Các bộ trưởng trả lời chất vấn

Sáng 21-8, chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ trưởng đã trả lời về các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

CHUẨN HÓA CHẤT LƯỢNG NÔNG SẢN

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài; đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước; trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Do đó, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta.

Xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng tập trung của tỉnh Kiên Giang đang thực hiện thủ tục đăng ký mã vùng trồng. Ảnh: ĐẶNG LINH

Đặc biệt, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để chúng ta tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, cả nước có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho nông dân.

Trả lời đại biểu về giải pháp xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ ngành khác xây dựng đề án đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún. Dự kiến sẽ hoàn thành đề án để trình Chính phủ trong tháng 9 tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Trả lời đại biểu về các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư; có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.

Mặc dù đã giảm từ hơn 100.000 tàu còn 86.000 tàu, giảm 20.000 tàu nhưng so các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tăng cường nhận thức cho ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

BIỂU GIÁ ĐIỆN GIẢM TỪ 6 CÒN 5 BẬC

Về vấn đề giá điện đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phát triển của tất cả các quốc gia, khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Khác với các ngành hàng khác, càng sản xuất điện càng gây nguy cơ đến môi trường. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.

Ở Việt Nam cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi, bổ sung một số nghị định giảm từ 6 bậc trong biểu giá điện xuống còn 5 bậc.

Trả lời đại biểu về giải pháp xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong nền kinh tế thị trường, gian lận thương mại là một đặc trưng. Do đó, đây là yêu cầu cao với Chính phủ và là thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Thời gian tới, việc đầu tiên phải làm là bộ chủ quản và các bộ, ngành hữu quan có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hàng giả, hàng nhái, nhất là các cơ chế xử phạt các hành vi gian lận trong thương mại, kể cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, bộ đã xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra kiểm tra, triển khai thực hiện hiệu quả đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc này không chỉ Bộ Công Thương mà chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất cùng vào cuộc phối hợp các cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước để xử lý, vì đối với thương mại điện tử, nguồn hàng từ nước ngoài vào là rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng.

Tiếp tục xây dựng và chia sẻ cơ sử dữ liệu đối với các cơ quan chức năng để giám sát tốt hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử; làm tốt thông tin truyền thông để người dân tự bảo vệ mình trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Trả lời đại biểu liên quan đến giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ “khép lại”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ. Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.

Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến sản phẩm du lịch đêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao.

ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/cac-bo-truong-tra-loi-chat-van-21854.html