Các bài thuốc chữa bệnh từ lá chè xanh

Lá chè xanh không chỉ được dùng để hãm nước uống hàng ngày mà lá chè xanh còn là vị thuốc có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, chè xanh (trà xanh) là lá của cây trà xanh chưa qua chế biến. Có nhiều loại trà xanh nhưng tùy theo điều kiện trồng trọt mà phương pháp canh tác sẽ khác nhau. Không giống như các loại trà khác, trà xanh không được lên men mà sản xuất theo phương pháp dùng nhiệt độ cao để sấy khô. Nhờ quá trình sản xuất này mà trà xanh vẫn giữ được các phân tử quan trọng là polyphenol.

Phân tử Polyphenol có khả năng ngừa sưng viêm, bảo vệ sụn khớp, giảm thoái hóa, chống nhiễm trùng và giảm sự phát triển của tế bào bất thường ở cổ tử cung. Ngoài ra, 2 - 4% cafein trong trà xanh tác động đến việc sự tỉnh táo và tư duy, tăng hàm lượng nước tiểu và cải thiện chức năng của tế bào tiếp nhận thông tin não đối với bệnh Parkinson. Chất cafein của trà xanh còn tăng cường giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh có ở não từ đó kích thích tim, hệ thống thần kinh và cơ.

Tác dụng của lá chè xanh

Nhiều người biết đến chè xanh như một thức uống tốt cho sức khỏe khi được dùng ở liều lượng phù hợp. Dưới đây là tác dụng của lá chè xanh đối với sức khỏe:

- Phòng ngừa bệnh ung thư

Chất chống oxy hóa trong chè xanh giúp cơ thể có khả năng chống lại sự gây hại của gốc tự do nhờ đó mà góp phần bảo vệ tế bào khỏi sự phá hủy của khối u ác tính.

- Tốt với hệ tim mạch

Uống chè xanh đúng cách rất tốt với những người mắc bệnh tim vì nó làm giảm lượng cholesterol xấu có trong cơ thể.

- Phòng ngừa sâu răng và giảm thâm ở quầng mắt

Hoạt chất trong chè xanh có thể kìm hãm vi khuẩn phát triển nên thảo dược này được dùng nhiều trong thành phần của kem đánh răng. Uống trà xanh giúp phòng ngừa sâu răng và hôi miệng.

Với khả năng hạn chế sự giãn nở mạch máu ở dưới bọng mắt, chè xanh trở thành thức uống chữa thâm quầng mắt rất tốt. Không những thế, lượng cafein và tanin trong chè xanh còn giảm lượng nước ở mô nên khiến cho vùng da quanh mắt giảm được thâm và sưng.

- Cải thiện miễn dịch và tăng sự chắc khỏe cho hệ xương

Florua trong chè xanh tác dụng hỗ trợ hệ xương thêm chắc khỏe. Uống trà xanh mỗi ngày còn cải thiện sức đề kháng và khả năng miễn dịch.

- Làm đẹp da

EGCG là loại hoạt chất có trong chè xanh với công dụng giữ độ đàn hồi và ngăn ngừa lão hóa cho da. Chính vì thế mà uống chè xanh là cách đem lại vẻ đẹp tự nhiên cho da từ sâu bên trong.

Nước chè xanh rất tốt cho sức khỏe

Nước chè xanh rất tốt cho sức khỏe

- Phòng ngừa bệnh Alzheimer và Parkinson

Ngoài khả năng cải thiện chức năng của não bộ tạm thời, chè xanh còn giảm nguy cơ đối với bệnh Alzheimer và Parkinson vì nó có hợp chất catechin.

Các bài thuốc chữa bệnh từ lá chè xanh

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn TS. Nguyễn Đức Quang, bác sĩ Y học cổ truyền giới thiệu một số bài thuốc có chè như sau:

- Trị cảm mạo: Người bệnh sốt, ho có đờm trắng: lá chè 3 - 5g, gừng 3 lát; hãm với nước sôi, uống trong ngày.

Người bệnh sốt, ho có đờm vàng và đau họng: Lá chè 3 - 5g, muối 1g; hãm với nước sôi, uống 4 - 5 lần trong ngày.

- Đau đầu do phong nhiệt: Người bệnh đau đầu như búa bổ, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng khát, tiểu tiện vàng sẻn: Lá chè 6g, cúc hoa 10g; hãm với nước sôi, uống 3 - 4 lần trong ngày.

- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Búp chè 1 nắm, búp ổi 1 nắm; sao vàng, sắc uống. Hoặc chè đen 40-50g, cam thảo 5g; sắc đặc uống; dùng liền 3-5 ngày.

- Chữa tiêu chảy lâu ngày: Lá chè 5-10g, ô mai 2-3 quả, đường đỏ 15g. Sắc trong 15 phút, uống 2-3 lần trong ngày, uống liên tục 3-5 ngày.

- Trúng thử (cảm nắng): Lá chè 10g, đạm trúc diệp 10g. Sắc hay hãm, uống nóng. Chữa thử nhiệt, tâm phiền, miệng khát thích uống nước, tiểu tiện vàng sẻn.

- Ăn uống không tiêu: Lá chè, sơn tra sao, đường đỏ mỗi vị 10g. Sắc hoặc hãm uống trong ngày. Thuốc hỗ trợ khi ăn không tiêu, đầy, đau bụng, ợ chua, kém ăn.

- Chữa viêm gan, phù thũng: Chè xanh tươi 200g. Nấu, uống 2 lít trong ngày. Lá chè tác dụng lợi tiểu, kiềm chế vi khuẩn, tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể. Nước chè có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu, có thể kết hợp kim tiền thảo làm lợi thủy, thông niệu.

Lưu ý khi sử dụng chè xanh

Theo Đông y, chè xanh tính hàn nên không dùng lạnh vì sẽ gây quá hàn sinh đờm, do đó nên uống nóng. Có địa phương trong và ngoài nước có tập quán uống chè phải nóng có khi còn cho vào chè một lát gừng tươi.

Không uống chè xanh thay nước lọc, không uống chè xanh đã pha để qua đêm.

Không dùng chè xanh để uống thuốc, không uống ngay sau bữa ăn làm giảm sự hấp thụ sắt từ thực phẩm vào cơ thể, tăng nguy cơ thiếu máu. Thời gian thích hợp để uống chè là sau bữa ăn 60 phút. Không uống sau 18 giờ gây mất ngủ.

Không uống chè khi bụng đói, bị viêm loét dạ dày, người bị bệnh mất ngủ, táo bón hoặc đang sốt cao.

Không uống các loại chè khô với liều cao trong thời gian dài vì sẽ làm giảm lượng vitamin B1 trong cơ thể. Cafein, theophylin, theobromin trong chè nếu dùng liều trung bình (khoảng 50mg) là chất kích thích thần kinh, tăng cường sức làm việc của trí óc và cơ, làm tăng hô hấp, tăng cường và điều hòa nhịp đập của tim, lợi tiểu và kích thích ăn ngon; nhưng khi dùng liều cao, các chất này sẽ gây nhiễm độc mạn tính: Mất ngủ, gầy yếu do tăng tiêu hao năng lượng, mất cảm giác ngon miệng và rối loạn thần kinh.

Không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì trong chè xanh có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu.

Trên đây là những thông tin giới thiệu về tác dụng của chè xanh và các bài thuốc chữa bệnh từ lá chè xanh. Hãy dùng chè xanh với lượng vừa đủ để nhận được những lợi ích tốt nhất nhé.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-bai-thuoc-chua-benh-tu-la-che-xanh-ar890438.html