'Cả thế giới chúng ta đang trở nên nghiện nhựa...'
'Tôi cho rằng cả thế giới chúng ta đang trở nên nghiện nhựa, một cách vô tình' - theo bà Clemence Schmid, Giám đốc Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu (GPAP).
Bà Clemence Schmid là Giám đốc Đối tác Hành động Nhựa Toàn cầu (GPAP), sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm chống lại ô nhiễm nhựa, một bên tham gia phiên đàm phán của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) về vấn đề ô nhiễm nhựa.
Trả lời Đài phát thanh Davos về những diễn biến tại các cuộc đàm phán ở Busan, Hàn Quốc, bà Clemence Schmid chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng toàn thể xã hội chúng ta đã trở nên nghiện nhựa, có thể là vô tình.”
![Bà Clemence Schmid](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_590_51435584/b8d5309f0bd1e28fbbc0.jpg)
Bà Clemence Schmid
Quan hệ đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa chào đón 7 thành viên mới - Angola, Bangladesh, Gabon, Guatemala, Kenya, Senegal và Tanzania.
Như vậy, đến nay, GPAP đã mở rộng ở tổng cộng 25 quốc gia trên thế giới. Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. Qua đó, đưa GPAP trở thành sáng kiến toàn cầu lớn nhất dành riêng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm nhựa và thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn trên toàn thế giới.
GPAP tiếp tục thúc đẩy các giải pháp mang tính hệ thống cho những thách thức chính như thúc đẩy vật liệu bền vững, tăng cường hệ thống tái chế, giải quyết khí thải nhà kính,...
Sau khi phiên đàm phán thứ 5 (INC-5) kết thúc ở Busan (Hàn Quốc) trong bế tắc, bà Schmid cho biết bà vẫn chưa từ bỏ triển vọng của một thỏa thuận cuối cùng về nhựa.
Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng 460 triệu tấn rác thải nhựa, khoảng một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần.
“Hãy nghĩ đến cốc nước mà bạn dùng từ máy bán nước chỉ để uống một ngụm nước và sau đó bị vứt bỏ. Đó là một sự lãng phí”, bà Clemence Schmid nói.
Điều đáng nói, hiện nay mới chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, trong khi phần lớn bị thải bỏ ra môi trường, tiểm ẩn nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.
“Hiện nay có khoảng 6 triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương. Trong khi đó, tỷ lệ nhựa bị thải bỏ ở đất liền thậm chí còn gấp đôi”, bà Clemence Schmid nhấn mạnh.
![Công nhân mang và sắp xếp các chai nhựa ở làng Dongxiaokou ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_590_51435584/e93b64715f3fb661ef2e.jpg)
Công nhân mang và sắp xếp các chai nhựa ở làng Dongxiaokou ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images
Để giải quyết vấn đề về nhựa, từ năm 2022, Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đã thông qua một nghị quyết nhằm tạo ra một văn bản quốc tế để chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, một điều được cho là sẽ xảy ra trong hai năm. Ủy ban đã thành lập một ủy ban đàm phán quốc tế (INC) họp 6 tháng một lần - và INC-5 tại Busan lẽ ra phải là vòng đàm phán cuối cùng.
Tuy nhiên, sau một tuần đàm phán, các nhà đàm phán đã không giải quyết được những bất đồng về việc liệu một thỏa thuận có nên là cam kết hạn chế sản xuất và loại bỏ dần các hóa chất độc hại hay chỉ tập trung vào việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu mặc dù là hai vấn đề riêng biệt nhưng cần phải được giải quyết đồng thời. Tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đang ngày càng trầm trọng cũng góp phần thúc đẩy tốc độ của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Còn theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), “bệnh nghiện” nhựa, đặc biệt nhựa dùng một lần, trên toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng gia tăng đối với nhiên liệu hóa thạch bởi có khoảng 99% nhựa sử dụng ngày nay có nguồn gốc từ dầu, khí đốt hoặc than đá.
Về mặt lý thuyết, hầu hết các vật liệu nhựa có thể được tái chế, nhưng thực tế lại khác. Trong số tất cả rác thải nhựa mà chúng ta tạo ra trên toàn cầu, các nhà khoa học ước tính rằng chưa đến 10% được tái chế. Khoảng 79% chất thải nhựa kết thúc tại các bãi chôn lấp hoặc tự nhiên và khoảng 12% được đốt.
Những nguyên nhân hàng đầu khiến nhựa khó thể tái chế bao gồm: ô nhiễm chất thải nhựa (ví dụ: nhãn mác hoặc thức ăn thừa), các chất phụ gia hóa học độc hại có trong một số loại nhựa (ví dụ: chất chống cháy), thiếu động lực kinh tế và lợi nhuận, có nhiều rào cản đối với việc tái chế hiệu quả… Do vậy, phần lớn hoạt động tái chế ngày nay chỉ đơn thuần là trì hoãn việc xử lý cuối cùng tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chứ không thực chất là ngăn chặn rác thải nhựa.
Theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, chìa khóa để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa là phải thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn. Nhựa không thể bị loại bỏ khỏi hệ thống mà cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy đúng cách. Điều này đòi hỏi các quốc gia đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thu gom và tái chế.