Các bộ, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ

Sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ và chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội để chuyển đến các bộ, ngành xem xét, trả lời với 14 nhóm ý kiến.

(baophutho.vn) - Sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ và chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội để chuyển đến các bộ, ngành xem xét, trả lời với 14 nhóm ý kiến. Đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo đối với các nhóm ý kiến, kiến nghị. Nội dung chủ yếu của các kiến nghị như sau:

1. Nhóm kiến nghị về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp

1.1. Nội dung kiến nghị: Ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài; Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường”; Việc thực hiện các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuế đất... để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp cần theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời tại Văn bản số 7425/BKHĐT-TH ngày 27/10/2021:

+ Về ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính: (1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; (2) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; (3) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

+ Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp: Ngày 03/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19.

1.2. Nội dung kiến nghị: Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ Về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời tại Văn bản số 7273/BKHĐT-TH ngày 22/10/2021: Hiện nay, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hoàn thiện và sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được sửa đổi thì Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 20 của Luật về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang phối hợp với các Ngân hàng thương mại để thúc đẩy lựa chọn, giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Nhóm kiến nghị về lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông

2.1. Nội dung kiến nghị: Cử tri huyện Phù Ninh đề nghị bổ sung gờ giảm tốc trên đoạn đường nối từ Trạm thu phí IC8 ra đường Quốc lộ 2.

Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời tại Văn bản số 11146/BGTVT KCHT ngày 21/10/2021: Theo đó đã bổ sung biển báo, bổ sung vạch sơn giảm tốc, biển hạn chế tốc độ. Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Phú Thọ triển khai thực hiện, hoàn thành việc bổ sung các hạng mục tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong quý 4/2021.

2.2. Nội dung kiến nghị: Cử tri huyện Thanh Sơn đề nghị mở rộng mặt đường, hạ thấp độ cao dốc Bình Dân thuộc tuyến Quốc lộ 32A.

Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời tại Văn bản số 11145/BGTVT KCHT ngày 21/10/2021: Để giải quyết căn cơ vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông khu vực dốc Bình Dân trên tuyến QL.32, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Phú Thọ thực hiện thủ tục theo quy định để sửa chữa, khắc phục trong kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2022.

3. Nhóm kiến nghị về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường

3.1. Nội dung kiến nghị: Xây dựng phương án, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản nhất là ở các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bộ Công thương đã trả lời tại Văn bản số 6782/BCT-KH ngày 28/10/2021: Bộ Công thương sẽ tiếp tục lồng ghép hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước thông qua các chương trình thuộc: Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

3.2. Nội dung kiến nghị: Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm soát, thực hiện việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu ptionnie (xăng, dầu; vật liệu xây dựng...) trong thời gian tới.

Bộ Công thương đã trả lời tại Văn bản số 6799/BCT-KH ngày 28/10/2021: Để góp phần bình ổn thị trường, Bộ Công thương sẽ tiếp tục: Phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu; phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu đề ra; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu để tạo tâm lý yên tâm cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ, tích trữ gây bất ổn thị trường; phối hợp với các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

3.3. Nội dung kiến nghị: Đề nghị theo dõi sát diễn biến giá phân bón tại thị trường trong nước, có giải pháp điều tiết phù hợp, kịp thời để bình ổn giá, không để tăng giá bất hợp lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời tại Văn bản số 6966/BNN-BVTV ngày 26/10/2021: Từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến thị trường phân bón thế giới và trong nước biến động lớn, nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến giá một số loại phân bón liên tục tăng trong thời gian qua. Trước diễn biến tăng giá của thị trường phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, chủ động nguồn cung phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

4. Kiến nghị về lĩnh vực văn hóa - xã hội

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án triển khai, hướng dẫn tổ chức học tập năm học 2021-2022 phù hợp tình hình dịch bệnh COVID-19; chuẩn bị tốt giáo án, giáo trình trong dạy và học trực tuyến
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời tại Văn bản số 4580/BGDĐT-GDTH ngày 11/10/2021: Để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp triển khai, hướng dẫn tổ chức năm học 2021-2022 nhằm ứng phó linh hoạt, phù hợp tình hình dịch COVID-19, cụ thể: Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Chỉ đạo toàn ngành giáo dục linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Đồng thời Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình ở những địa phương học sinh không thể đến trường nhưng vẫn bảo đảm kế hoạch, chất lượng dạy học trong tình hình dịch COVID-19 kéo dài. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào “sóng và máy tính cho em”... nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên.

5. Kiến nghị về lĩnh vực môi trường

5.1. Nội dung kiến nghị: Đề nghị xem xét việc giải quyết thanh lý tang vật thu giữ (tang vật là xe máy, giấy phép đăng ký xe máy và các giấy tờ khác) trong việc xử lý hành chính trong công tác an toàn giao thông.

Bộ Công an đã trả lời tại Văn bản số 3684/BCA-V01 ngày 12/10/2021: Bộ sẽ sớm tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, bảo đảm việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Bộ Công an tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, phục vụ công tác theo dõi, thống kê và xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực tế.

5.2. Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho di chuyển “Khu chăn nuôi lợn siêu nạc” tại phân trại số 2 thuộc Trại giam Tân Lập đóng trên địa bàn xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa đi nơi khác vì trong thời gian dài, chủ dự án chăn nuôi lợn trên đất của Trại giam không thực hiện đúng cam kết về quy trình xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo Báo cáo số 22/BC-MTTQ-BTT của UBMTTQ xã Vô Tranh ngày 18/11/2021: Mùi hôi thối đã giảm nhưng vẫn còn; Đơn vị trại giam đã trao đổi với UBND xã Vô Tranh về biện pháp xử lý là không ký hợp đồng chăn nuôi lợn với Doanh nghiệp trong thời gian tới.

B.T

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/quoc-hoi-khoa-xv/202111/cac-bo-nganh-tra-loi-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-tinh-phu-tho-181203