Ca tử vong do COVID-19 tại khu ổ chuột hơn 1 triệu dân gióng hồi chuông 'báo động đỏ' cho tình hình ở Ấn Độ

Giới y khoa nói rằng tình hình sẽ vượt qua tầm kiểm soát nếu dịch COVID-19 lan nhanh trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ, nơi có điều kiện vệ sinh kém và hầu như không có nước máy.

Khu ổ chuột hơn 1 triệu dân

Sau khi một trong những khu ổ chuột lớn nhất tại Châu Á vừa xác nhận 1 ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới, các bác sỹ hàng đầu tại Ấn Độ cảnh báo rằng đất nước đông dân thứ 2 thế giới cần phải chuẩn bị đối phó với tỉ lệ tử vong trên diện rộng, vượt xa con số thương vong mà châu Âu và nước Mỹ đang trải qua.

Ca tử vong vào ngày 1/4 vừa qua là 1 người đàn ông 56 tuổi sinh sống tại khu ổ chuột Dharavi, thuộc "thủ đô kinh tế" Mumbai của Ấn Độ. Theo tiết lộ của 1 quan chức Mumbai có tên Kira Dighavkar, nam bệnh nhân không có tiền sử đi du lịch, dương tính với virus corona và đã tử vong vài giờ sau khi được chuyển tới 1 bệnh viện địa phương.

Rất nhiều thành viên trong gia đình bệnh nhân đã được xét nghiệm và cách ly tại nhà. Khu vực bệnh nhân sinh sống gồm 300 ngôi nhà và 90 cửa hàng đã bị phong tỏa để đề phòng sự lây lan dịch bệnh. Một ngày sau, một người lao công ở Drahavi cũng được phát hiện dương tính với virus corona.

Là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người, khu ổ chuột Dharavi có mật độ dân số cao gấp gần 30 lần so với New York.

Giới y khoa nói rằng tình hình sẽ vượt qua tầm kiểm soát nếu dịch COVID-19 lan nhanh trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ, nơi có điều kiện vệ sinh kém và hầu như không có nước máy. Hàng nghìn người sống trong điều kiện chật chội và nghèo khổ khiến cho việc cách ly xã hội không thể thực hiện được.

Trường hợp nói trên là ca tử vong thứ hai liên quan tới virus corona xảy ra tại khu ổ chuột Mumbai kể từ khi dịch bệnh khởi phát tại Ấn Độ. Ca đầu tiên tử vong là 1 người đàn ông 63 tuổi, được xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 31/3 và qua đời trong buổi tối cùng ngày.

Bác sỹ Naresh Trehan, giám đốc điều hành bệnh viện Medicity tại Gurugram, gần thủ đô New Delhi nói rằng điều quan trọng là quan chức cần biết dịch COVID-19 đã lây lan trong một khu ổ chuột hay chưa.

"Một khi chúng tôi biết có bệnh dịch đang diễn ra, chúng tôi sẽ cung cấp thực phẩm cho người dân và cách ly khu dân cư đó trong 2 tuần. Chúng tôi cần nắm được tình trạng của mỗi bệnh nhân. Những người nhiễm bệnh nhẹ thì sẽ cách ly ở nhà và kiểm soát sự di chuyển của người dân"

Ấn Độ đã ghi nhận hơn 230 ca nhiễm bệnh vào ngày 3/4, nâng số ca nhiễm bệnh COVID-19 của cả nước lên 2547 trường hợp và 62 người tử vong.

Ấn Độ cần phải chuẩn bị tinh thần đối phó với sự lây nhiễm trên diện rộng trong cộng đồng. Do vậy, thủ tướng Narendra Modi tuần trước đã ban bố quyết định phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày.

"Chúng tôi đã thấy các bằng chứng cho sự lây nhiễm trong cộng đồng nhưng chưa biết quy mô lây lan này như thế nào. Mối lo của tôi là cho dù có chuẩn bị kĩ lưỡng thế nào thì khi dịch bệnh bùng phát, thì chúng tôi cũng không thể có đủ số giường bệnh, máy thở và các thiết bị bảo hộ cá nhân phục vụ cho công tác chữa bệnh," ông Trehan nói.

