Cà rốt Hải Dương vươn tầm quốc tế
Vụ cà rốt năm 2021-2022, lần đầu tiên tất cả các vùng chuyên canh cà rốt trên địa bàn Hải Dương đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Khẳng định chất lượng
Sau Tết, cánh đồng cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Khác với những năm trước, vụ này, toàn bộ quy trình trồng cà rốt ở xã Đức Chính đều được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng cà rốt được nâng lên, nhiều đơn hàng xuất khẩu được ký kết với giá bán cao.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính khẳng định: “Hầu hết diện tích trồng cà rốt trên địa bàn xã đều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính”. Theo ông Thuật, chất lượng cà rốt đang dần được nâng cao. Điều này chứng tỏ nông dân đang dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Đức Chính đã nhiều năm gắn bó với cây cà rốt nhưng chưa năm nào quan tâm nhiều đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón như vụ này. Năm nay, ngay từ đầu vụ, chị Hồng được tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo các loại thuốc không được sử dụng trên cây cà rốt. Nhờ vậy, 5 mẫu trồng cà rốt của gia đình chị đều đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Chị bán cà rốt giá hơn 10 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí và tiền thuê nhân công, chị thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV thường xuyên được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá ở tất cả các vùng chuyên canh. Từ đầu vụ, chi cục đã tập huấn cho tất cả chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, nông dân ở các vùng chuyên canh cà rốt trong tỉnh quy trình trồng và chăm sóc cà rốt.
Vụ đông 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha trồng cà rốt, sản lượng ước đạt khoảng 65.000 tấn. Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn trồng gần 2.000 ha cà rốt ở các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình... Năm nay, lần đầu tiên tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các vùng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích gần 281 ha ở trong tỉnh. Các vùng này được hỗ trợ một phần kinh phí thuốc BVTV và tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài các vùng được cấp giấy chứng nhận này, tất cả các vùng trồng cà rốt còn lại trong tỉnh cũng đều áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Vươn đến những thị trường khó tính
Khác với những vụ cà rốt trước, vụ này phần lớn lượng cà rốt xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, một trong những thị trường khó tính và có giá bán cao.
Công ty CP Ameii Việt Nam (có chi nhánh tại huyện Thanh Hà) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả lớn của Việt Nam. Trong đó, cà rốt là một trong những sản phẩm chủ lực và thường được xuất khẩu sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Tuy nhiên, năm nay thị trường xuất khẩu cà rốt chính của công ty là Hàn Quốc. Công ty đã ký với các đối tác của Hàn Quốc sẽ xuất khoảng 5.000 tấn cà rốt trong năm 2022, tăng 3.000 tấn so với năm 2021. Hiện Ameii đang là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà rốt lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc”, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam nói.
Ông Phùng Văn Sắc, quản lý chính tại cơ sở sản xuất Trung Trang, ở thôn Lôi Xá, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho biết: “Thông thường, phải đến giữa tháng 12 âm lịch, các lô cà rốt đầu tiên mới được xuất khẩu thì vụ này đã được đẩy lên sớm khoảng 1 tháng". Tính từ đầu vụ đến nay, cơ sở này đã xuất khẩu hơn 1.000 tấn cà rốt, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước.
Dự kiến, vụ này sẽ có khoảng 80% sản lượng cà rốt của tỉnh được sơ chế bảo quản lạnh và xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, châu Âu, các nước khu vực Trung Đông... Số còn lại là tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu cà rốt đang dần trở thành ngành hàng nông sản chủ lực của cả nước. Đặc biệt, cà rốt của Hải Dương đã được nhận diện thương hiệu và dần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.