Ca sĩ Tuấn Hiệp: Tôi đang đi con đường của một nghệ sĩ độc lập

Tuấn Hiệp được mệnh danh là 'lãng tử của những bản tình ca' không chỉ vì dòng nhạc anh theo đuổi, mà khi nghe Tuấn Hiệp hát, ta có thể cảm nhận được chất phiêu lãng, tự do trong tâm hồn anh. Sau 7 năm 'Nam tiến', Tuấn Hiệp đang định hình một con đường riêng, một nghệ sĩ độc lập với cây đàn guitar, hát những bản tình ca đẹp.

- Cuộc ''Nam tiến'' của anh dễ chừng cũng đã 7 năm, ngày đó đang là giọng ca nổi tiếng với chất giọng trầm sâu lắng, bỗng dưng anh quyết định ''Nam tiến'', vì sao vậy?

+ Tuấn Hiệp và gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh từ 2016, cũng hơn 7 năm rồi. Ở tuổi 37, con đường nghệ thuật của tôi cũng nếm trải đủ những cung bậc thăng, trầm, thuận lợi, khó khăn trong nghề cũng như trong cuộc sống, nên việc chuyển vào Nam với tôi không có gì là trở ngại. Trước đây, năm 2003, tôi cũng từng một mình ''Nam tiến'', được một công ty lên kế hoạch lăng xê, mọi thứ đã đâu vào đấy thì tôi có kết quả đỗ hệ đại học Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau mấy ngày đấu tranh tư tưởng, tôi chọn con đường học và quyết định quay trở lại Hà Nội. Từ năm 2008, tôi vẫn thường xuyên vào TP Hồ Chí Minh biểu diễn nên môi trường âm nhạc tại đó không quá khó khăn và lạ lẫm gì. Có lẽ, tôi cũng là một người ưa tự do, sự phóng khoáng của một vùng đất luôn hấp dẫn tôi.

Ca sĩ Tuấn Hiệp với bạn bè.

Ca sĩ Tuấn Hiệp với bạn bè.

- Trải nghiệm sống ở một thành phố sôi động, nhất là về mảng âm nhạc giải trí như TP Hồ Chí Minh mang lại cho anh điều gì? Tuấn Hiệp có nhiều đất để dụng võ không?

+ Ở TP Hồ Chí Minh không thiếu sân chơi cho những người làm âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, quan trọng là người nghệ sĩ phải biết định vị được đối tượng khán giả để phục vụ. Với tôi, dù ở môi trường âm nhạc nào, tôi vẫn chọn con đường phát triển nghề nghiệp của mình là nghệ thuật. Tất nhiên, trong này, showbiz, giải trí luôn được số đông khán giả quan tâm hơn. Nhưng thời gian gần đây, giữa âm nhạc nghệ thuật và giải trí không còn quá nhiều khoảng cách nữa, nó bắt đầu có sự giao thoa với nhau. Các ca sĩ hoạt động trong môi trường showbiz giải trí đã có ý thức hơn về việc trau dồi kỹ thuật thanh nhạc, kiến thức âm nhạc. Vì vậy, những người làm âm nhạc chính quy như tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường âm nhạc trẻ sôi động và năng động, nó giúp tư duy và cách làm âm nhạc của tôi mềm mại và bay bổng hơn

- Anh vẫn chung thủy với con đường của mình, hát những ca khúc nhạc xưa. Nhưng có vẻ như lâu nay anh khá vắng bóng trong đời sống âm nhạc mà chọn con đường lặng lẽ hơn. Có phải anh thấy mình đã lạc thời trong thị trường âm nhạc sôi động hôm nay?

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp biểu diễn trên sân khấu.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp biểu diễn trên sân khấu.

