Cà phê nhuộm đen bằng lõi pin: Uống phải độc đến mức nào và cách nào loại bỏ độc tố?

Thông tin cà phê trộn pin con Ó đang gây bức xúc dư luận, một câu hỏi khiến người tiêu dùng băn khoăn là có cách nào để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể không. Và uống cà phê sao cho an toàn hẳn nhiều người cũng rất quan tâm.

Liên quan đến 3 tấn cà phê bị nhuộm đen bằng bột pin mới được phát hiện, PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học (ĐHKHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, loại cà phê này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người uống. Trong quá trình tạo ra một viên pin khô như loại pin Con Ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit màu nâu đen bao quanh lõi than chì để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin.

Việc dùng lõi pin trộn với bột cà phê ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến cơ thể. Người uống bị ảnh hưởng về thần kinh, sẽ gặp một số triệu chứng tương tự bệnh Parkinson, nhẹ thì đau đầu, buồn ngủ nhưng không ngủ được, nặng sẽ giảm khả năng vận động, đi lại không vững, mất trí nhớ… Hàm lượng mangan mà hấp thụ vượt quá 0,5 mg/lít có thể ảnh hưởng đến các nội tạng, thận và tim mạch...

Không nên uống quá nhiều cà phê trong ngày

Không nên uống quá nhiều cà phê trong ngày

Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho biết, trong pin thường có các kim loại nặng như asen, chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd)… Đây đều là kim loại rất độc gây nguy hiểm cho não, gan, thận, tim mạch và chức năng sinh sản của con người. Khi sử dụng thực phẩm, nước uống có chứa những kim loại nặng này sẽ gây ngộ độc cấp tính, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Một câu hỏi khiến người tiêu dùng băn khoăn là có cách nào để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể không? Các chuyên gia cho rằng rất khó đào thải các kim loại nặng này ra khỏi cơ thể. Nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng tích lũy dần rồi gây hại cho cơ thể. Những nơi tích lũy kim loại nặng là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc.

Những điều đặc biệt lưu ý khi uống cà phê

Dù rằng việc uống cà phê đúng cách sẽ giúp cơ thể tỉnh táo nhưng cần lưu ý:

+ Không uống khi bụng rỗng: Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh lượng đường trong máu, và khiến bạn tăng cảm giác thèm ăn trong một thời gian dài. Nếu không quen uống cà phê đậm đặc khi bụng đói, nhiều người còn gặp trạng thái chóng mặt, say cà phê. Hãy uống cà phê sau khi đã thưởng thức một bữa sáng ngon lành, đủ chất.

+ Dừng uống cà phê trước 2h chiều: Cà phê là chất kích thích, một mặt nó có thể giúp cơ thể tỉnh táo nhanh chóng, mặt khác nó khiến bạn mất ngủ cả đêm. Uống cà phê trước buổi trưa sẽ giúp bạn tỉnh táo và không trằn trọc vào giấc đêm.

+ Không uống quá nhiều trong ngày:

Theo một nghiên cứu, chúng ta không nên uống nhiều hơn ba cốc cà phê mỗi ngày. Những người nghiện cà phê uống từ 5 - 10 cốc cà phê mỗi ngày, phá vỡ quy tắc của việc uống cà phê lành mạnh. Khi quá lạm dụng cà phê sẽ gây nghiện, ảnh hưởng đến tuyến thượng thận buộc thận phải làm việc quá sức…

Uống nhiều caffeine còn làm tăng huyết áp, đặc biệt là ở những người đã bị tăng huyết áp. Những người bị tăng huyết áp được cho dùng 250 mg caffeine (khoảng 2 tách cà phê) thì huyết áp của họ được nâng lên sau khoảng 2-3 giờ. Bởi vậy, bạn có thể bổ sung thêm các loại nước ép trái cây hay uống nhiều nước thay vì chỉ nghiền cà phê.

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/ca-phe-nhuom-den-bang-loi-pin-uong-phai-doc-den-muc-nao-va-cach-nao-loai-bo-doc-to-20180419154010619.htm