Cà phê - REDD: Nông lâm kết hợp

Cà phê - REDD là Dự án (DA) nông lâm kết hợp, nâng cao chất lượng rừng ở Lâm Đồng. DA đã và đang góp phần bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham quan mô hình tại Công ty K’Ho Coffee ngày 21/12/2019

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham quan mô hình tại Công ty K’Ho Coffee ngày 21/12/2019

Mục đích hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện Kế hoạch hành động về REDD+, Tổ chức phát triển SNV Hà Lan đã nhận được tài trợ từ Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (ICI) cho DA Cà phê - REDD thực hiện từ tháng 3/2019 đến tháng 10/2021 tại huyện Lạc Dương, gồm 4 hợp phần (HP). DA nhằm thiết lập và phát triển quan hệ đối tác công-tư-sản xuất (4P) để bảo tồn và phục hồi cảnh quan rừng tại một trong những cảnh quan rừng quan trọng nhất của Lâm Đồng, Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, bao gồm Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà và vùng đệm ở huyện Lạc Dương.

Trao đổi với Ban quản lý DA, chúng tôi được biết, đối với HP1, đã triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự hợp tác công-tư trong chuỗi giá trị cà phê, chuỗi atisô và xây dựng các “Thỏa thuận cộng đồng” về Đồng quản lý và bảo vệ rừng (BVR) tại các thôn mục tiêu của DA. Theo đó, tổ chức tập huấn; tăng cường các thỏa thuận đồng quản lý giữa các chủ rừng thuộc Nhà nước và cộng đồng. Với HP2, đã triển khai 7 hoạt động cải thiện việc giám sát, BVR và hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng cà phê thông qua hoạt động thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Cùng đó, hợp tác với các công ty để cam kết, thiết kế, thí điểm, cho phép doanh nghiệp truy xuất được sản phẩm cà phê từ đâu trong chuỗi cung ứng. Đến nay, biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các hộ dân với các doanh nghiệp, đối tác. DA còn hướng đến xây dựng năng lực cho các công ty chế biến cà phê tư nhân, thương nhân và nhân viên khuyến nông về sản xuất bền vững, phương thức tiếp cận kinh doanh cùng người có thu nhập thấp và hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc bằng việc tập huấn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc Smartlife. Công ty K’Ho Coffee đã được hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc QR Code. Ban quản lý DA cũng cho biết, trong năm 2020, tiếp tục hỗ trợ thiết kế tem QR code, tập huấn và triển khai truy xuất nguồn gốc cho Công ty The Married Beans.

Đối với HP3, các hoạt động đã và đang triển khai có liên quan đến mô hình cà phê-nông lâm kết hợp bền vững, tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ quy mô nhỏ. Theo đó, đã hợp tác với 3 công ty: K’Ho Coffee, The Married Beans và Tám Trình xây dựng các chuỗi liên kết và thu mua cà phê cho nông dân trong vùng cảnh quan DA. Tổ chức tập huấn về thu hoạch cà phê chất lượng cao cho 112 nông dân tại xã Lát và Đạ Sar. Xây dựng 3 chuỗi liên kết cà phê bền vững do Công ty Tám Trình, The Married Beans và K’Ho Coffee triển khai với 75 hộ tại xã Lát, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương tham gia. Với sản phẩm atisô, đây là mô hình sinh kế ngoài lâm nghiệp, DA là cầu nối để triển khai chuỗi giá trị cho các hộ dân tại 3 xã Đạ Nhim, Đạ Sar, xã Lát và Công ty Ladophar.

Ban quản lý DA cũng cho chúng tôi biết, niên vụ 2019-2020, tại Công ty The Married Bean, có 7 hộ tham gia chuỗi liên kết ở xã Đạ Sar. Công ty thu mua cà phê tươi và cà phê thóc của các hộ với giá cao hơn giá thị trường đến 25%. Dự kiến trong năm 2020, Công ty sẽ mở rộng hợp tác với nông dân ở xã Đạ Nhim, nâng tổng số hộ liên kết trong chuỗi cà phê lên 50 hộ.

Về chuỗi liên kết atisô, đến thời điểm này, đã có 50 hộ được DA hỗ trợ với tổng diện tích 5 ha. Dự kiến tháng 4/2020 sẽ có đợt thu hoạch lá đầu tiên. Tại buổi đối thoại do UBND huyện Lạc Dương tổ chức ngày 12/12/2019, theo chị Liêng Jrang K’Sáu ở xã Đạ Sar, trước khi thực hiện DA, thu hoạch 3 sào cà phê được khoảng 15 triệu đồng chưa trừ chi phí, nhưng với diện tích này gia đình chị đã trồng atiso và thu hoạch được từ 80-100 triệu đồng/năm, trong lúc chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng.

Qua thực tế, để đạt được hiệu quả trong chiến lược nâng cao sinh kế của người dân, cùng đó là BVR, ngoài các nhà tài trợ với tư cách là “cú hích ban đầu”, Ban quản lý DA là cầu nối, tính đồng thuận từ 2 phía: hộ nông dân và doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ địa phương huyện, xã và các cơ quan liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. Đây cũng là một trong những nội dung mà HP4 hướng đến.

Với những kết quả đạt được ban đầu, năm 2020 được xem là năm bản lề của DA. Ban quản lý cho biết đã và đang triển khai nhiều nội dung quan trọng. Ví dụ, HP1, một trong những hoạt động quan trọng là tiếp tục củng cố và nâng cao quan hệ hợp tác công-tư-nhà sản xuất thông qua các khóa tập huấn hay đối thoại có đủ các thành phần. Ở HP2, triển khai 5 hoạt động chính, như xây dựng năng lực cho các công ty chế biến cà phê tư nhân, thương nhân và nhân viên khuyến nông về sản xuất bền vững, phương thức tiếp cận kinh doanh cùng người có thu nhập thấp và hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc. Hoàn thiện việc lập bản đồ các trang trại cá nhân với 1.500 hộ nông dân; cung cấp thiết bị và đào tạo để cải thiện quản lý rừng. Với HP3, triển khai 8 hoạt động chính, như cải thiện trang trại và các mô hình sinh kế nông nghiệp ngoài rừng; thành lập 25 tổ hợp tác nông dân ngoài khu vực rừng;... Theo đó, DA hỗ trợ hoàn toàn chi phí cây giống cà phê chè tái canh, các cây xen canh như hồng và mắc ca. Kế hoạch trong mùa mưa này sẽ cung cấp khoảng 560.000 cây giống các loại đến khoảng gần 600 hộ nông dân...

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/ca-phe-redd-nong-lam-ket-hop-2994901/