Rút ra những bài học quý báu từ cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Châu Âu và Mỹ

Các bác sỹ hàng đầu của Ấn Độ đang theo dõi sát sao sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Mỹ và Châu Âu, những khu vực có hệ thống y tế đang quá tải và nhân viên y tế đang vật lộn hàng giờ với hàng nghìn bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn về thiết bị bảo hộ y tế.

"Virus corona đang đánh bại mọi dự đoán. Bạn có thể tưởng tượng số bệnh nhân ở độ tuổi 20 tử vong tại bệnh viện của Mỹ một ngày không?" - bác sỹ Arvind Kumar, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật ngực tại Bệnh viện Sir Ganga Ram ở thủ đô New Delhi, nói.

Mật độ dân cư cao là vấn đề lớn của Ấn Độ trong đại dịch. Ảnh: Getty

Mật độ dân cư cao là vấn đề lớn của Ấn Độ trong đại dịch. Ảnh: Getty

Ông Kumar cũng cho rằng quyết định của chính phủ phong tỏa toàn bộ 1,3 tỉ dân trong 3 tuần là cơ hội tốt nhất để nước này có thể nhận diện được các điểm nóng nhiễm dịch và là khoảng thời gian quý báu để đặt mua và sản xuất thêm máy thở và thiết bị bảo hộ y tế.

"Bệnh viện của chúng tôi chỉ trong hai tuần vừa qua đã trang bị thêm nhiều thiết bị bảo hộ hơn trước. Đây là 1 thách thức lớn khi cả nước đang tăng cường sản xuất các thiết bị y tế và nhanh chóng phân phối cho các bệnh viện"

Các bác sỹ hi vọng lệnh phong tỏa sẽ giảm thời gian đất nước đông dân thứ 2 thế giới đạt đỉnh dịch và các bệnh viên có thời gian chuẩn bị tiếp nhận số lượng lớn ca bệnh mới.

Bác sỹ Om Shrivastav, Giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Kasturba ở Mumbai cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của ông là Ấn Độ chỉ mới bắt tay chuẩn bị cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Theo ông Shrivastav, đất nước mình vẫn còn vài tuần nữa trước khi đạt tới đỉnh dịch.

"Mỗi một quốc gia đều có quá trình đạt đỉnh dịch khác nhau nên tôi biết chúng tôi còn phải chuẩn bị thêm từ khoảng 4-8 tuần nữa".

Bác sỹ Trehan cũng đã phần nào rút ra được nhiều bài học khi bệnh viện của ông phải điều trị bệnh 14 khách du lịch Italy xét nghiệm virus corona dương tính đầu tháng này. Nhờ vậy ông đã thu được rất nhiều dữ liệu về phương pháp điều trị và triệu chứng phát bệnh làm thông tin tham khảo cho giới y khoa trong nước. Tin vui là tất cả các bệnh nhân này đều đã xét nghiệm âm tính và hầu hết đã xuất viện.

Khoang vùng được các ổ dịch

Với lệnh phong tỏa toàn quốc, ông Trehan nói rằng bây giờ chính phủ nên tiến hành xét nghiệm người dân trên diện rộng.

