Các 'chiến thần' mách nước sĩ tử 2K6 bí kíp chinh phục tổ hợp Khoa học Xã hội
Tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) là tổ hợp cần nhiều 'dung tích não' của các sĩ tử nhất vì số lượng kiến thức lớn. Nay nhà Hoa mời các 'bảnh' thuộc hội KHXH 'hóng' xem các chiến thần đã chinh phục tổ hợp này như thế nào nhé!
Ngữ văn: Ngắn gọn súc tích có đủ
làm giám khảo “thích thích thương thương”?
Nhiều người tin rằng để đạt điểm cao môn Văn thì phải viết lê thê, sướt mướt. Nhưng chị Nguyệt Tú (điểm 9 môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023) không cho là như vậy.
Chị Tú chia sẻ: “Ở phần Đọc hiểu, mình nên làm đủ các bước và đúng phương pháp như giáo viên đã giảng, xác định đúng từ khóa của câu hỏi để có thể trả lời chính xác, vào đúng trọng tâm để vừa không lạc đề, vừa tiết kiệm thời gian cho những phần quan trọng hơn. Với nghị luận xã hội cần đảm bảo đủ mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Không nên viết quá hoa mỹ, dài dòng vì có thể bị lan man, lạc đề”.
Còn với phần Nghị luận văn học, chị Tú không chọn học dàn trải, thuộc lòng từng chi tiết mà “ăn chắc mặc bền” với kỹ năng viết, các bước làm bài:
“Chị chọn học cách làm bài, nắm rõ bài viết có bao nhiêu bước và làm đủ các bước để không bị mất điểm. Phân tích văn đủ và đúng ý. Học sườn bài và phân tích từng bài theo sự hiểu biết về tác phẩm. Học những chi tiết chung của tác phẩm và phân tích kỹ theo cảm nhận riêng của bản thân để bài viết sáng tạo, đồng thời không hiểu sai ý tác phẩm”.
Bên cạnh đó, để “ăn” điểm sáng tạo của bài viết, chị Tú gợi ý chúng mình nên chuẩn bị thêm các trích dẫn, nhận định của các văn thi nhân, các nhà phê bình văn học. Chị bật mí thêm là phân loại theo từng chủ đề (chiến tranh, thiên nhiên, con người...) sẽ dễ có thể sử dụng cho nhiều tác phẩm trong cùng nhóm.
Lịch sử: Tóm tắt bài học, thường xuyên tự kiểm tra kiến thức
Đặc thù của môn Lịch Sử là vô vàn nội dung phải học và ti tỉ sự kiện, năm tháng phải nhớ (khó nhớ hơn cả mười số CCCD).
Vì vậy, bạn Lan Phương (thành viên đội tuyển HSG Sử cấp Thành phố) khẳng định rằng chúng mình không cứ “đâm đầu” thuộc lòng tất tần tật mà tự thống kê lại nội dung: “Sau mỗi bài học, mình sẽ thống kê lại những nội dung quan trọng rồi viết chúng thành một sơ đồ thiệt đơn giản và dễ học. Sau đó, mình sẽ chuẩn bị tờ giấy trắng, ghi lại tiêu đề, nội dung vắn tắt, từ khóa của bài học để tự dò bài bản thân. Cách này giúp mình hệ thống lại được nội dung bài học, và sẽ hạn chế được việc bị nhầm lẫn với những bài khác”.
Để nằm lòng các mốc thời gian, bạn Lan Phương chia sẻ thường áp dụng game sau:
“Đầu tiên, bạn viết ra một list mốc thời gian xen kẽ nhau. Sau đó điền vào chỗ trống tên gọi, diễn biến của những sự kiện diễn ra vào thời gian đó. Thời gian đầu chưa quen có thể chỉ test thời gian của một bài thôi, về sau quen rồi thì mình có thể thử xáo trộn nhiều bài cùng một lúc. Việc này khiến kiến thức được liên tục được củng cố và liên kết chặt chẽ với nhau hơn”.
