Các biện pháp phòng bệnh thời điểm giao mùa
Hiện nay, thời tiết đang chuyển từ mùa xuân sang mùa hè. Đây là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây các bệnh hô hấp và cảm cúm, dị ứng mũi... Để thông tin đến bạn đọc những kiến thức liên quan đến việc phòng tránh nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Thị San, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ảnh: Trường Sơn
PV: Xin bác sỹ cho biết những bệnh thường gặp vào thời điểm chuyển từ mùa xuân sang mùa hè?
Bác sỹ Nguyễn Thị San: Thời tiết chuyển từ mùa xuân sang mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, đặc biệt mùa hè của nước ta có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, do đó các loài vi khuẩn dễ phát triển để gây bệnh. Cùng với đó, phong tục tập quán ăn uống chưa qua nấu chín, vệ sinh môi trường chưa tốt của người dân cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, rất dễ lây lan trong cộng đồng và bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.
PV: Hằng năm, tình hình dịch bệnh phát sinh vào thời điểm xuân - hè trên địa bàn tỉnh ta diễn ra thế nào thưa bác sỹ?
Bác sỹ Nguyễn Thị San: Hằng năm, vào thời điểm xuân - hè, trên địa bàn tỉnh Sơn La thường phát sinh một số bệnh, như: Cúm, sởi, tay - chân - miệng, ngộ độc thực phẩm, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, dại, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị... Đối tượng chủ yếu là người già và trẻ em. Đặc biệt, ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu, khả năng đề kháng suy giảm, vi-rút gây bệnh dễ dàng xâm nhập. Thực tế đã có một số trường hợp bệnh cúm chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn do người bệnh chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn...
Trong các tháng đầu năm 2021, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với những năm trước đây, như: Sởi, viêm não vi rút, dại. Song, một số bệnh truyền nhiễm lại có xu thế gia tăng so với cùng kỳ năm 2020, như: Quai bị, tay - chân - miệng, thủy đậu... và có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng chưa cao đối với một số bệnh có vắc xin tiêm chủng dịch vụ, nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đơn cử như tại xã Sập Xa (huyện Phù Yên), dịch thủy đậu tiếp diễn từ cuối năm 2020 sang tháng 1/2021, với tổng số 77 ca mắc; tại xã Chiềng Lương (huyện Mai Sơn), dịch tay - chân - miệng cũng tiếp diễn từ cuối tháng 12/2020 sang tháng 1/2021, với tổng số 17 ca mắc... Ngoài ra, tại các huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, thành phố, Bắc Yên… cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác.
PV: Ngành Y tế tỉnh đã có những giải pháp gì để phòng bệnh mùa xuân - hè thưa bác sỹ?
Bác sỹ Nguyễn Thị San: Sở Y tế đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 26/1/2021 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh truyền nhiễm. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu cho Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 57/KH-SYT ngày 21/2/2021 về tiêm chủng mở rộng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhằm tăng cường độ bao phủ miễn dịch đã có vắc xin phòng bệnh trong tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị trực thuộc ngành Y tế tỉnh đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý ổ dịch và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định. Đã rà soát, chuẩn bị đầy đủ danh mục thuốc, hóa chất, trang thiết bị, bảo đảm nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; cung ứng kịp thời, đầy đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch.
Tại các cơ sở điều trị, tập trung các nguồn lực để thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong. Các cơ sở y tế tổ chức tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, điều trị người bệnh và kịp thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị y tế tuyến dưới khi có yêu cầu... Chủ động công tác giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và phát hiện sớm các ổ dịch để kịp thời khống chế, không để dịch lan rộng, kéo dài...
Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, nhất là bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não. Đồng thời, rà soát đối tượng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt từ 95% trở lên quy mô xã, phường.
PV: Bác sỹ có khuyến cáo gì cho người dân để thực hiện tốt công tác phòng bệnh mùa xuân - hè?
Bác sỹ Nguyễn Thị San: Để phòng bệnh mùa xuân - hè, người dân cần thực hiện nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa xuân - hè mà ngành Y tế đã đưa ra. Đó là: Đưa con em đến trạm y tế các xã hoặc các phòng tiêm chủng dịch vụ tại địa phương để được tư vấn và tiêm chủng, đảm bảo đúng lịch, đủ liều. Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đặc biệt vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày. Hằng ngày, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí, ở khu vực ổ dịch... Hạn chế tiếp xúc với người mắc, hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không sử dụng những thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc không uống nước lã, sinh hoạt sạch sẽ, hợp vệ sinh. Lật, úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống bệnh sốt xuất huyết...
Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh truyền nhiễm, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ!