Các anh vẫn sống mãi trong lòng dân
Sáng 22/10/2020, lễ tang 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa hy sinh tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa diễn ra trong bầu không khí thành kính, thiêng liêng. Sau những ngày lặng thầm cống hiến, các anh đã yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của người thân, đồng chí, đồng bào.
Gói tròn thương tiếc
Sau những ngày mưa rả rích, dầm dề như nói hộ nỗi đau lòng người, sáng 22/10/2020, trời ngừng tuôn những giọt buồn như để nói lời chia tay 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa nằm xuống. Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị chưa bao giờ trĩu nặng bầu không khí đau thương đến như vậy. Những chiếc khăn tang không ngừng run rẩy theo nỗi đau của thân nhân các liệt sĩ. Nhìn những cỗ quan tài được phủ Quốc kỳ xếp ngay ngắn cạnh nhau, đến những người cứng rắn nhất cũng không kìm được nước mắt.
Bên linh cữu của chồng, chị Lê Thị Thúy vẫn không tin vào tai, mắt mình. Hai hôm trước, 20/10, Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam cũng là ngày sinh nhật chị nhưng điều ước bỏng cháy nhất của người vợ lính lại không thành hiện thực. Chị ước những việc đã và đang diễn ra chỉ là giấc mơ. Lúc 8 giờ 30 phút, ngày 18/10, chồng chị Thúy, Trung úy Lê Cao Cường là người đầu tiên được đưa ra khỏi đống đổ nát. Trong 3 căn nhà bị đất đá vùi lấp, nơi Trung úy Cường mới đặt vội tấm lưng thiệt hại nhẹ nhất nhưng anh không kịp thoát thân. Chỉ mới mấy hôm trước, Trung úy Cường điện thoại về nói với vợ: “Con gái tròn 3 tuổi rồi, để anh xin lãnh đạo nghỉ phép, về cùng vợ con chụp một tấm ảnh treo tường. Cưới nhau 8 năm, có 2 mặt con rồi mà vợ chồng mình chưa có tấm ảnh gia đình”. Đau đớn thay, những tấm hình cuối cùng của anh lại không có chị và các con mà phũ phàng gắn với hình ảnh ngổn ngang của doanh trại. Hình ảnh ấy cũng ngổn ngang, cay đắng như lòng chị Thúy bây giờ. “Em đã có rất nhiều điều ước. Ước doanh trại không bị vụ sạt lở vùi lấp, ước chồng mình không phải là người kém may mắn, ước được tắm cho chồng lần cuối cùng… Và, giờ là ước mọi việc đang diễn ra chỉ là giấc mơ. Vậy là, không điều ước nào trở thành hiện thực”, chị Thúy thất thần nói.
Bên linh cửu con trai, bà Lương Thị Lý, mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh đang rút cạn nước mắt. Suốt mấy ngày nay, không hôm nào bà Lý ngừng rơi lệ. Người mẹ một đời tảo tần nuôi nấng, tiễn con vào quân ngũ với biết bao niềm hy vọng giờ cảm thấy mọi thứ như đổ ập xuống. Bà Lý vẫn nhớ mồn một cuộc gọi cuối cùng của người con trai tuấn tú, hiền lành: "Tối hôm đó, Linh vừa gọi về cho tôi. Tôi hỏi mưa gió thế này có đi cứu trợ bà con không. Cháu bảo đơn vị chuẩn bị đi rồi mẹ ạ. Tôi còn dặn là con có đi cứu trợ thì phải mang áo phao và cẩn thận con nhé". Khi nghe tin 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị đất đá vùi lấp, bà Lý còn hy vọng là không có con mình. Thế nhưng, những ngày qua và có lẽ mãi mãi về sau, bà phải đối diện với sự thật tàn khốc. Bà Lý không biết phải làm sao để đi qua những ngày cuối của cuộc đời khi vắng bóng con.
Không chỉ người thân, sự ra đi của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 còn như một vết dao cứa vào lòng đồng đội, đồng bào. Đại tá Đỗ Xuân Hiệp, nguyên Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 có mặt bên đồng đội đã khuất suốt mấy ngày nay. Là một trong những người đầu tiên có mặt ở xã Hướng Phùng, góp sức dựng xây dựng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, ông xót xa khi nhìn thấy doanh trại gần như bị xóa sổ. Bao nhiêu công trình tâm huyết mà ông cùng đồng đội đã và đang xây dựng chỉ còn lại trong tâm trí. Thế nhưng, nỗi đau lớn nhất của ông chính là chứng kiến sự ra đi của 22 người lính đang căng tràn sức khỏe, niềm tin, hy vọng. “Tôi xem các anh em đã hy sinh như ruột thịt. Đây là nỗi đau quá lớn. Giữa thời bình, họ hy sinh cho Tổ quốc, cho Nhân dân”.
