Ca sĩ Đức Tuấn đứng, ngồi trên nóc nhà cổ Hội An là hành vi vi phạm pháp luật

Ca sĩ Đức Tuấn đứng, ngồi trên nóc nhà cổ Hội An là hành vi phản cảm và vi phạm pháp luật về Luật di sản văn hóa.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết: “Ca sĩ Đức Tuấn chụp hình trên nóc nhà phố cổ Hội An: 'Đây là hành vi phản cảm!”, Vụ ca sĩ Đức Tuấn chụp hình trên nóc nhà phố cổ Hội An: Xử lý nghiêm để làm gương thông tin về vụ việc ca sĩ Đức Tuấn tung bộ ảnh mình đứng, ngồi trên nóc nhà cổ ở phố cổ Hội An.

Cụ thể, bộ ảnh với tựa đề “Hội An - Phố cổ huyền thoại” được ca sĩ Đức Tuấn đăng trên trang Facebook cá nhân vào chiều 10-7 với hơn 30 tấm. Trong số này, có nhiều tấm ca sĩ Đức Tuấn đang đứng, ngồi trên nóc nhà phố cổ Hội An.

Trước sự việc trên, nhiều bạn đọc bày tỏ sự bất bình, cho rằng đây là hành vi thiếu ý thức, thiếu tôn trọng văn hóa và vi phạm pháp luật.

Thiếu tôn trọng di sản văn hóa của thế giới

Nói về vấn đề trên, bạn đọc Thiên Thanh viết: “Thật đáng buồn khi một người nổi tiếng lại cư xử như vậy! Di sản văn hóa thế giới mà nhận thức kém, thiếu hiểu biết quá. Việc bảo tồn, tôn tạo đã khó, người dân và chính quyền địa phương phải giữ gìn, chăm chút từng ngày nhưng “khách” đến lại leo lên mái nhà đứng, ngồi chụp hình. Các bạn trẻ khi nhìn vào sẽ dễ bị ảnh hưởng, nghĩ là “độc lạ”. Vậy nếu ai cũng bắt chước thì còn gì là tôn nghiêm nữa?”

Chung nỗi bức xúc, bạn đọc Vũ Hưng viết: “Đây là hành động thiếu hiểu biết. Nghệ thuật không thể xúc phạm văn hóa, không thể đứng trên di sản văn hóa chụp hình rồi đăng tải như vậy được. Đề nghị Sở Văn hóa và chính quyền địa phương làm rõ, xử phạt để răn đe các đối tượng khác. Đã rất nhiều vụ chụp hình phản cảm, phá hoại di sản ở Hội An nhưng chỉ nhắc nhở, xử phạt còn chưa nghiêm nên tình trạng tái diễn liên tục”.

Đồng thời, bạn đọc Quốc Bảo cũng bày tỏ: “Nếu du khách nước ngoài nhìn vào những tấm hình này sẽ như thế nào? Ngay cả người dân địa phương còn không giữ gìn di sản văn hóa của đất nước mình thì sao đòi hỏi du khách tôn trọng, gìn giữ được?”.

"Từng viên ngói trên những mái nhà cổ ở phố cổ không chỉ là viên ngói. Nó là chứng tích của thời gian, là DI SẢN. Bạn không phải đứng trên những viên ngói bình thường, mà bạn đang đứng trên di dản. Thật tiếc khi ca sĩ Đức Tuấn, một người luôn cẩn trọng trong từng hành xử lại sơ sảy khi ứng xử với Di sản như vậy", bạn đọc Hoa Biển bày tỏ sự tiếc nuối.

 Ca sĩ Đức Tuấn đứng, ngồi trên nóc nhà cổ Hội An. Ảnh: Duc Tuan - the Divo.

Ca sĩ Đức Tuấn đứng, ngồi trên nóc nhà cổ Hội An. Ảnh: Duc Tuan - the Divo.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV, Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hành vi của ca sĩ Đức Tuấn không những gây phản cảm, bức xúc cho dư luận mà còn vi phạm pháp luật về Luật di sản văn hóa.

Cụ thể, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Mục đích sử dụng di sản văn hóa nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với hành vi trên, tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ xử lý hành chính đối với ca sĩ Đức Tuấn và cả chủ căn nhà nếu cho phép Đức Tuấn trèo lên nóc nhà chụp ảnh theo Luật di sản văn hóa.

Tại khoản 3 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 và Điều 13 Luật di sản văn hóa 2001 quy định nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các một trong các hành vi sau đây:

-Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.

Mức phạt hành chính hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa được quy định tại Điều 20 Nghị định 38/2021, cụ thể:

- Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý với mức phạt tương đương. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa có thể lên đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

Chụp ảnh có thể bị “tuýt còi” nếu không hợp hoàn cảnh

Năm 2019, cư dân mạng dậy sóng vì clip bán khỏa thân trên nhà cổ Hội An của một nữ người mẫu tên TMH. Cụ thể clip dài 15 phút quay hình ảnh người mẫu đứng uốn éo trên ngôi nhà cổ, dùng nón lá che những bộ phận nhạy cảm. Sau đó chủ quán FC – quán cà phê xuất hiện trên clip đã xin nhận trách nhiệm vì để du khách ghi hình phản cảm tại quán, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người dân và chính quyền địa phương.

Tương tự, một cặp đôi vì muốn ghi lại khoảnh khắc hình cưới “có một không hai” nên đã trèo, ngồi, nằm trên các mái nhà cổ Hội An đã nhận về nhiều chỉ trích, đồng thời chính quyền vào cuộc kiểm tra, xác minh.

PV

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-si-duc-tuan-dung-ngoi-tren-noc-nha-co-hoi-an-la-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-post799995.html