Các cảng cá lớn tại Thanh Hóa bồi lắng nghiêm trọng khiến ngư dân gặp khó
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3 cảng cá lớn, bao gồm cảng cá Hòa Lộc, cảng Lạch Hới và cảng Lạch Bạng. Trải qua nhiều năm sử dụng các công trình này đang bị bồi lấp nghiêm trọng nhưng chưa được nạo vét. Tàu thuyền nhiều lúc mắc cạn không thể ra khơi, phải phụ thuộc nước thủy triều khiến ngư dân gặp muôn vàn khó khăn trong việc ra vào, giao thương, cũng như tránh trú bão.
Những con tàu mắc cạn
Ghi nhận tại khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), hiện phù sa bồi lắng trong khu vực âu rất lớn, khi nước thủy triều xuống thấp, phao neo nằm trên mặt bùn, diện tích neo đậu bị thu hẹp nên rất khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào, nhất là khi tránh trú bão. Tàu thuyền phải neo đậu nhiều giờ để chờ thủy triều lên mới vào được, thậm chí nhiều tàu đã bị mắc cạn, còn cản trở các phương tiện khác vào neo đậu.
Theo quan sát của phóng viên, hiện khu vực cửa vào âu khi thủy triều xuống thấp còn -1m, chỉ tàu công suất nhỏ dưới 50CV mới ra vào được. Do khu neo đậu cạn quá, chỗ âu tránh trú bão của cảng cá Hòa Lộc bị bồi lắng nghiêm trọng nên tàu thuyền rất khó ra vào.
Ngư dân ở đây cho biết, họ phải đợi nước to mới cho thuyền vào được, rất bất tiện cho việc đánh bắt, mua bán hải sản. Nhiều khi thuyền đánh bắt về tới nơi nhưng phải đợi thủy triều lên mới vào neo đậu được; vì thời gian kéo dài nên tôm cá bị hỏng; đáng lẽ bán được 10 đồng thì lúc ấy chỉ được 5 đồng. Nguy hiểm nhất là khi có mưa bão, tàu thuyền muốn vào bờ tránh trú nhưng vẫn phải chờ nước lên.
Anh Hoàng Văn Chiến, trú tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: "Hiện tại gia đình tôi có hai chiếc tàu với chiều dài 25m chiều rộng 5,5m. Mới đây, trong lúc di chuyển, thuyền của tôi bị gãy chân vịt do mắc cạn, linh kiện sửa chữa thì phải phải nhập từ miền Nam. Chiếc tàu phải nằm “án binh bất động” mất một thời gian khiến nguồn thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng. Chúng tôi đi biển quanh năm nên cũng không biết kiến nghị ở đâu, với ai cả. Rất mong các ngành chức năng sớm có phương án nạo vét tại cảng cá để ngư dân đỡ vất vả như hiện nay.”
Theo tìm hiểu, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại cảng cá Hòa Lộc đã đầu tư xây dựng năm 2012 và đưa vào sử dụng tháng 8 năm 2016, có diện tích 18,8 ha; phục vụ neo đậu đảm bảo an toàn cho trên 300 tàu cá có công suất đến 400 CV. Sau 5 năm sử dụng và khai thác, công trình đã phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào neo đậu trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, công việc nạo vét khơi thông luồng lạch không thực được thực hiện thường xuyên, gây nên phù sa bồi lắng.
Giống như tình trạng của cảng cá hòa Lộc, tại Cảng Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn), và cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), tình trạng bồi lắng cũng diễn ra nghiêm trọng, có khu vực khi triều kiệt, mức nước chỉ còn -0,8 m, chỉ đáp ứng cho tàu công suất nhỏ dưới 50 CV. Hiện tại, có những nơi mực nước trên các cửa sông chỉ đạt độ sâu dưới 1m, gây nguy hiểm cho các tàu chạy qua khu vực như hiện tượng bị gãy bánh lái, gãy sải cánh chân vịt.
