Các bữa tiệc tất niên biến mất
Vì đại dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn, nhiều cá nhân, gia đình, công ty không còn tổ chức các buổi tất niên linh đình như mọi năm mà hủy bỏ hoặc làm gọn lại.
Hàng năm, vào dịp Tết Dương lịch, gia đình Phương Anh (27 tuổi, quê Phú Thọ), hiện làm việc trong ngành truyền thông ở Hà Nội, đều làm mâm cơm để cả nhà quây quần bên nhau. Còn trong những ngày cận Tết Nguyên đán, khoảng từ 20 âm lịch trở đi, gia đình cô sẽ tổ chức một buổi mổ lợn, mời anh em, họ hàng đến ăn tất niên.
“Mọi người đến từ sáng sớm, cùng làm cỗ, có khi gói luôn bánh chưng, ăn uống, quây quần rất vui vẻ. Nhưng năm nay, dịch bệnh phức tạp nên gia đình mình dự định không tổ chức như vậy nữa. Chắc sẽ chỉ có người trong nhà ngồi ăn với nhau. Không khí chắc chắn buồn hơn nhiều nhưng hạn chế được dịch”, cô gái 27 tuổi nói với Zing.
Theo Phương Anh, trong tình hình hiện nay, việc không tổ chức tất niên cũng là để tiết kiệm do cả năm công việc kinh doanh bị đình trệ, nghỉ suốt 10/12 tháng, chủ yếu chi tiêu bằng tiền tích cóp.
“Mình rất nhớ không khí đông vui mỗi dịp Tết đến như những năm chưa có dịch bệnh. Năm nay, nhiều gia đình cùng xóm, thôn mình cũng không làm tất niên hoành tráng. Buồn nhưng đành chấp nhận bởi nếu không vì điều kiện kinh tế thì quy định địa phương cũng hạn chế”, cô nói.
Ngoài ra, Phương Anh dự đoán năm nay công ty cô cũng hủy bỏ tiệc tất niên do tình hình dịch bệnh ở Hà Nội ngày càng phức tạp.
Tương tự, sau một năm biến động vì dịch bệnh và cắt giảm chi tiêu, nhiều người không còn tổ chức các buổi tất niên linh đình vào các dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán như mọi năm. Thay vào đó, họ hủy bỏ hoặc tụ họp theo nhóm nhỏ để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Làm gọn lại
Mọi năm, chị Đào Thị Hải Yến (34 tuổi), chủ chuỗi 4 tiệm trà và bánh ở Bình Dương, đều tổ chức ăn tất niên trong dịp Tết Âm lịch.
Chị thường cho nhân viên nghỉ thứ hai, từ ngày 20 âm lịch trở đi, để toàn bộ 50-60 người của các chi nhánh tụ họp về cửa hàng rộng nhất.
“Đây là dịp tổng kết một năm làm việc nên coi như tiệc nội bộ, không có họ hàng và bạn bè. Chúng tôi thường sắp xếp 10 người/bàn, đơn giản là ngồi xuống cùng nhau ăn uống, nói chuyện, không hát hò để tránh làm phiền hàng xóm”, chị nói với Zing.
Khác với thường lệ, năm nay, chị Yến dự định tổ chức ăn tất niên riêng lẻ từng cửa hàng để tránh tụ tập đông người và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Năm nay thất thu, cả năm cộng lại không lỗ là mừng rồi. Tiệc tất niên được tổ chức gọn lại cũng là để an toàn và tiết kiệm nhưng vẫn cố gắng duy trì để động viên mọi người. Nhiều người thân, bạn bè của tôi vẫn ăn tất niên nhưng gói gọn hơn”, chị nói.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, chị Yến cũng sẽ cho nhân viên nghỉ 5 ngày, không bán hàng xuyên Tết như mọi năm.
“Năm nay, mọi người đã vất vả tinh thần nhiều rồi, tất cả nên được nghỉ ngơi để lấy đà sang năm làm tiếp dù Tết thường là dịp đông khách nhất”, chị chia sẻ.
