện Mường Ảng chủ trương trồng lại cây cà phê nhưng phải đến năm 2020, thương hiệu cà phê Mường Ảng mới được nhiều người biết đến, một phần do lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá tên tuổi cà phê. Đích thân bí thư huyện ủy đã dẫn các cơ sở chế biến cà phê dự lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 8 năm 2023 tại Đắk Lắk, quảng bá, xúc tiến, cùng với việc tham gia hội thảo, gặp gỡ các đối tác, các địa phương. Vào tháng 12-2023, sản phẩm cà phê Mường Ảng tiếp tục xuất hiện trong Tuần VH-TT-DL Tây Bắc tại TP HCM… “Tôi không ngại đi bán hàng cho dân. Chúng tôi sẽ cố gắng để hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu cà phê hữu cơ đã được chế biến sâu”, Bí thư huyện ủy Mường Ảng chia sẻ.
Lan tỏa hương vị Tây Bắc
Huyện Mường Ảng chọn cà phê làm cây chủ lực, trung bình một ha thu hoạch khoảng 20 tấn, doanh thu khoảng 300 triệu/năm/ha. Doanh thu mỗi năm từ cây cà phê Mường Ảng đạt 400-500 tỷ đồng, một con số không nhỏ với huyện nghèo. Quan trọng nhất là việc trồng cà phê đã tạo được công ăn việc làm cho người dân, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Có những bản 100% người Mông đều trồng cây cà phê. Với tiền công thu hái chăm sóc lên tới 60 triệu đồng/ha, có những đợt công thuê hái lên tới 400.000 đồng/ngày, nhiều người dân từ Sơn La, Lai Châu cũng sang Mường Ảng để hái thuê.
Toàn huyện hiện có hơn 2.200 ha cà phê, đang rà soát trồng thêm 500ha nữa trong năm 2024, nâng lên khoảng 3.000 ha. Đã có 1 nhà máy chế biến thô công suất 250 tấn/ngày, bảo đảm thu mua hết cà phê của bà con trồng. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất của huyện như Hải An, Hà Chung đã mạnh dạn đầu tư chế biến tinh với các sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê muối, cà phê tắm trắng... để đáp ứng thị hiếu khách hàng, mở rộng thị trường.
Khó nhất của cà phê Mường Ảng hiện nay là xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm. Hiện cà phê Mường Ảng chưa hoàn thành việc đăng ký chỉ dẫn địa lý nên chưa thể xuất khẩu trực tiếp. Cùng với đó, cần phải tái canh cây cà phê để nâng cao chất lượng. Nếu được đầu tư tương xứng và chế biến đúng cách, cà phê Mường Ảng sẽ không thua kém những loại cà phê đang được ưa chuộng trên thế giới.
Điều đáng mừng là huyện đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN-PTNT) hoàn thiện bộ chỉ dẫn địa lý cho cây cà phê Mường Ảng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, huyện quan tâm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trồng, sản xuất, chế biến sâu cà phê; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cho người dân về phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao…
Ngay từ dưới chân đèo Tằng Quái, du khách đã có cơ hội để thưởng thức cà phê Arabica với hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Hành trình nỗ lực tìm chỗ đứng của cà phê Mường Ảng cần sự quan tâm của các bộ ngành, có chính sách hỗ trợ tái canh cây cà phê; hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến; có các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để bà con ở đây có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.
>> Hình ảnh về quy trình trồng, chế biến cà phê Mường Ảng. Ảnh: QUANG PHÚC
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ca-phe-muong-ang-dien-bien-no-luc-tim-cho-dung-post738726.html