Ca sĩ Tùng Dương: Càng lên cao sẽ thấy mình càng thấp
Tùng Dương nói, anh đang ở độ chín của cảm xúc và giọng hát, vì thế, nguồn năng lượng trong anh vẫn tràn đầy để khai phá những không gian âm nhạc mới. Đó là sự kết nối nguồn mạch từ quá khứ đến đương đại, để khán giả hôm nay vẫn cảm nhận một Tùng Dương tươi mới trong dòng chảy của âm nhạc đương đại. Kẻ khen, người chê, cho rằng anh đang 'biến màu' hay 'vội vã', còn Tùng Dương vẫn kiên định, làm nghệ thuật là không có giới hạn.
Âm nhạc là không gian để chữa lành
- Cảm giác của một người đứng trên đỉnh cao nhiều năm, anh có thấy mệt mỏi?
+ Thú thực, đến giờ này tôi không thấy có một áp lực nào nữa. Có thể, sau những trải nghiệm, tôi đã có một tâm thế sống nhẹ nhõm, bình an hơn. Như hình ảnh người đàn ông 75 tuổi trong MV của tôi: “Đàn ông không cần khóc”, khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống và bỏ lại cả chiếc micro, vật thân thương nhất với một người ca sĩ thì cũng không cần phải khóc vì mình đã đi trọn con đường ấy rồi.
Ở cõi tạm này, mọi thứ rất phù du, khi mình mất đi, tất cả sẽ trở về cát bụi. Vì thế, hãy sống hết mình cho giây phút hiện tại và thực tế, chẳng có cái đỉnh nào cả. Chúng ta chạm đến cái đỉnh nào đó mà mãn nguyện là chúng ta dừng lại rồi bởi phía trước sẽ còn có nhiều đỉnh núi cao hơn, vời vợi và chông gai hơn mà chúng ta cần vượt qua. Đó là hành trình sáng tạo, không bao giờ dừng lại, bởi càng lên cao ta sẽ thấy mình càng thấp, càng phải khiêm tốn.
- Sự xuất hiện của anh luôn độc đáo và khác biệt. Lần này, Tùng Dương sẽ mang đến cho khán giả điều gì?
+ Tôi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, “chín” mà chưa “nẫu” nên phải làm thôi. Năm 2024 có lẽ là một năm đầy dấu ấn của Tùng Dương khi tôi kết hợp với nhạc sĩ Tú Dưa ra mắt ca khúc “Cánh chim phượng hoàng” tôn vinh những người phụ nữ và bất ngờ tạo nên con số kỷ lục cán đích triệu view. Mới đây, tôi ra mắt MV tôn vinh phái mạnh với ca khúc “Đàn ông không cần khóc” - khi kết hợp với nhạc sĩ trẻ Antoine Lai và cũng nhanh chóng cán đích triệu view.
Ngày 16/11, tôi sẽ phát hành album mới “Multiverse” (Đa vũ trụ), bản vật lý và các nền tảng nhạc số. Sau đó là liveshow “Người đàn ông hát” diễn ra ngày 23/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia khép lại một năm chăm chỉ Tùng Dương. Cuộc sống vẫn luôn đầy bất an và những năm qua con người luôn phải đối mặt với thiên tai, bệnh dịch... Concert lần này của tôi mang nhiều ý nghĩa, hướng ra cộng đồng, đó là sự sẻ chia, yêu thương, giúp chúng ta tạm quên đi một năm đau thương để hướng tới những điều đẹp đẽ phía trước. Âm nhạc sẽ là không gian để chữa lành.
Đi từ cái tôi độc đạo đến cái ta sẻ chia
- Từ khi nào không gian âm nhạc của Tùng Dương chuyển đổi từ cái tôi cá tính, độc đạo đến cái ta sẻ chia, hướng tới cộng đồng như vậy?
+ Sau nhiều năm ca hát, tôi đã trầm tĩnh, chín chắn hơn, không còn một Tùng Dương thuở tóc lòe xòe hát, trưng trổ cái tôi, không còn một Tùng Dương theo đuổi những điều cao siêu, vĩ đại như “Những ô cửa lập phương”, “Độc đạo”, “Li ti”... Sau những biến động, thăng trầm không chỉ của mình mà của cả những người xung quanh, tôi hiểu cuộc sống sẽ có những lúc thăng trầm, trồi sụt và tôi đi tìm những tư tưởng, triết lý âm nhạc phù hợp với mình ở thời điểm này.
Đó là quay trở về bên trong soi chiếu chính mình, những giá trị mình tìm kiếm bấy lâu hóa ra nó ở bên trong mình, giản dị và chân thành. Hát, với tôi bây giờ là sự chia sẻ. Âm nhạc của tôi bây giờ đã qua thời tôn vinh bản thân mình mà hướng tới tôn vinh mọi người, lan tỏa những giá trị của họ qua âm nhạc như anh Quốc Tuấn và hành trình yêu thương của anh với con trai Bôm, Tino là một người chuyển giới, hay những người phụ nữ - biểu tượng của sắc đẹp trong “Cánh chim phượng hoàng”... Đó là không gian âm nhạc tôi muốn hướng tới.
