Ca sĩ Hà Lê: Âm nhạc Việt hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu quốc gia
Ca sĩ Hà Lê từng là một du học sinh tại Anh với một ngành học không liên quan đến âm nhạc. Nhưng nhạc Trịnh với sức mê hoặc kỳ diệu đã trở thành một 'lối rẽ' bất ngờ, dẫn dắt anh trở thành ca sĩ. Với sự nỗ lực tìm tòi, phong cách trẻ trung, âm nhạc Việt như có thêm một làn gió mới mang đến cho khán giả trong và ngoài nước. Nhân dịp Báo điện tử Tổ Quốc mở chuyên mục 'Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia', phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ca sĩ Hà Lê với những chia sẻ thú vị cùng một niềm tin vào tương lai.
- PV: "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia" có thể coi là nỗi trăn trở nhưng cũng đầy khát vọng của những người làm văn hóa, mong muốn văn hóa nước nhà có vị thế và chỗ đứng trên thế giới. Là một ca sĩ với những nỗ lực tìm tòi làm mới cho nhạc Trịnh Công Sơn được công chúng ghi nhận, anh có suy nghĩ gì về việc "Đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia"?
+ Ca sĩ Hà Lê: Việc đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia Hà Lê nghĩ là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang có những bước phát triển thần tốc về kinh tế. Và khi nền kinh tế phát triển thì đi cùng với nó phải có một nền văn hóa phát triển. Việt Nam ta có một lịch sử lâu đời, có một bề dày về văn hóa và những giá trị truyền thống. Đây chính là nền tảng để văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia, là minh chứng cho sự phát triển về đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Đồng thời, đây là một sự trăn trở và một khát vọng đúng đắn của những người làm văn hóa. Hà Lê cũng hy vọng trong những năm tới đây khát vọng này sẽ được thể hiện bằng nhiều hành động thiết thực hơn nữa !
- PV: Trong hành trình tìm lối đi riêng cho nhạc Trịnh, chắc hẳn anh sẽ gặp phải không ít khó khăn như cách làm mới như thế nào, sự pha trộn những phong cách ra sao, sự tiếp nhận của khán giả không đồng đều… Anh có thể chia sẻ một chút về hành trình này?
+ Ca sĩ Hà Lê: Đúng là có không ít khó khăn, đó là thể hiện cảm xúc và cách kể chuyện của mình trong một tâm thế mới, ở một thời đại mới nhưng vẫn làm nổi bật lên giá trị cốt lõi của tác phẩm. Khi Hà Lê làm mới nhạc Trịnh thì cũng có ý kiến này, ý kiến kia. Hà Lê thích nghĩ rằng mọi người đang chia sẻ quan điểm của cá nhân mình thôi và mọi người hoàn toàn có quyền làm việc đó. Việc của Hà Lê là tiếp nhận và nhìn lại bản thân mình để hoàn thiện.
Hà Lê nghĩ nghệ thuật sáng tạo là vô hạn và nhạc Trịnh thực sự có rất nhiều không gian để cho nghệ sĩ sáng tạo, không phải chỉ ở một mà là nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Và ở thời đại này, chúng ta đang có nhiều phương tiện để làm việc này, để làm giàu hơn cho một thứ văn hóa vốn đã trở thành một nét đặc trưng của người Việt, một thứ âm nhạc thuần Việt. Hà Lê có kĩ năng về nhảy múa, dàn dựng và cả về rap, đồng thời có đam mê với những loại hình nghệ thuật khác nên việc đưa những thứ mình biết vào nhạc Trịnh và làm tốt nhất có thể việc đó sẽ tạo ra phong cách riêng của mình. Tuy nhiên, mọi sự phá cách đều phải dựa trên tiêu chí: Làm nổi bật giá trị cốt lõi của tác phẩm gốc.
- PV: Trong lĩnh vực âm nhạc, để trở thành thương hiệu quốc gia, đến được với công chúng nước ngoài theo anh cần làm gì?
+ Ca sĩ Hà Lê: Hà Lê nghĩ để cho âm nhạc có thể trở thành thương hiệu quốc gia, đến được với công chúng nước ngoài thì trước tiên ta phải xây dựng được một thị trường âm nhạc trong nước phát triển lành mạnh, sáng tạo. Chúng ta bên cạnh việc cập nhật các xu hướng âm nhạc của thế giới thì cũng nên nghiên cứu và tận dụng những chất liệu về văn hóa truyền thống của Việt Nam, đưa chúng vào trong những sáng tạo của mình để làm ra những sản phẩm có dấu mốc riêng của người Việt. Đường đi ra thế giới chắc chắn không hề dễ dàng nhưng với sự hội nhập của chúng ta với dòng chảy của thế giới như hiện tại thì việc đó là hoàn toàn có thể. Nhưng để chúng ta có thể tạo ra ảnh hưởng với thế giới thì nền âm nhạc của chúng ta phải thật ổn định và mạnh mẽ.
- PV: Anh kỳ vọng gì về việc Âm nhạc Việt trở thành thương hiệu quốc gia?
+ Ca sĩ Hà Lê: Hà Lê thực sự tin âm nhạc Việt hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu quốc gia. Trong những năm qua thị trường âm nhạc Việt Nam đã có sự phát triển thần tốc, với một lớp nghệ sĩ mới dồi dào năng lượng sáng tạo và sức trẻ, Hà Lê tin rằng đây là tín hiệu tốt cho âm nhạc Việt Nam.
- PV: Anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm từ các quốc gia khác mà anh đã biết trong việc đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia, được công chúng thế giới ghi nhận?
+ Ca sĩ Hà Lê: Chúng ta có thể kể ngay tới Nhật Bản với rất nhiều giá trị văn hóa của họ đã trở thành thương hiệu và được thế giới đón nhận. Hay như Mỹ với một thứ văn hóa rất trẻ như Hip Hop (xuất hiện năm 1973) nhưng giờ đây đã được toàn cầu hóa và trở thành một nên công nghiệp trị giá nhiều tỉ đô la. Và chắc chắn ta không thể không nhắc tới Hàn Quốc với một hành trình dài để biến Kpop trở thành một thứ giá trị được cả thế giới biết đến. Những năm qua, văn hóa ẩm thực của Việt Nam cũng đã được thế giới nhắc đến rất nhiều và Hà Lê tin rằng những năm tới sẽ là lúc nhiều giá trị văn hóa tiếp theo của Việt Nam sẽ tỏa sáng toàn cầu!
- Cảm ơn ca sĩ Hà Lê!