+ Khi một nghệ sĩ đã định vị cho mình được đối tượng người nghe và sân chơi âm nhạc thì công việc dường như đã là mặc định thế, tôi vẫn đủng đỉnh đi show ở nước ngoài, vẫn nhận thu âm để phát hành băng đĩa cho các công ty trong nước và hải ngoại, thi thoảng ra sản phẩm mới để khán giả đỡ quên mặt. Chỉ có điều, cách làm âm nhạc của tôi khác khá nhiều nghệ sĩ, là không muốn phụ thuộc ai, không thỏa hiệp với cách làm việc không thuộc về cảm xúc và sở thích của mình trong âm nhạc. Do vậy, cách làm nghề của tôi xưa nay cũng không phụ thuộc nhiều vào sự ồn ào của truyền thông để đánh bóng tên tuổi của mình.

- Mọi người gọi anh là "lãng tử của những bản tình ca", điều ấy khiến tôi nhớ đến tài tử Ngọc Bảo với chất giọng quyến rũ và tình yêu say đắm với nhạc xưa. Anh hẳn cũng có một mối duyên nào đó với dòng nhạc này khi gần 30 năm qua, anh theo đuổi nó?

+ Chắc có lẽ tôi là số ít ca sĩ trẻ ở miền Bắc chọn nhạc tiền chiến, trữ tình là thể loại âm nhạc mình theo đuổi. Trước đó nhiều khán giả đã quá quen thuộc với một tên tuổi lớn là tài tử Ngọc Bảo. Bản thân tôi cũng mê cách hát tự nhiên với phong thái hào hoa, sang trọng và rất lãng tử của ông. Với âm nhạc tiền chiến và trữ tình, tôi được nghe và ảnh hưởng từ khi còn rất nhỏ, từ những băng catsset, đĩa than mà bố tôi nghe. Tình yêu âm nhạc đã được gieo vào tâm hồn nhạy cảm của chàng trai ngày đó, đặc biệt là thể loại nhạc tiền chiến và trữ tình.

- Nhìn lại chặng đường của mình, có bao giờ anh ân hận rằng, giá như mình chọn dòng nhạc khác, thỏa hiệp với đời sống âm nhạc thì sẽ nổi tiếng hơn, giàu có hơn chăng?

+ Tôi là ca sĩ được đào tạo trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, trưởng thành từ các cuộc thi tiếng hát truyền hình và các hội diễn chuyên nghiệp, cũng từng công tác tại Nhà hát Quân đội và Nhà hát nhạc nhẹ Trung ương. Tôi cũng từng được đề bạt làm Đoàn trưởng Đoàn ca của Nhà hát nhưng tôi đều từ chối, chỉ với lý do đơn giản: mình là nghệ sĩ thì cứ làm tốt chuyên môn của mình, không phù hợp với vai trò làm quản lý trong các cơ quan nhà nước. Tôi luôn tự tin và tự hào về con đường âm nhạc mà mình đã chọn, không bao giờ sốt ruột hay chán nản với nghề. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 không có show, tôi lại học guitar để phát triển sự nghiệp của mình, trở thành một nghệ sĩ độc lập. Và bây giờ, chỉ với một cây guitar, tôi tự tin xuất hiện trong các chương trình âm nhạc chuyên nghiệp bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi khác. Với tôi, muốn thành công phải đủ đam mê và phải trau dồi, học hỏi những gì mình còn khiếm khuyết trong nghề. Khi đã định hình được dòng nhạc mình chọn, định vị được đối tượng khán giả thì dù không nổi tiếng, không giàu có, tôi vẫn vui và hạnh phúc vì đã được làm những điều mình muốn.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp trong chương trình “Đời nghệ sĩ”.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp trong chương trình “Đời nghệ sĩ”.

- Bây giờ đang có trào lưu làm mới nhạc xưa bằng những bản phối mới, những cách hát mới, phá cách và tung tẩy của các nghệ sĩ trẻ. Nhưng cũng có nhiều bài hát làm mới đã mất đi hồn cốt của nó, thậm chí có thể gọi là phá nhạc xưa. Theo anh, giới hạn ở đâu cho sự làm mới, cách tân để giữ được những giá trị của bài hát mà vẫn phả vào đó hơi thở đương đại?

