Cả xã hội cùng chung tay vì người nghèo vượt qua đại dịch COVID-19

Tính đến ngày 14/10, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà hộ thuộc diện bảo trợ xã hội tại phường V, thành phố Vị Thanh. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà hộ thuộc diện bảo trợ xã hội tại phường V, thành phố Vị Thanh. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người dân gặp khó khăn về đời sống, đặc biệt là các hộ nghèo.

Vào lúc gian nan đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội với nhiều phương pháp và cách thức khác nhau đã chung tay hỗ trợ, góp phần giúp bà con vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên.

Chia sẻ khó khăn

Gia đình bà Vũ Thị Đào là một hộ nghèo ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Người phụ nữ lớn tuổi này là lao động tự do, còn chồng bà đã về hưu. Con gái hai ông bà mắc bệnh tâm thần, lại có con nhỏ.

Nguồn sống của cả nhà là một hàng tạp hóa nhỏ nhưng mấy tháng qua phải đóng cửa để góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Bởi thế, khi là một trong những hộ đầu tiên nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68-NQ/CP về giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ, bà Vũ Thị Đào rất phấn khởi.

Chia sẻ niềm vui đón nhận số tiền hỗ trợ dẫu không lớn nhưng có thể giúp bà giải quyết một phần khó khăn đang bủa vây lúc này, bà Vũ Thị Đào cho biết cuộc sống của gia đình trong mấy tháng qua rất khó khăn vì phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Ngay sau khi quyết định hỗ trợ của Chính phủ chính thức có hiệu lực, cán bộ Ủy ban nhân dân phường đến động viên, thăm hỏi và hướng dẫn bà làm hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ.

“Chúng tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước,” bà Vũ Thị Đào bộc bạch.

Hộ nghèo ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội này chỉ là một trong hàng triệu trường hợp gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 được Chính phủ giúp đỡ. Làn sóng dịch lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với ba đợt dịch trước.

Vào lúc gian nan đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội với nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, đã chung tay hỗ trợ nhóm người yếu thế này, điển hình là 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ.

Báo cáo nhanh của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cho thấy, tính đến ngày 14/10, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ có sự vào cuộc của Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm đảm bảo cho người dân, nhất là những hộ nghèo vượt qua thời điểm khó khăn.

Như tại Hà Nội, chính quyền thành phố đã thực hiện những chính sách giúp đỡ người gặp khó khăn do đại dịch theo đặc thù của thành phố. Tính đến đầu tháng 10, các cơ quan chức năng đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng.

Số người thụ hưởng các chính sách là gần 289.000 người, hộ kinh doanh. Kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là gần 300 tỷ đồng. Từ nguồn lực vận động xã hội hóa, toàn thành phố đã giúp đỡ, hỗ trợ cho gần 1,06 triệu lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền hơn 304 tỷ đồng...

Còn như Thành phố Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, thành phố đang triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế để người dân thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh vừa trao tặng 30 phương tiện làm ăn, phương tiện sinh hoạt cho người khuyết tật, người nghèo.

Theo chia sẻ của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn, có tác động không nhỏ đến vấn đề an sinh xã hội.

Thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của thành phố đã phối hợp vận động đóng góp hàng chục tỷ đồng để chăm lo cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịch COVID-19.

Chung tay vì người nghèo

Các chính sách hướng về những trường hợp yếu thế trong xã hội, nhất là người nghèo ở thời điểm đại dịch COVID-19, vốn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều thập niên.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã triển khai đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.

Đặc biệt, dù hai năm gần đây gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong các nước ASEAN. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó chú trọng tới người nghèo.

Sự giúp đỡ đó càng mạnh mẽ hơn khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn tới có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc.

Đối tượng của chương trình này còn bao gồm người nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó có những người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, người nghèo ở nông thôn và thành thị.

Đặc biệt, với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau,” mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xóa đói giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch COVID-19.

Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Nội triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Với truyền thống đoàn kết “tương thân, tương ái” đó, cả nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ ngày 17/10-18/11. Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” sẽ hướng vào vận động các nguồn lực ủng hộ để cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Cùng với tổ chức vận động đóng góp ủng hộ, trong thời gian này, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân ái, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, người gặp thiên tai hoạn nạn bằng hiện vật như tặng lương thực, thực phẩm, cây, con giống, vật tư sản xuất, vật liệu sửa chữa nhà ở, sách giáo khoa, thiết bị học tập trực tuyến, quần áo ấm...

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham mưu để cấp ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân cùng cấp chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tọa đàm, biểu dương các hộ gia đình có nhiều cố gắng thoát nghèo, để khích lệ thoát nghèo bền vững./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ca-xa-hoi-cung-chung-tay-vi-nguoi-ngheo-vuot-qua-dai-dich-covid19/748138.vnp