Cảng cá Lạch Bạng với chiều dài gần 1000m trên địa bàn hai phường Hải Bình và Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), được xây dựng với quy mô là cảng cấp vùng (loại I); diện tích quy hoạch: 40,6 ha. Cảng cá được xây dựng từ những năm 2009-2012. Vài năm trở lại đây, cát biển bồi lắng luồng lạch, đặc biệt khu vực này còn tồn tại dải đá ngầm trong luồng chạy tàu, gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra vào trao đổi hàng hóa và tránh trú bão; đặc biệt tàu có công suất từ 400 đến 1000 mã lực không thể vào cửa Lạch Bạng được. Hôm nào triều cường thì tàu cũng phải gầm máy mãi, mất cả chục tiếng đồng hồ mới có thể cập bến; nên nhiều lúc phải dùng thuyền công suất nhỏ để vận chuyển hải sản vào bờ, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản và giá thành sản phẩm.
Cảng biển bị bồi lắng khiến việc ra khơi bấp bênh, người dân trên bờ cũng mất việc. Theo phản ánh của nhiều ngư dân nơi đây, họ đang lâm vào cảnh nợ nần, bởi những con tàu đã được đầu tư tiền tỷ nhưng không thể vươn khơi. Thiếu công ăn việc làm, nợ ngân hàng không trả được, ngư dân đã khó khăn giờ càng thêm chồng chất.
Để ngư dân bám biển vươn khơi
Theo ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, Năm 2017 cảng cá Lạch Bạng được nạo vét nên thời gian đầu, tàu thuyền của ngư dân ra vào nhập cá và trú bão tấp nập, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt tàu thuyền có công suất lớn "hội tụ" về đây. Thậm chí có những con tàu lớn ở các tỉnh ngoài, họ đánh bắt hải sản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ cũng vào nhập hàng cho các nhà máy chế biến thủy sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong khu vực.
Giờ cửa Lạch Bạng thường xuyên bị bồi lắng và xuất hiện dải đá ngầm nên rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nên hàng năm đều xảy ra tại nạn gây thiệt hại lớn về tài sản cho ngư dân. Hiện toàn phường có 200 tàu cá (giảm so với đầu năm 2020 là 10 tàu). Bà con ngư dân chỉ mong muốn cửa lạch sớm được nạo vét có thể giao thương tấp nập như trước đây.
Ông Sơn cho biết thêm: "Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tuy đã được nhà nước đầu tư nâng cấp nhưng chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, khai thác hải sản của của địa phương trong vùng và thu hút tàu ở các tỉnh bạn về sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa."
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Ánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết: Các khu vực cửa lạch, cửa âu, lòng âu tránh trú bão, khu vực trước cầu cảng của cả 3 cảng cá lớn không được nạo vét thường xuyên, nên bị bồi lắng rất nghiêm trọng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp, cảng và âu bị cạn; việc ra vào cảng để bốc dỡ hàng hóa cũng như vào âu tránh trú bão của các phương tiện khai thác rất khó khăn, nhiều tàu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão phải chờ nhiều giờ, đợi thủy triều lên mới có thể vào cảng và âu.
“Hiện tại hệ thống phao neo ở cảng cá sau thời gian sử dụng đã bị xâm thực mạnh hoen gỉ, ngậm nước. Một số phao đã bị chìm, gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Tại cảng cá Hòa Lộc, khu neo đậu còn nhiều hạng mục quan trọng chưa được đầu tư như: Nhà điều hành, đường quanh âu, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước sạch... Mỗi khi bão, áp thấp đến, đường quanh âu lầy lội. Vì không có nhà điều hành nên cán bộ, công nhân viên phải đứng ngoài trời mưa bão cả ngày đêm để điều hành sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão, rất vất vả. Trước tình trạng bồi lắng nghiêm trọng, Ban quản lý cảng cá cũng đã có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa về việc đầu tư dự án nạo vét, duy tu bảo dưỡng và bổ sung các hạng mục còn thiếu để ổn định cuộc sống cho ngư dân."
Hàng nghìn ngư dân của 3 cảng cá lớn tại Thanh Hóa đang ngày đêm mong mỏi có một dự án nạo vét tầm cỡ sớm được triển khai. Bởi chỉ khi luồng lạch được khơi thông, họ mới có thể yên tâm để tàu thuyền ra vào; vươn khơi, bám biển.