Cả thôn rủ nhau 'đồng phục' thùng đựng rác, bảo vệ môi trường

Đầu tiên chỉ một vài hộ dân ủng hộ, sau đó cả xóm họp bàn với nhau, làm sao thi đua để ngõ xóm sạch đẹp. Sau đó, nhiều người thấy hay, thấy đẹp nên cả thôn đều đồng tình ủng hộ và mua thùng rác có nắp đậy đặt tại các trục đường. Đây là việc làm ý nghĩa để bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội).

 Hội viên, phụ nữ xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội), chung tay mua thùng đựng rác, bảo vệ môi trường

Hội viên, phụ nữ xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội), chung tay mua thùng đựng rác, bảo vệ môi trường

Nhận thấy nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt hằng ngày tăng cao, đầu năm 2020, Hội LHPN xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) đã kêu gọi, vận động hội viên, người dân thực hiện xã hội hóa mua thùng đựng rác có nắp đậy, được chị em hội viên phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng. Đến nay, toàn xã đã có hơn 1.800 thùng rác gia đình và trên 200 thùng rác tại các ngõ, xóm, giúp các hộ phân loại rác thải, giữ cảnh quan sạch đẹp, đồng thời cũng giúp công nhân vệ sinh môi trường thu gom một cách dễ dàng…

Chung tay mua thùng đựng rác

Về thôn Bằng Sở (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) hôm nay thấy rõ sự thay đổi của một vùng quê. Hai hàng hoa tím chạy dọc theo con đường dẫn vào thôn đua nhau khoe sắc. Những tuyến đường trong thôn phong quang, sạch đẹp. Đáng chú ý là những thùng rác màu xanh bằng nhựa có nắp đậy sạch sẽ được đặt ngay ngắn ở ven đường, dọc theo những con ngõ chạy dài. Trong thôn không còn tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi ra đường như trước.

Đó chính là kết quả sau hơn một năm Chi hội Phụ nữ thôn vận động người dân trong thôn nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp, kêu gọi 3, 4 nhà mua chung một thùng rác lớn đặt ở ngõ. Chị Phạm Thị Khuyên, Chi hội trưởng thôn Bằng Sở cho biết: “Chi hội đã vận động hội viên và người dân tự nguyện mua hơn 100 thùng rác. Mỗi thùng rác cao khoảng 1,2m, có nắp đậy chắc chắn, giá hơn 1 triệu đồng. Khi mới triển khai thùng rác chung, nhiều người còn chưa quen, ngại đi, tiện đâu đổ đó.

Ban Chấp hành chi hội đã kiên trì đến từng hộ tuyên truyền, vận động bỏ rác đúng nơi quy định, tạo thói quen phân loại rác ngay tại gia đình. Nếu như trước đây, rác được cho vào túi nilon treo ngoài cổng hay đựng trong bao dứa, các thùng xốp… gây mất vệ sinh và mỹ quan thì nay rác đã được phân loại, để vào thùng rác to có nắp đậy cẩn thận. Việc này đã khắc phục được tình trạng ruồi, muỗi, động vật cắn phá làm rác rơi vãi ra đường”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Sở Phạm Thị Ly Na cho biết: Trước đây, vệ sinh môi trường trong hộ gia đình, khu vực công cộng trên địa bàn xã có thời điểm không sạch sẽ, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.

Từ năm 2015, Hội đã vận động hội viên trồng đường hoa; phân loại rác thải ngay đầu nguồn gia đình; duy trì dọn, thu gom rác thải ở các khu dân cư hằng ngày; đặt thùng rác có nắp đậy chung hoặc tại gia đình, các ngõ xóm; lồng ghép nội dung tuyên truyền với thực hiện công tác vệ sinh môi trường vào sinh hoạt, có tài liệu, hình ảnh, câu chuyện minh họa để hội viên hiểu tác động xấu của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng, cùng với đó đăng ký với chi ủy thực hiện tốt phong trào, cuộc vận động bằng phần việc cụ thể, để hội viên chung sức thực hiện”.

Đi dọc những trục đường thôn Đại Lộ không khó để bắt gặp một dãy thùng rác được đặt ngay ngắn phía trước cửa nhà người dân. Thùng được làm bằng nhựa tổng hợp chắc chắn, có nắp đậy, dung tích khoảng 45 lít, bên ngoài dán chữ “Chung tay bảo vệ môi trường” hay “Thùng rác gia đình, xin đừng lấy trộm”….