Cứ đến chiều 30 Tết hàng năm, gia đình Đào Phương (25 tuổi, quê Nghệ An) lại tập trung về nhà bác cả để làm tiệc tất niên. Phương cho Zing biết đây là dịp sum họp mọi người đông đủ nhất.
Trong không khí nhộn nhịp, ai cũng vui mừng khi được trò chuyện, hỏi thăm người thân đã lâu chưa gặp. Với số lượng khách từ 30-40 người, nhà Phương thường nấu khoảng 4 mâm cỗ lớn. Công đoạn chuẩn bị mất hơn 4 tiếng với 5-7 món ăn cho mỗi bàn.
Tuy nhiên, từ năm ngoái, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều người ở xa không kịp về quê, tiệc tất niên của gia đình cô có phần đơn giản hơn, không cầu kỳ như những mùa Tết trước.
“Những người đi làm xa như mình thì đặc biệt thích không khí đoàn tụ ở bữa tiệc tất niên. Mỗi người một tay, người thì nấu xôi, làm bánh, người thì vặt lông gà, nướng thịt. Khoảng chiều tối thì tụ lại đông vui hơn”, Phương chia sẻ.
Theo Phương, với tình hình hiện tại, gia đình cô dự định thu nhỏ quy mô tất niên hoặc mỗi nhà tự tổ chức riêng để đảm bảo an toàn.
“Các bác và bố mẹ mình vẫn đang bàn tính. Năm nay, nếu không có liên hoan cuối năm thì cũng hơi buồn một chút nhưng đỡ lây lan dịch bệnh. Mình đang hoàn tất các công việc ở TP.HCM để kịp về quê đón Tết”, cô gái nói thêm.
Thay đổi tùy tình hình dịch
Tương tự Đào Phương, Kim Huệ (26 tuổi, quê Quảng Trị) cũng đang thu xếp những đầu việc còn lại để về quê sớm cùng bố mẹ.
Huệ cho hay tiệc cuối năm thường diễn ra ở nhà cô vào 30 Tết, sau khi xong công đoạn dọn dẹp nhà cửa. Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung đông đủ để phụ nấu nướng. Thực đơn được thay đổi linh hoạt nhưng luôn có đủ xôi, gà, canh măng, thịt luộc, chả, nem.
“Gia đình mình mời cả hai nhà nội ngoại nên phải làm cỗ rất to và thịnh soạn. Nhắc đến là mình đã thấy háo hức và mong được gặp mọi người”, Huệ kể với Zing.
Thế nhưng năm nay, nhà Huệ chỉ định tổ chức đơn giản hoặc đổi hình thức do tình hình dịch phức tạp.
“Không thể bỏ luôn tất niên, nhưng cũng không mời khách đến đông được vì rất dễ lây nhiễm. Nếu căng quá thì bố mẹ mình chỉ làm bữa cơm và mời những người thân ở gần trong khu thôi”, cô nói.
Chia sẻ với Zing, Thảo Uyên (22 tuổi, quê Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết tiệc tất niên là truyền thống hàng năm của gia đình cô.
Vào ngày này, hầu hết con cháu bên nhà ngoại của Uyên đều họp mặt để cùng nhau ăn bữa cơm, tổng kết lại năm cũ. Thông thường, nhà cô làm khoảng 3 bàn lớn, gồm các món quen thuộc của dịp Tết như canh măng, khổ qua, thịt kho trứng.
“Nếu tính tổng hết thì lên đến 30 người. Mỗi người nấu một món nên cũng khá nhanh. Ăn xong thì mọi người quây quần, tâm sự với nhau, kể về một năm đã qua”, Uyên nói.
Tất niên là dịp Uyên thích nhất trong năm vì được sum vầy cùng người thân và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Cô gái cho biết thêm bữa tiệc năm nay sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với dịch Covid-19.
“Tùy theo số lượng khách mỗi năm mà người lớn trong nhà sẽ tính toán việc tăng giảm món ăn. Đây là một năm đầy biến động, tuy nhiên mình nghĩ vẫn nên có một bữa cơm thân tình, nhỏ gọn hơn cũng được để cầu mong khởi đầu tốt đẹp”, cô chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-bua-tiec-tat-nien-bien-mat-post1284689.html