- Nhưng, trong sáng tạo, cái tôi luôn được tôn vinh và thể hiện cá tính của người nghệ sĩ. Anh có nghĩ là mình đang thỏa hiệp để đại chúng hơn chăng?
+ Đi một mình cô độc và vị kỷ, mình tự giam mình lại trong đó, vỗ ngực là số 1 và không ai chạm đến đền đài của mình, đó là bi kịch của người nghệ sĩ. Muốn đi đường dài phải có những người bạn đồng hành, họ giúp tôi thoát ra khỏi cái bóng của chính mình. Những dự án trước đây tôi nghĩ nó vẫn mang tính vị kỷ, chỉ làm sướng mình thôi, chỉ muốn trưng trổ, thể hiện với mọi người cái tôi của mình. Để nhận ra điều này là một hành trình dài. Ai đó nói tôi thỏa hiệp cũng không sao cả, bởi vì tôi vẫn cần sự đồng hành chia sẻ của mọi người, còn nếu không, tôi tự sướng nhốt mình và hát cho mình nghe thôi, sẽ chẳng ai nghe tôi hát nữa.
Âm nhạc của tôi đi từ cái tôi đến cái ta, vẫn là tinh thần tôn vinh bản thế, nhìn vào bên trong để mình hướng ra bên ngoài, để lớn lên. Tôi vẫn xuyên suốt con đường độc đạo của mình nhưng con đường đó thênh thang hơn nếu chúng ta biết mở rộng, khai phá những vùng đất mới.
- Biên độ khán giả của Tùng Dương đang được mở rộng cho thấy tham vọng của anh không dừng lại khi Tùng Dương vừa muốn đại chúng nhưng vẫn giữ được tinh hoa. Tuy nhiên, ranh giới này mong manh lắm, anh có sợ mình “biến chất”?
+ Làm sao tôi có thể đại chúng để tổ chức show ở những sân vận động 30.000 khán giả thì cũng đáng để “đại chúng” lắm chứ. Khán giả khó tính vẫn chờ đợi sự sáng tạo của tôi và càng ngày, biên độ khán giả càng mở rộng hơn. Đó là khát vọng của người nghệ sĩ. Âm nhạc của tôi vẫn luôn có những giá trị mà mọi người tìm kiếm, đó là sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, vẫn có tinh thần của lòng biết ơn từ hậu thế, lưu giữ những giá trị của các thế hệ nhạc sĩ gạo cội, mang đến tinh hoa cho âm nhạc Việt cho tới dòng âm nhạc mà tôi hiện diện là mình nhất. Nó vẫn đầy đủ chân dung của Tùng Dương như thế chứ không mất đi.
Và, thêm một phần nữa là tôi hát những bài hát mới của các bạn trẻ như “Ngày chưa dông bão”, “Ai chung tình được mãi”, đi đâu cũng được yêu cầu hát bên cạnh “Ôi quê tôi”, “Độc đạo”. Năm nay, biết đâu trong concert sẽ có một bài hát tôi cover và trở thành bản hit. Âm nhạc của tôi luôn có những giá trị của quá khứ và hiện tại song hành. Tôi vui nhất là những bạn trẻ thích Tùng Dương qua những bài hát về quê hương đất nước và thêm yêu đất nước, giá trị lớn nhất nằm ở đó. Những bài hát ca ngợi quê hương mà virial (lan tỏa) được nó còn giá trị hơn, nhất là trong thời điểm nhiều giá trị đang thay đổi. Tôi muốn bằng âm nhạc mang đến những năng lượng tích cực cho mọi người. Đó là sự chuyển mình và tìm kiếm chính mình để thấy mình còn tươi mới với thời đại, nếu không mình bị tụt hậu và không thích ứng được với giới trẻ.
- Khó nhất của nghệ sĩ là mang tới sự mới mẻ, làm thế nào để anh có sự mới mẻ mỗi ngày?
+ Đừng nghĩ mọi thứ quá áp lực mà hãy tận hưởng, làm việc hết mình, đầu óc thoải mái với sự tự do và sáng tạo. Bởi, nếu áp lực chúng ta sẽ tự trói buộc mình. Lần này làm liveshow “Người đàn ông hát” có nhiều khó khăn nhưng tôi không thấy áp lực, tôi làm với một tâm thế cho đi. Cuộc đời quá nhiều người bất hạnh và nỗi bất hạnh có thể xảy ra với bất cứ ai, nên phải sống tích cực nhất để khơi ra những phần đẹp trong mỗi người. Mỗi bài hát đều có sự sẻ chia, thức tỉnh trong đó.
Tôi bị ám ảnh mãi hình ảnh anh trưởng thôn làng Nủ gặm chiếc bánh mỳ còn nguyên túi nilon, anh ăn trong vô thức vì nỗi đau mất cả gia đình quá lớn nhưng anh vẫn phải tiếp tục sống chứ không buông xuôi theo dòng nước hay tìm đến cái chết... Tôi thấy rằng, nỗi đau con người phải trải qua rất khủng khiếp, vì thế những dự án âm nhạc của mình sẽ mang tinh thần chia sẻ chứ không chỉ giải trí đơn thuần.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!