Một bí kíp nữa được bạn bật mí là tự liên hệ kiến thức đang học với những kiến thức đã học. Chẳng hạn khi nhắc đến Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 10/1930, mình sẽ liên hệ với những hội nghị khác (Hội nghị tháng 7/1936, tháng 11/1939…) và so sánh nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của các hội nghị ấy.
Làm được điều này là bởi các bài học, sự kiện lịch sử đều có điểm chung là nằm trên trục thời gian. Vì vậy, chúng mình không chỉ có thể tận dụng điều này với lịch sử Việt Nam, mà khi học các sự kiện thế giới, chúng mình có thể liên hệ xem sự kiện này với nước ta, và xác định được ảnh hưởng của chúng đến tình hình trong nước.
Địa lí: Nắm chắc từ khóa, loại bỏ âu lo
Vấn đề nan giải của Địa lí không hẳn là do nó khó hiểu, mà là vì giữa bốn phương án trắc nghiệm, chúng mình cứ thấy chúng na ná nhau và không biết chọn cái nào. Chị Mỹ An (giải Nhì môn Địa Lí HSG TP.HCM năm 2023) chia sẻ:
“Theo kinh nghiệm của chị, đa số các câu hỏi đánh đố và cần tư duy đều nằm ở các nội dung liên quan đến vùng kinh tế. Khi học và làm bài, các bạn cần chú ý và ghi chú lại các từ khóa liên quan đến các đặc trưng của từng vùng để làm bài dễ dàng hơn (Ví dụ: Tây Nguyên: Mùa khô dài à quan tâm thủy lợi...)”.
Việc ghi nhớ từ khóa này áp dụng được cho cả phần biểu đồ, khi chỉ cần nắm được các từ khóa cơ bản tương ứng với mỗi loại biểu đồ là sẽ làm ra. Chẳng hạn “cơ cấu” dưới ba năm là biểu đồ tròn, “cơ cấu” trên ba năm là biểu đồ miền, “tăng trưởng” là biểu đồ đường...
Ngoài ra, chị Mỹ An còn nhắn nhủ chúng mình cần trang bị hiểu biết nhất định về tình hình thực tế bên ngoài, về điều kiện tự nhiên (tình hình biến đổi khí hậu), về kinh tế (các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài…) để làm đúng những câu hỏi đề cập đến vấn đề hiện nay.
Chị gợi ý thêm để tăng độ nhạy khi làm bài thì cần chọn nguồn đề chất lượng và “cày đề” thường xuyên. Đề thi minh họa, tốt nghiệp THPT các năm gần đây là các đề cần “thực chiến” đầu tiên, sau đó đến đề của các tỉnh thành.
GDCD: Khi kinh nghiệm sống “làm nên chuyện”
Trong tổ hợp Khoa học Xã hội, GDCD là bộ môn “dễ xơi” nhất. Vì hầu hết kiến thức GDCD lớp 12 đều thuộc phạm vi đời sống, chẳng hạn như pháp luật, các quyền, nghĩa vụ của công dân, học sinh, tổ chức, doanh nghiệp. Vậy nên khi học các kiến thức bộ môn này, chúng mình nên liên tục tự liên hệ đến những hiện tượng, sự việc trong cuộc sống để ghi nhớ lâu hơn.
“Khoai” nhất của GDCD phải kể đến những câu hỏi đặt tình huống anh A, chị B, ông C, bà D. Ở những câu hỏi này, quan hệ giữa các nhân vật thường rối rắm, các sự kiện chồng chéo lên nhau, họ có thể phạm nhiều tội khác nhau, và câu hỏi buộc chúng mình nhận biết và chỉ ra một trong số những lỗi đó.
Khi gặp những câu hỏi này, bạn nên tự tóm tắt câu hỏi, gạch đầu dòng ra từng người và hành động của họ, nhận biết từng vấn đề tương ứng với từng hành vi. Khi đã gỡ được phần rối nhất của câu hỏi, chúng mình dễ dàng nhận diện được vấn đề và đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Chúc bạn chinh phục thành công tổ hợp Khoa học Xã hội!