Cà phê ở Lâm Đồng chết bất thường sau khi bón phân
Một gia đình ở Lâm Đồng mua phân bón về bón cho hơn 5,5 ha cà phê, sau 15 ngày thì cây vàng lá, chết cành, quả rụng hàng loạt.
Ngày 8-7, đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật- Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, xác nhận đoàn kiểm tra do ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng làm trưởng đoàn vừa phối hợp UBND xã Bảo Lâm 1 kiểm tra thực tế tại vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn 13, xã Bảo Lâm 1.
Tham gia đoàn kiểm tra còn có đại diện công ty sản xuất phân bón, đại lý đã bán phân bón cho ông Định.
Video: Vườn cà phê gia đình ông Nguyễn Văn Định đang chết cành, rụng quả, lá.
Cà phê chết bất thường, yêu cầu đại lý tạm ngưng bán phân bón
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, cuộc kiểm tra được thực hiện sau khi đơn vị nhận phản ánh của ông Định việc vườn cà phê hơn 5,5 ha của ông bị chết cành, rụng quả, vàng lá sau khi bón phân NPK.
“Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp các bên liên quan kiểm tra vườn cà phê, lấy mẫu phân bón mà người dân còn giữ lại để kiểm định, tìm nguyên nhân cụ thể”- đại diện chi cục thông tin.
Theo một nguồn tin khác, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã đề nghị Công ty TNHH HHH tạm ngưng tiêu thụ 150 tấn phân bón NPK đang tồn kho; đồng thời khuyến cáo người dân chưa sử dụng khoảng 50 tấn phân đã mua, để chờ kết quả giám định chất lượng từ cơ quan chức năng.
Ông Trịnh Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm 1, nói UBND xã đang chờ kết quả kiểm định mẫu phân bón từ cơ quan chức năng để có hướng xử lý.

Vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Định tiếp tục rụng lá, rụng quả, chết cành. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Theo ông Nguyễn Văn Định, hơn 5,5 ha cà phê 13 năm tuổi của gia đình ông bị chết cành, rụng lá, rụng trái hàng loạt mấy tuần nay.
Cuối tháng 5, ông Định mua 7,5 tấn phân bón NPK 16-16-8 nhãn hiệu BM tại đại lý phân bón thuốc bảo vệ thực vật HHH ở thôn 8, xã Bảo Lâm 1, về bón thúc cho vườn cà phê để nuôi trái.
“Sau khi bón khoảng hai tuần, tôi vào thăm vườn thì thấy hơn 5,5 ha cà phê của gia đình tôi bỗng có hiện tượng vàng lá, rụng trái; tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, sau hơn một tháng bón phân, cà phê vẫn tiếp tục chết cành, rụng lá, rụng trái hàng loạt"- ông Định phản ánh.
Cũng theo ông Định, vườn cà phê 5,5 ha của gia đình ông thuộc loại đẹp nhất vùng. Khoảng một tháng trước, vườn cà phê này còn vươn cành lá xanh mơn mởn, cành nào cũng chi chít quả non.
Nghi ngờ phân bón có vấn đề, ông Định lưu lại mẫu phân và đề nghị đại lý bán phân bón đến kiểm tra.

Vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Định xơ xác sau hơn một tháng bị chết cành, vàng lá, rụng quả. Ảnh: TRUNG DƯƠNG
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đại diện đơn vị cung cấp phân bón cho rằng cà phê chết cành, vàng lá, rụng quả là do sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp phân bón hỗ trợ cho gia đình ông Định 3 tạ phân bón vi lượng, 800 lít phân bón lá cùng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phun cho vườn cà phê.
Ông Định dùng các loại phân bón, thuốc được hỗ trợ bón, phun cho vườn cà phê. Tuy nhiên, tình trạng cà phê bị chết cành, rụng trái vẫn không thuyên giảm.
Gây thiệt hại lớn
Ghi nhận của PV cho thấy cả vườn cà phê rộng lớn của gia đình ông Định đều ngã màu vàng. Nhiều tầng lá rụng kín gốc, gần như gốc cà phê nào cũng bị chết cành, rụng trái hàng loạt. Ông Định cho biết cà phê được gia đình chọn trồng là giống Thiện Trường.
“Nếu cho rằng vườn cà phê của gia đình tôi bị sâu bệnh gây hại là không thuyết phục. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cà phê, tôi biết rất rõ các loại sâu bệnh gây hại chính đối với cây cà phê là rệp sáp, mọt đục cành, bọ cánh cứng, ve sầu, các bệnh như gỉ sắt, nấm hồng”- ông Định nói.
Theo ông Định, nếu bị sâu bệnh gây hại thì các vườn lân cận chắc chắn cũng bị. Trong khi đó, những vườn cà phê xung quanh vườn của ông Định vẫn bình thường.

Ông Nguyễn Văn Định nghi ngờ phân bón mua ở đại lý là nguyên nhân khiến cà phê chết cành, rụng lá, quả. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
“Năm ngoái hơn 5,5 ha cà phê này, gia đình tôi thu hoạch hơn 30 tấn nhân. Năm nay, ban đầu thấy cà phê xanh tốt, trái nhiều, gia đình tôi hy vọng sẽ có thêm một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, tình trạng này khiến gây thiệt hại quá lớn đối với gia đình tôi”- ông Định buồn bã.
Cơ quan quản lý sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng đã hướng dẫn ông Nguyễn Văn Định áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như cắt bỏ, tiêu hủy cành bị hại, kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cho phép...
Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-phe-o-lam-dong-chet-bat-thuong-sau-khi-bon-phan-post858850.html