"Làm như vậy chúng ta mới thu được các mẫu bệnh phẩm để xác định mức độ lây lan của dịch bệnh. Nếu chúng tôi không biết ổ dịch ở đâu, thì cũng không biết cách dập tắt nguồn dịch. Do Ấn Độ là 1 đất nước rất rộng lớn và dân số đông, chúng ta sẽ không thể kiểm soát tình hình"

Ấn Độ đang hứng chịu những chỉ trích do tỉ lệ xét nghiệm virus corona chủng mới quá thấp. Theo Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, tỉ lệ này hiện tại là 38%. Tính đến ngày 3/4, cả nước chỉ mới tiến hành xét nghiệm tổng cộng 66.000 người.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Một phần nguyên nhân là do sự thiếu hụt trầm trọng cả bộ xét nghiệm và các thiết bị bảo hộ cho cả nhân viên y tế và người dân. Theo bộ Y tế Ấn Độ, ngoài 126 phòng thí nghiệm trực thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, 51 phòng thí nghiệm tư nhân đang được phép tiến hành xét nghiệm COVID-19. Tuy vậy, không ai biết chính xác các phòng thí nghiệm có hoạt động hết không.

Ông Kumar nói rằng đất nước cần thực hiện 5 bước sau để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng: cách ly cộng đồng, tiến hành xét nghiệm, nâng cấp các cơ sở y tế, tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế và chăm lo cuộc sống cho người dân để vượt qua đại dịch.

Ông Kumar cũng đề xuất tăng cường các chiến dịch giáo dục cộng đồng để người dân hiểu được nguyên nhân lệnh phong tỏa và cách thức tuân thủ quy định này.

Ngày 2/4 vừa qua, thủ tướng Modi đã tổ chức 1 cuộc họp trực tuyến với nhiều người đứng đầu các bang để thảo luận về phương pháp chống dịch. Ông Modi nhấn mạnh mục tiêu Ấn Độ trong các tuần tới đây là giảm thiểu thiệt hại về người và hướng dẫn các bang tập trung vào việc xét nghiệm, truy tìm lịch trình di chuyển của người bệnh và cách ly người bệnh.

Hiểm họa từ dòng người di cư về quê ồ ạt

Nỗ lực của chính phủ Ấn Độ có thể bị xóa sạch với việc hàng chục nghìn người lao động di cư đang di chuyển từ các thành phố lớn về quê sau lệnh phong tỏa. Do không có đồ ăn, chỗ ngủ và tiền bạc, hàng chục nghìn người lao động nghèo này đang đi bộ về nhà.

Ngày 29/3, thủ tướng Modi khuyến khích các bang phong tỏa đường giao thông để dịch bệnh không thâm nhập vào vùng nông thôn. Giới y khoa Ấn Độ lo ngại rằng tình huống này có thể biến thành khủng hoảng nhân đạo nếu chính phủ không quan tâm những người di cư này.

Bác sỹ Rajesh Parikh, Giám đốc nghiên cứu y tế và thần kinh học tại Trung tâm nghiên cứu Jaslok ở thành phố Mumbai, nói: "Đây thực sự thời khắc đen tối. Những người lao động di cư này là những người đã tự tay xây dựng những ngôi nhà, nhà máy và đất nước và hiện giờ chúng ta đang bỏ rơi họ".

Mối lo lớn nhất của chính phủ là khi người di cư quay trở lại quê hương và với cơ sở y tế hạn chế tại các vùng nông thôn, khi dịch bệnh xảy ra thì các khu vực này sẽ không thể đủ nguồn lực để khống chế dịch.

"Nếu kịch bản nghiêm trọng này xảy ra, thì nó sẽ xóa tan mọi lợi ích của lệnh phong tỏa...Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này sớm thông qua việc cung cấp phương tiện và chỗ cách ly cho người di cư. Đây là biện pháp hiệu quả nhất mà chúng ta cần làm ngay bây giờ"

Nhưng có thể đã quá muộn để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.

"Họ không biết ăn gì, và ngủ ở đâu. Chưa kể trong số người di cư còn có trẻ em. Khi xảy ra trường hợp nhiễm bệnh, thì bệnh dịch sẽ lây lan nhanh chóng ở cấp số nhân và như vậy thì chúng ta không thể khống chế dịch được"

Thu Ngọc

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ca-tu-vong-do-covid-19-tai-khu-o-chuot-hon-1-trieu-dan-giong-hoi-chuong-bao-dong-do-cho-tinh-hinh-o-an-do-8202064193023843.htm