Các bên nỗ lực kéo Ukraine khỏi bờ vực chiến tranh
Trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ và Nga ngày càng thể hiện sự đối lập sâu sắc, lãnh đạo nhiều nước phương Tây đang lên kế hoạch ứng phó với kịch bản nếu xảy ra cuộc tấn công nhằm vào Ukraine.
Đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Nga, tuyên bố không ngần ngại gia tăng sức ép trên mặt trận kinh tế, đồng thời cảnh báo sẵn sàng thực hiện các đòn trừng phạt nặng nề nếu Nga có hành động quân sự xa hơn tại Ukraine.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, nước này có thể triển khai biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, cấm mọi hoạt động xuất khẩu linh kiện từ Mỹ sang Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như vũ trụ, hàng không, trí tuệ nhân tạo hay máy tính lượng tử.
Phát biểu hôm 25/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine, tuy nhiên, ông cũng cân nhắc một lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như nhiều sức ép kinh tế khác nếu Nga tấn công Ukraine.
Cùng với đó, Washington cũng đang tìm nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu thế chân Moscow trong mùa Đông này. Theo đó, chính quyền Biden nỗ lực xác định các kho dự trữ khí tự nhiên không phải của Nga từ Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á và Mỹ cũng như hợp tác với các nhà sản xuất khí tự nhiên quan trọng về việc tăng nguồn cung sang châu Âu nếu cần thiết, theo Reuters. Nguồn cung từ Nga chiếm tới 40% khí tự nhiên ở châu Âu và phần lớn trong số đó trung chuyển qua Ukraine. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện nay, đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt và dầu thô của Nga. Sự phụ thuộc này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng thị trường châu Âu sẽ hứng một đòn nặng nề nếu xảy ra một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.
Đáp trả lại lời đe dọa từ Washington, Điện Kremlin ngày 26/1 nhấn mạnh rằng một lệnh trừng phạt nhằm vào ông Putin không những không có tác dụng gì mà còn có thể phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng. Song song với các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga ngày 25/1 đã khởi động một loạt cuộc tập trận ở bán đảo Crimea, với sự tham gia của 6.000 binh sĩ, cùng máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và huy động tàu chiến từ các hạm đội Biển Đen.
Ngày 26/1, Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga thông báo các tàu chiến nước này đã tiến vào vùng biển Barents để diễn tập bảo vệ một tuyến vận tải biển lớn. Theo thông báo của Hạm đội phương Bắc, tham gia diễn tập tại vùng biển Bắc Cực có khoảng 30 tàu chiến, 20 máy bay và 1.200 quân nhân, nhằm mục tiêu đánh giá năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga ở Bắc Cực và năng lực bảo vệ Tuyến đường biển phía Bắc.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết, Mỹ và châu Âu phải chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng leo thang hiện nay: “Căng thẳng đang leo thang do cuộc chiến truyền thông và những hành động cụ thể của Mỹ và NATO. Khi nói về cuộc chiến truyền thông, tôi đang đề cập đến sự cuồng loạn thông tin. Họ đã đưa ra rất nhiều thông tin sai lệch và những lời nói dối”.
Đồng quan điểm này, Phó Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Gennady Kuzmin cho rằng, việc các nước phương Tây viện cớ về mối đe dọa “không có thực” để tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể gây hậu quả về sinh mạng cho dân thường tại miền Đông nước này. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine thông báo chuyển giao cho Kiev 300 tên lửa Javelin và 79 tấn trang thiết bị hỗ trợ an ninh cho lực lượng vũ trang Ukraine. Lô hàng thứ ba trong gói viện trợ 200 triệu USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn đã đến sân bay Boryspil ở Kiev chiều 25/1. Lô hàng đầu tiên gồm 90 tấn vũ khí các loại từ Mỹ đến Ukraine vào ngày 22/1 và ngày hôm sau, máy bay chở lô hàng viện trợ quân sự thứ hai đã đến sân bay Boryspil.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu cũng đang thể hiện vai trò của mình trong thúc đẩy các giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Gặp nhau tại Berlin ngày 25/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định sự thống nhất với các đồng minh trong phản ứng với Nga, song cũng bày tỏ sự tin tưởng vào đối thoại.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải duy trì các kênh đối thoại. Đây cũng chính là lý do mà cách đây vài tháng tôi và cựu Thủ tướng Đức Merkel đã thúc đẩy các nước châu Âu mở lại các cuộc đối thoại với Nga. Với tư cách là các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và những đồng minh trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chúng tôi sẽ đoàn kết và phối hợp các hành động”.
Lãnh đạo Pháp và Đức đang thúc đẩy các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy để hạ nhiệt căng thẳng. Trong ngày 26/1, đại diện từ Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã nối lại các cuộc thảo luận theo định dạng Normandy tại Paris, lần đầu tiên kể từ năm 2019. Tổng thống Macron ngày 28/1 tới cũng sẽ trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Nga Putin nhằm đạt được “một tầm nhìn rõ ràng hơn”.
Trong một động thái khác, Canada mới đây cho biết sẽ tạm thời rút thân nhân các nhà ngoại giao của mình khỏi Ukraine, trong khi Bộ Ngoại giao Thụy Điển ra tuyên bố khuyên người dân không nên đến Ukraine nếu không cần thiết. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ yêu cầu thành viên gia đình của nhân viên ngoại giao rời khỏi Kiev, trong khi Anh cũng thu nhỏ số lượng nhân viên ngoại giao và người phụ thuộc, theo Al Jazeera. Mới nhất, Chính phủ New Zealand ngày 26/1 phát đi thông báo đề nghị người dân nước này cân nhắc rời khỏi Ukraine do lo ngại tình hình an ninh tại quốc gia Đông Âu này có thể thay đổi trong thời gian ngắn.