Đến dự tang lễ, có nhiều người không phải máu mủ, ruột rà hay đồng chí, đồng đội của 22 liệt sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Những ngày qua, họ thường xuyên theo dõi những dòng tin trên đài, báo. Ai cũng đau lòng trước thảm kịch xảy ra. Ước mong lớn nhất của họ là được đưa tiễn các liệt sĩ về cõi vĩnh hằng. Vì thế, không ai nghĩ đến con đường xa xôi, nỗi lo bão bùng hay sự bận rộn cơm áo… Thỏa lòng khi được thắp nén tri ân, bà Phan Thị Lan (80 tuổi), trú tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh chia sẻ: “Chồng tôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau của thân nhân các liệt sĩ. Vì thế, tôi cố gượng sức già để đến viếng cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa từ trần. Mong các anh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, còn người thân sớm nguôi ngoai”.
Sống mãi trong lòng dân
Trong dòng người thành kính đến viếng 22 liệt sĩ, không khó để bắt gặp những bà con người dân tộc thiểu số, sống ở địa bàn Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng quân. Để đến được nơi tổ chức tang lễ, họ đã vượt hơn 100 cây số, qua điệp trùng núi đồi và vô số điểm sạt lở còn nhão nhoẹt bùn đất. Trong bầu không khí xúc động, họ kể với nhau câu chuyện, suốt ngày 17/7/2020, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vượt mưa gió, lũ lụt ứng cứu bà con vùng sạt lở đất tại xã Hướng Việt, cách đoàn tầm 30 km. Tối ấy, chiếc xe chở các cán bộ, chiến sĩ vẫn còn đỗ trước sân vì lời hẹn: “Nếu dân bản cần, chúng tôi ngay lập tức có mặt”. Không ai ngờ, chỉ 2 tiếng đồng hồ sau đó, chiếc xe chỉ còn là một khối sắt rúm ró, ngập dưới đất đá. Nhiều dãy nhà bị san phẳng và không có một phép màu nào cho 22 người lính. Nhiệm vụ giúp dân phòng, chống mưa lũ cũng chính là nhiệm vụ cuối cùng của 22 cán bộ, chiến sĩ.
Mờ sáng nay, trước khi rời bản làng, lái xe máy đi qua doanh trại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, nhiều người dân sống ở phía Bắc huyện Hướng Hóa cay cay nơi khóe mắt. Ai cũng quay quắt nhớ lại hình ảnh một doanh trại vững chãi, sạch đẹp, khiến dân bản ấm lòng mỗi khi nhìn thấy. Năm 1999, Sư đoàn 337, Quân khu 4 hành quân từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào huyện Hướng Hóa để thực hiện nhiệm vụ mới. Từ đây, sư đoàn mang tên gọi mới là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Bấy giờ, ai cũng kỳ vọng một sư đoàn lừng danh trong thời chiến sẽ bám trụ thành công, làm khởi sắc mảnh đất hoang vu phía Bắc huyện Hướng Hóa. Không phụ lòng người, các cán bộ, chiến sĩ đã vượt mọi khó khăn, bắt đầu “trận đánh” đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Bàn tay người lính vốn quen với súng đạn nay cầm cuốc đào đất, vun mỗi gốc cây, ươm từng hạt giống… Họ học tiếng Bru – Vân Kiều, uống với dân bản bát rượu làm từ men lá, lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, dân tin. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ dân bản bằng những hành động cụ thể, từ việc nhỏ như vận động trồng cây cà phê, lúa nước, dong riềng, cách bón phân, cải tạo vườn đồi… đến xây dựng các công trình thủy lợi, trường học, mở đường, đưa nước sạch về bản… Hơn 20 năm trôi qua, “bộ đội 337” đã giúp cuộc sống người dân thực sự bước sang trang mới, no ấm và đủ đầy hơn xưa. Ít ai biết, thành quả đó được đổi trả bằng rất nhiều sự hy sinh.
Cũng như những cư dân miền sơn cước khác, bà con ở các xã phía Bắc của huyện Hướng Hóa như: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập… ngại nói những lời hoa mỹ. Sự tri ân lớn nhất của họ thường được thể hiện bằng hai chữ “cảm ơn”, còn lòng yêu thương, tôn trọng gói gọn trong từ “quý”. Giờ phút này, khi đứng trước linh cửu các liệt sĩ, nhiều người cảm thấy tiếc nuối, giá như mình không quá ngại ngùng, quá bình dị để có thể nói hết tấm lòng với “bộ đội 337”. Nghĩ vậy, thế mà khi đi theo đoàn người đến thắp hương, rồi nắm tay thân nhân các liệt sĩ, họ vẫn nghẹn đắng, không nói được lời nào…
Hôm lễ tang các liệt sĩ được tổ chức, muôn vàn câu chuyện xúc động từ thân nhân, đồng đội, người dân đã trở thành minh chứng sinh động cho “những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu) của 22 liệt sĩ nói riêng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nói chung. Các liệt sĩ đã trở về với đất mẹ nhưng nguồn sáng từ trái tim, tấm lòng người lính sẽ mãi mãi tỏa sáng cho hôm nay và mai sau.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=152642