Người dân bỏ rác vào thùng tại các ngõ, xóm, góp phần giữ môi trường cảnh quan sạch đẹp

Người dân bỏ rác vào thùng tại các ngõ, xóm, góp phần giữ môi trường cảnh quan sạch đẹp

Được biết, những thùng đựng rác này cũng được mỗi gia đình tự bỏ tiền ra mua, qua sự tuyên truyền vận động của hội phụ nữ xã, thôn. Không những vậy, người dân còn lắp camera giám sát xem ai vứt rác bừa bãi, để kịp thời nhắc nhở. Chị Đỗ Thị Hiền (xóm Thượng, thôn Đại Lộ) chia sẻ: “Từ khi có camera giám sát, nếu thấy gia đình nào còn để rác ở ngoài hoặc không mua thùng đựng mà lại bỏ rác vào thùng của nhà người khác thì sẽ nhắc nhở và đề nghị bỏ vào thùng đúng quy định. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, ý thức của người dân dần thay đổi, trong thôn không còn tình trạng rác để bừa bãi. Thấy được hiệu quả tích cực, nhiều hộ đã tự bỏ tiền mua thêm thùng rác đặt tại khu vực nhà mình”.

Lan tỏa từ gia đình ra xã hội

Tuy nhiên, việc làm này không phải ai cũng ủng hộ. Hồi mới đầu khi đặt thùng rác có nắp đậy tại khu vực riêng của các hộ gia đình, thùng rác bị lấy trộm thường xuyên. Sau khi xóa những điểm rác, các Chi hội có sáng kiến trồng cây, trồng hoa làm sạch đẹp chân rác. Nhiều gia đình còn không có chỗ để rác như cũ, cảm thấy bực mình. Nhưng không vì thế các chị nản lòng, cán bộ, hội viên lại tiếp tục kiên trì vận động, tuyên truyền biểu dương những hộ dân tham gia tích cực. Khi người dân hiểu họ ủng hộ…”.

Đến nay đã có hơn 1.800 thùng rác gia đình và trên 200 thùng rác tại các ngõ, xóm.

“Đầu tiên chỉ một vài hộ dân ủng hộ, sau đó cả xóm họp bàn với nhau, làm sao thi đua để ngõ xóm sạch đẹp. Sau đó, nhiều người thấy hay, thấy đẹp nên là cả thôn đều đồng tình ủng hộ và mua thùng rác có nắp đậy đặt tại các trục đường”, chị Phạm Thị Khuyên - Chi hội trưởng thôn Bằng Sở cho biết thêm.

Từ ngày có thùng rác có nắp đậy, đường làng ngõ xóm vừa bảo đảm vệ sinh, không bị mùi bốc khó chịu, người dân đi qua ai cũng thấy gọn gàng đẹp mắt. Cửa nhà nhiều hộ dân sạch sẽ, ngăn nắp hơn hẳn.

Mô hình này đang được nhân rộng ra những địa phương khác, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững

Mô hình này đang được nhân rộng ra những địa phương khác, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ xã chỉ đạo các chi hội duy trì tổng vệ sinh vào ngày cuối tuần, nâng cao chất lượng các đoạn đường phụ nữ tự quản "Xanh – Sạch - Đẹp - Nở hoa”, toàn xã đã có 12 điểm để rác thải được chị em vệ sinh sạch sẽ và biến thành điểm trồng hoa rất đẹp. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình hoạt động, như: câu lạc bộ bảo vệ môi trường, đoạn đường phụ nữ tự quản; hạn chế sử dụng túi nilon, đi chợ dùng làn nhựa...

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Sở Nguyễn Thị Liễu chia sẻ: “Hiện các hộ không chỉ biết phân loại rác và để đúng nơi quy định mà hằng ngày còn tích cực quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khu vực quanh nhà. Những gia đình để rác vãi ra đường thì ngay lập tức phải thu dọn và quét sạch. Tôi nghĩ rằng, muốn làm tốt công tác môi trường thì mỗi hội viên phải làm tốt ngay từ trong gia đình mình”.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín Nguyễn Thị Thanh Nhàn: “Hội LHPN xã Ninh Sở đã có sáng tạo trong việc triển khai mô hình bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần dấy lên phong trào cho các xã khác cùng chung tay thực hiện cải tạo môi trường cảnh quan tại địa bàn. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để xã nào cũng lắp đặt thùng rác trong năm 2021”.

Với cách làm trên, Hội LHPN xã Ninh Sở đã được tổ chức hội cấp trên, cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận đánh giá cao, từng bước nâng cao ý thức, nhận thức hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời tạo dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở xã Ninh Sở, được người dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng.

“Mô hình này đang được nhân rộng ra những địa phương khác. Chúng tôi có ý định sẽ lắp biển tại con đường hoa chỗ các bãi rác cũ để mỗi người dân đi qua, ai cũng có thể nhặt cỏ, nhặt rác, cùng làm sạch đường làng, ngõ xóm, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững”, Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Sở Phạm Thị Ly Na nhấn mạnh.

N.A

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ca-thon-ru-nhau-dong-phuc-thung-dung-rac-bao-ve-moi-truong-20201019182656508.htm