+ Thực ra đa số khán giả Việt Nam rất dễ tính, khi một nghệ sĩ đã thành danh ở thể loại âm nhạc nào đó thì khán giả dễ dàng chấp nhận và đón nhận nghệ sĩ đó hát thể loại âm nhạc là sở đoản của họ. Một phần vì khán giả tò mò, một phần là khi họ đã yêu, đã thần tượng thì họ cũng dễ dàng ''cho qua'' và đón nhận những cái mới của thần tượng. Âm nhạc thường theo trào lưu, thời kỳ làn sóng xanh, chỗ nào cũng có nhạc thời kỳ này vang lên, thời kỳ nhạc Hoa lời Việt cũng vậy, đặc biệt là thời cực thịnh của Bolero ở Việt Nam gần đây. Từ vùng sâu, vùng xa đến nơi phồn hoa đô hội, chỗ nào cũng có Bolero. Do vậy, nhiều khi các ca sĩ đã thành danh ở các thể loại khác cũng hát Bolero. Cứ hát đi, có ai cấm đâu, cần gì phải lấy lý do làm mới Bolero để bao biện cho giọng hát không thuộc về sở trường của mình. Chỉ khi nào ca sĩ Chế Linh, ca sĩ Phương Dung, Trường Vũ, Quang Lê nói rằng sẽ làm mới Bolero bằng cách hòa âm mới, lúc đó mới thực sự là làm mới.

- Đắm chìm trong không gian của hoài niệm, anh có quan tâm đến đời sống âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ hôm nay, với những bản hit, những con số triệu view?

+ Tôi không những quan tâm mà còn phải hòa nhập vào dòng chảy âm nhạc của các bạn trẻ bây giờ, đặc biệt là môi trường âm nhạc sôi động tại TP Hồ Chí Minh. Trong thế giới phẳng và sự lên ngôi của công nghệ, tôi không chạy theo nhưng vẫn lấy đó là phương tiện nhanh để đến với người nghe nhạc. Vì thế tôi thích là nghệ sĩ độc lập với một cây guitar là phương tiện làm nghề.

- Có vẻ như cuộc sống của Hiệp bây giờ không phải là ánh đèn sân khấu lộng lẫy, hay những hào quang, mà trở về với những giá trị chân thật nhất, mộc mạc nhất của xúc cảm và sự chia sẻ. Cuộc sống hiện tại của anh như thế nào?

+ Đây là thời kỳ mà đời sống âm nhạc chỉ với một chiếc smart phone có thể tha hồ lựa chọn những thể loại mình thích, thời kỳ ca sĩ trưởng thành từ gameshow và các phương tiện truyền thông khác như Youtube, TikTok, Facebook… Người nghe nhạc phải biết chọn lọc cho mình kênh giải trí và nghệ sĩ mà mình yêu thích. Theo tôi, lứa tuổi và nền tảng văn hóa sẽ quyết định dòng nhạc và nghệ sĩ mà khán giả thần tượng. Và rõ ràng, hiện nay, đời sống âm nhạc đang mất cân bằng giữa các giá trị, một hệ sinh thái mà chúng ta mới chỉ đề cập trên bề mặt, là những triệu view hay top trending. Tôi vẫn đi hát và tham gia những show phù hợp nhưng bây giờ tôi làm nghề đủng đỉnh hơn, ít truyền thông hơn. Là nghệ sĩ thì ai cũng muốn được nổi tiếng, quan trọng mình biết đủ là đủ. Tôi đang thực hiện dự án âm nhạc cho một công ty phát hành băng đĩa bên Mỹ, họ mời tôi hát cùng nghệ sĩ pianist Nguyễn Công Phương Nam, hiện anh làm việc trong dàn quân nhạc của Đức. Bên cạnh đó, tôi cũng đang thực hiện với nghệ sĩ guitar Vĩnh Tâm một CD nhạc tình với chủ đề: "Đừng hỏi vì sao".

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-tuan-hiep-toi-dang-di-con-duong-cua-mot-nghe-si-doc-lap-i700981/