Các bộ trưởng BRICS gặp nhau để thúc đẩy nhóm đối trọng với phương Tây
Các ngoại trưởng BRICS có khả năng thảo luận về việc kết nạp thành viên mới trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy tăng cường sức mạnh của BRICS.
Theo hãng tin Reuters, các bộ trưởng ngoại giao của nhóm BRICS (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Ấn Độ, Brazil) sẽ nhóm họp tại Nam Phi từ ngày 1/6, khi 5 quốc gia này tìm cách củng cố vị thế đối trọng với sự thống trị địa chính trị của phương Tây sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Các cuộc đàm phán là khúc dạo đầu cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 tới tại Johannesburg. Các nhà chức trách Nam Phi xác nhận rằng Bộ trưởng ngoại giao các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi sẽ tham dự cuộc họp tại Cape Town trong khi đại diện của Trung Quốc là một quan chức cấp Thứ trưởng.
Không có chương trình nghị sự nào được công khai, nhưng các nhà phân tích cho biết những cuộc thảo luận sẽ nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các thành viên hiện tại và xem xét việc mở rộng nhóm.
Chuyên gia phân tích Cobus van Staden tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nam Phi cho biết: “BRICS đang tự định vị mình như một giải pháp thay thế cho phương Tây và là một cách để tạo không gian cho các cường quốc mới nổi”.
Từng được coi là một hiệp hội lỏng lẻo, chủ yếu mang tính biểu tượng của các nền kinh tế mới nổi khác nhau, BRICS trong những năm gần đây đã định hình cụ thể hơn, ban đầu do Bắc Kinh thúc đẩy và kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, có thêm sự thúc đẩy từ Nga.
Các cuộc thảo luận về Ngân hàng Phát triển mới của BRICS, vốn đã ngừng tài trợ cho các dự án ở Nga để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, dự kiến diễn ra hôm nay (ngày 1/6), một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nam Phi cho biết.
Trong bối cảnh phân cực địa chính trị ngày càng gia tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo BRICS cho biết họ sẵn sàng kết nạp thêm các thành viên mới, trong đó có các nước sản xuất dầu mỏ.
Các quan chức cho biết Venezuela, Argentina, Iran, Algeria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) nằm trong danh sách những nước đã chính thức đăng ký tham gia hoặc bày tỏ sự quan tâm.
William Gumede, một nhà phân tích chính trị Nam Phi, người đã viết nhiều về BRICS, nhận định: “Nếu họ có thể thu hút các nước sản xuất dầu mỏ thì đó sẽ là chìa khóa quan trọng, dựa vào hệ thống đồng đô la dầu mỏ”.