Chuyên gia chỉ lỗi phổ biến khi chạy bộ vô tình gây nguy cơ đột quỵ

Rất nhiều người chọn chạy bộ để tăng cường sức khỏe. Nhưng bạn có biết những lợi ích này có thể phản tác dụng bởi một điều ít ai ngờ: Nơi chạy!

Cố gắng chạy xa đường chính, nên chạy trên đường vắng. Ảnh: Pexels

Cố gắng chạy xa đường chính, nên chạy trên đường vắng. Ảnh: Pexels

Với khoảng 80% người chạy bộ mắc lỗi có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp, đột quỵ và bệnh tim này.

Đó là chạy trên vỉa hè bên cạnh dòng xe cộ! Điều này có thể gây hại cho sức khỏe, vì ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, theo tờ Express.

Nghiên cứu cho thấy 8/10 người chạy trên vỉa hè, với 1/3 chủ yếu chạy bên cạnh dòng xe cộ. Điều này có nghĩa là họ đang hít phải mức ô nhiễm không khí cao.

Trong khi đó, nghiên cứu vừa mới được trình bày tại Hội nghị Y học Cấp cứu Châu Âu hôm 16.10 cho thấy số ca nhập viện cấp cứu tăng từ 10 - 15% do ô nhiễm gia tăng - dù mức độ vẫn nằm trong hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các chất ô nhiễm có hai dạng - khí như NO2, SO2 và NH3, và các dạng vật chất dạng hạt - gồm các chất gây kích ứng tự nhiên như phấn hoa và bụi, carbon, kim loại, cao su và các hợp chất từ má phanh và thậm chí cả mặt đường.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cảnh báo không có mức độ an toàn nào đối với các chất ô nhiễm, bao gồm vật chất dạng hạt hoặc NO2, và vật chất dạng hạt có kích thước 2,5 micron trở xuống đặc biệt nguy hiểm.

Chuyên gia David McEvoy, nhà nghiên cứu tại Đại học College Dublin (Ireland), cũng là người chạy bộ thường xuyên, giải thích: Những chất ô nhiễm cực nhỏ này có thể xâm nhập vào hệ thống cơ thể và chứa hỗn hợp các chất ô nhiễm khác nhau.

Đáng lo ngại là chính hành động tập thể dục mạnh mẽ làm tăng sự hấp thụ lượng hóa chất nguy hiểm này. Đánh giá của ông về bằng chứng cho thấy tập thể dục gắng sức có thể làm tăng gấp 10 lần lượng độc tố hít vào, và điều này làm suy yếu sức khỏe hô hấp và chức năng phổi. Một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm cũng làm tăng huyết áp và có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và phổi.

Cô Esther Goldsmith, nhà sinh lý học làm việc tại Anh, cho biết: Người chạy bộ thường thở nhanh hơn, vì vậy họ hít vào nhiều không khí hơn và nếu không khí đó chứa nhiều chất ô nhiễm hơn, thì điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến cơ thể.

Những người yếu hơn cũng có nhiều khả năng hít phải nhiều chất ô nhiễm hơn do nhịp thở nặng hơn. Nghiên cứu về những người chạy marathon cho thấy lượng hạt lắng đọng trong phổi cao hơn 22% ở những người chạy trung bình so với các vận động viên cường độ cao. Chuyên gia Esther nói: Bạn có thể không nhận thấy ô nhiễm trừ khi nó quá nặng, nhưng ô nhiễm này làm tăng tình trạng viêm và căng thẳng oxy hóa.

Và cô ấy cảnh báo: Những người bắt đầu chạy bộ có nhiều khả năng bị suy giảm chức năng tim và các bệnh đi kèm khác. Vì vậy, càng cần phải chạy ở nơi trong lành.

Sau đây là một số bước đơn giản để giúp giảm thiểu tiếp xúc với chất ô nhiễm:

Tránh chạy bộ vào giờ cao điểm và khi trời nóng.

Cố gắng hít thở bằng mũi: chuyên gia Esther cho biết: Nhiều bằng chứng cho thấy thở bằng mũi làm tăng sản xuất khí NO, có lợi cho chức năng tim mạch và vận chuyển oxy, và thở bằng mũi có thể cải thiện hiệu quả chạy bộ. Mặc dù thở bằng mũi không dễ, nhưng đây là một chiến lược tập luyện mang lại kết quả cho các vận động viên.

Làm sạch mũi sau khi chạy: Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy làm thông mũi và chất nhầy là cách tự nhiên để loại bỏ chất ô nhiễm sau khi chạy, nó có thể loại bỏ tới 49% bụi và chất ô nhiễm chỉ sau 30 giây.

Lưu ý khoảng cách: Lượng ô nhiễm hít vào giảm đáng kể nếu chạy tránh xa giao thông. Cố gắng chạy xa đường chính, nên chạy trên đường vắng, theo Express.

NGUYỄN LAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202411/chuyen-gia-chi-loi-pho-bien-khi-chay-bo-vo-tinh-gay-nguy-co-dot-quy-48901e7/